Thư từ một thành viên mới của Marry
“ Tôi năm nay 27 tuổi, mẹ trẻ một con. Số lượng đám cưới tôi đã từng dự qua không ít hơn 20, trong đó đa phần là bạn bè thân. Chắc không dài dòng nữa, từ việc quan sát và trải nghiệm bản thân, tôi muốn mang đến cho bạn 9 lời khuyên đơn giản, mà mang tính sống còn này:
09. Làm ơn! đừng để mọi thứ “nước tới chân (hay tới rốn) mới nhảy!
Tôi tính hay trì hoãn, cứ việc gì ngại ngại phức tạp là cứ để đó, vì ngán phải đụng tay vào và bắt đầu. Đã phải trả giá, tôi tiếc nhiều thứ, giờ chặc lưỡi nói hoài “phải chi hồi đó…”. Thật ra, có những việc bạn không thể làm trước được như: làm đông bánh kem… Nhưng số lượng mấy việc này đếm trên đầu ngón tay, còn lại đều phải qua giai đoạn công phu chuẩn bị.
Cái đêm trước ngày cưới, 2h sáng, thay vì nằm yên ấm cuộn tròn trên giường mơ tới ngày hạnh phúc ngày mai, thì tôi lại đang lui cui loay hoay làm cho xong những thứ còn lại trước khi quá muộn.
Khi bạn cố gắng quá sức làm quá nhiều việc cùng một lúc, thì thật thê thảm, không gì hoàn mỹ cả, còn bạn thì trông như bà già hom hem vì mệt mỏi, nắm tay anh xã trên con đường đầy hoa mà đầu cứ nơm nớp lo sợ, không biết tí nữa lên sân khấu đèn đóm có trục trặc gì không.
Giải pháp cho chuyện này (vì dù cho bạn không hay trì hoãn, bạn vẫn cứ sẽ bị trễ cho mà xem):
- Tìm một công ty kế hoạch cưới để quán xuyến hết mọi thứ cho bạn trong ngày cưới. Giải pháp này đang trở nên thịnh hành và mang tính an toàn rất cao.
- Chuẩn bị mọi thứ từ 6 tháng trước khi đám cưới, và răn đe bản thân tự nghiêm túc tuân theo các kế hoạch do chính mình đặt ra.
08. Hãy ăn cái gì đó! Cứ ăn uống bình thường ngay cả vào ngày cưới của bạn!
Lời khuyên này có vẻ cũ như trái đất. Cái bạn cần là một lời chia sẻ kinh nghiệm bản thân thật sự. Kinh nghiệm của tôi thì lại càng đau thương và đắt giá hơn. Bởi tôi là người rất đam mê chuyện ăn uống, và lại luôn cảm thấy ngon miệng.
Khoảng thời gian trước ngày cưới, vì quá lo lắng, bồn chồn, tôi mất luôn cảm giác ngon miệng. Ăn thứ gì cũng không thấy hứng thú. Hậu quả là trở nên phờ phạc trước ngày cưới. May mà sau đó tôi lấy lại cân bằng nhờ một số biện pháp cưỡng chế từ bố mẹ.
Giải pháp: làm ra 1 bản liệt kê những món ăn bình thường bạn khoái khẩu, dễ ăn, dễ tiêu hóa. Nhờ mẹ hoặc bạn thân cùng bạn giám sát lịch trình ăn uống và luôn sẵn sàng để giúp bạn điều chỉnh lại giờ giấc, bổ sung thêm bằng những món trong danh sách trên để tái tạo lại “niềm đam mê ẩm thực”.
07. Để cho mình có thời gian để ngủ
Bạn có thể thực hành một vài biện pháp chăm sóc thẩm mỹ và nhân tiện thời gian, không gian này để ngủ một giấc thật ngon.
Cả tháng trước khi làm đám cưới, ngoài chuyện ăn không ngon ở trên, tôi còn có luôn cả triệu chứng “ngủ không yên”, cứ đặt mình xuống là hàng trăm thứ lẩn quẩn trong đầu. Đêm trước ngày cưới, lúc tôi đã “đủ mệt để có thể ngủ” một giấc thẳng thừng, thì lại KHÔNG THỂ vì còn cả núi thứ phải làm.
Đến hôm trước ngày cưới, đầu óc tôi mụ đi, trống rỗng, chân đi lơ thơ như bước trên mây, làm lễ xong, phải hỏi lại chồng rằng “Anh này lúc nãy em có nói nhầm gì không nhỉ?”. Thật là mất mặt!
Giải pháp: đơn giản. Ngủ, ngủ và ngủ.
06. Nếu bạn không tìm được một ban nhạc hoặc 1 người chỉnh nhạc vừa ý, hãy tìm một MC giỏi!
MC bình thường đã cần thiết để dẫn dắt luồng của buổi lễ. Thì sau đó có thể là một giải pháp hoàn mỹ để hướng dẫn thực khách đi theo những trò chơi vui vẻ và đầy tính tập thể. Hãy nhìn xung quanh và đặt trọng tâm vào việc này.
Chuyện gì cũng có thể xảy ra vào phút cuối: DJ bận không tới được, ban nhạc bay vào trễ… Hãy chuẩn bị tinh thần hết cho những tình huống này trong ngày cưới của mình.
05. Một mình bạn KHÔNG THỂ làm hết mọi thứ
Xin được lặp lại:
“Một mình bạn KHÔNG THỂ làm hết mọi thứ".
Nhiều người bàng quang nhìn vào một đám cưới (chỉ bằng việc nhỏ bằng hột gạo là đi dự tiệc cưới trong vòng 2 tiếng đồng hồ) và phát biểu rằng “Cũng đơn giản thôi. Sau này tôi có thể tự lo hết mọi thứ”.
Nếu bạn lên facebook hay một diễn đàn của các cô dâu mà phát biểu câu này chắc chắc câu phát biểu đó phải có đến mười mấy phản hồi! Sự thật đó là điều KHÔNG THỂ. Chỉ là “chưa qua đoạn trường chưa biết gian nan”.
Hãy hỏi thử những người đi trước, lắm người đã phải khóc ròng vì tự đưa mình vào bẩy với cái niềm tin chắc cú sai lầm đó. Tôi là dạng người thích điều khiển và làm mọi thứ cho đúng ý của mình nhất (tác hại của việc này là một người đàn bà của công việc). Tôi đã tin mình có thể làm được cái đám cưới nhỏ tẹo giản dị này, tin như tôi đã tin trái đất hình tròn vậy!
Nhưng tôi đã KHÔNG THỂ, và bạn cũng sẽ KHÔNG THỂ. Nếu bạn muốn có một tiệc tiếp khách giông giống như trong mơ (chỉ mong 50% thế thôi, nghĩa là đã phải có đầy đủ mọi thứ, hoa huyết, người ngợm, nước nôi, quà, thiệp…), và muốn tự làm ngay từ đầu, bạn chỉ có một cách duy nhất là dựa dẫm vào bạn bè của mình.
Mà bạn bè thì cũng mỗi người một kiểu, mỗi người một cách suy nghĩ, một cách làm. Thế là để mọi thứ đúng như 1 ý, bạn lại phải phân thân ra mà điều chỉnh, lên vai trò sắp xếp đạo cụ, chi tiết thời gian và kịch bản… bạn mệt, bạn của bạn bực mình!
Hồi đó chỉ sau vài ngày như thế, tôi chợt ngộ ra rằng, khi bạn đã cần đến bạn bè, và bạn bè đã sẵn lòng giúp bạn thì hãy vui vẻ nhận lấy và mang ơn sự giúp đỡ đó cho ngày cưới thêm suôn sẻ, cứ để đó cho họ tự lo, mọi thứ (hy vọng) rồi đâu sẽ vào đấy. Giải pháp tốt hơn là tìm một công ty kế hoạch cưới. Chuyện này làm tôi tiếc nhất vì đã không quyết đoán ngay từ đầu.
04. Hãy nhớ rằng chắc chắn sẽ có người về sau phần lễ hoặc tiệc, nhưng đừng vì thế mà chùn tâm trạng, đừng nghĩ đám cưới của mình không thú vị
Tôi chỉ làm một đám cưới giản dị và mời 55 người khách. Sau phần lễ một số anh chị chú bác ra về trước. Còn lại đa phần là bạn bè. Cảm giác khi đứng trên sân khấu nhìn xuống thấy lần lượt từng người ra về, giống như thấy mình là ca sỹ mà hát tệ vậy đó, chùn xuống lắm.
Nhưng bạn đừng để tâm việc đó nhiều, hãy dành thời gian và sự hăng hái nhiệt tình để chung vui với đám đông còn ở lại. Họ đến vì bạn, hãy hết lòng vì họ.
03. Bạn sẽ không thể dành “chất lượng” thời gian cho từng người một
Chắc chắn thế. Tôi chỉ có 55 người khách và việc phải đến với từng người đã là không thể (Chưa kể nếu đám cưới bạn hoành tráng kiểu celebrity, như một đại nhạc hội, có đến vài trăm người khách, chuyện còn kinh khủng hơn). Bây giờ và sau này tôi vẫn luôn cảm thấy bứt rứt vì chuyện này.
Lời khuyên là đừng nên cảm thấy thế. Mọi chuyện thực ra không nghiêm trọng như bạn nghĩ. Họ hiểu và thông cảm hết. Ở chi tiết này bạn không thể làm khác gì, có chăng là phải tự an ủi để cảm thấy đỡ tội lỗi hơn.
Điều cần nhớ là hãy xem xét danh sách khách mời thực sự rất rất kỹ trước khi gửi thiệp. Số lượng đôi khi không quan trọng bằng chất lượng.
02. Nếu có thể, hãy động phòng ngay trong đêm hôm đó!
Chà, trái hẳn với những lời khuyên bạn thường thấy nhỉ? Thường người ta sẽ nói cô dâu chú rể mệt nhoài rồi, chưa kể chú rể đã có tí hơi men trong người, lắm chuyện sẽ phát sinh nếu cứ cố động phòng trong đêm. Cái tôi nói ở đây là “nếu có thể”, nghĩa là “tình trạng sức khỏe hoàn toàn cho phép và đam mê dâng tràn” thì hãy làm việc đó.
Việc sẽ được cổ xúy hơn nếu hai bạn đã cùng nhau trải qua trước khi kết hôn, điều nhắc nhở này nhằm tránh tình trạng khám phá không thành công vì những yếu tố ngoại cảnh và rồi sau này thất vọng về nhau vì ấn tượng đầu tiên. Hãy lượng sức mình!
01. Chuẩn bị cho một cột mốc đầy khó khăn phía trước nhưng đừng quên chờ đón và đi vào nó với niềm hứng thú cho một cuộc sống mới
Lúc đang
chuẩn bị đám cưới, mỗi khi đi ngoài đường, thấy có thứ gì hay hay dễ thương, tôi thường tự hỏi mình “có cách nào mang nó vào đám cưới của mình được không nhỉ?”. Thói quen ấy vẫn còn khoảng vài tuần sau đám cưới, tôi vẫn thường loay hoay mà quên mất rằng đám cưới mình đã qua rồi.
Lúc trở về với thực tại, tự nhiên tôi đâm buồn, cứ nghĩ đám cưới phải kéo dài và niềm vui phải hả hê lắm, mà thực sự thì quá ngắn, niềm vui như ngọn nếu bừng lên rồi tắt ngay sau đó, giờ chúng tôi lại đang trở về với một nhịp sống đều đều hàng ngày.
Ý nghĩ đó là tôi không vui, cảm thấy cuộc sống phía trước mình không tràn đầy hạnh phúc như mình từng nghĩ. Bạn hãy đừng như thế, hãy đừng quá phấn khích hết mực cho đám cưới của mình để rồi quá hụt hẫng.
Đám cưới chỉ là khi bạn chung vui và được chúc phúc của gia đình, bạn bè, còn lại nó sẽ chỉ là khởi đầu cho tất cả mọi thứ thay đổi sau này. Hãy nghĩ nhiều hơn đến cảnh một gia đình ấm, nhỏ, hạnh phúc, và tình yêu mà hai bạn đang dành cho nhau. Những thứ đó khiến bạn yên lòng và niềm vui sẽ ở lại mãi mãi.
Đó là 9 lời chia sẻ của tôi. Thêm một điều nữa: bạn đang dành ra hàng giờ, hàng ngày, hàng tháng, thậm chí cả năm để lo lắng về tất tần tật mọi thứ diễn ra trong ngày cưới.
Khi ngày cưới đến gần, hãy thư giãn, tự cho mình quên hết những chi tiết lặt vặt: hoa, bánh, bàn ghế, nước uống bỏ qua hết. Nhưng hãy nhớ nó chỉ diễn ra và kết thúc trong vòng 1 ngày, hãy tận hưởng đến từng giây từng phút của ngày trọng đại này.
Hãy chỉ nghĩ đến ngày yêu nhau và những điều tốt đẹp đã có trước khi bước đến cuộc hôn nhân này, để có được cảm giác nồng nàn nhất trong ngày đẹp nhất đời bạn.”