Mỗi lần nhìn một cô gái trẻ với chiếc nhẫn đính hôn lấp lánh trên ngón tay, tôi lại muốn tiến tới, ngồi bên và khuyên nhủ. Không phải tôi chống lại những phụ nữ kết hôn từ thủa 20, tôi chỉ cho rằng hôn nhân sẽ tốt hơn khi bạn đợi đến khi mình bước vào những năm tuổi 30. Tôi đã làm vậy và chiến thắng nghịch cảnh.
Tôi 34 tuổi và đang trong cuộc hôn nhân thứ hai. Dưới đây là các mốc cuộc hôn nhân đầu của tôi:
- Gặp chồng cũ: 25 tuổi.
- Đính hôn: 26 tuổi.
- Kết hôn: 27 tuổi.
- Ly hôn: 28 tuổi.
Tôi tự hào về thực tế rằng tôi đã ly hôn trong những năm tuổi 20 của mình. Điều đó có nghĩa là tôi đã can đảm rời nhà, nhặt nhạnh những mảnh vỡ và bắt đầu lại cuộc đời khi tất cả bạn bè mình kết hôn và có con.
Ảnh minh họa
Tôi không thể tiếp tục sống trong gia đình không hạnh phúc, ngủ hằng đêm bên người không còn muốn gắn bó với tôi, biết mình sẽ chẳng bao giờ có được điều đã mơ ước. Thay vào đó, tôi chọn theo đuổi những giấc mơ đó. Và hiện tại, tôi đang sống như đã mơ.
Tôi biết ơn cuộc hôn nhân thất bại của mình. Tôi thích nhắc tới nó như một sự học hỏi kinh nghiệm vì nó dẫn tôi đến nơi tôi muốn: Kết hôn lần nữa trong hạnh phúc, làm mẹ một cô con gái xinh đẹp.
Tôi coi chuyện ly hôn của mình như một trải nghiệm tích cực. Khi cuộc hôn nhân đó chấm dứt, tôi lên một danh sách những phẩm chất mình muốn ở một người bạn đời mới và khá may mắn, tôi tìm được một người đáp ứng các yêu cầu này. Chúng tôi kết hôn khi tôi 32 tuổi và tôi có thể tự tin nói rằng mối quan hệ này sẽ bền lâu.
Lập gia đình ở những năm tuổi 30 sẽ tốt hơn là tuổi 20. Hiện tại, khi đang hạnh phúc, tôi không thể tưởng tượng mình sẽ sống cả đời thế nào với người chồng cũ. Hôn nhân sẽ tốt đẹp khi bạn tìm được đúng người. Nhưng cũng có những lợi thế khác khi bạn đợi tới lúc mình chín chắn để lập gia đình:
1. Ở độ tuổi 30, bạn hầu như đã trải qua hết những điều nông nổi, vụng dại tuổi trẻ.
Bạn đã hẹn hò với người này, người kia và hiểu rõ cánh đàn ông để đủ biết những chàng trai tồi sẽ nằm ngoài danh sách lựa chọn của mình.
2. Bạn đã có đủ thời gian để hồi phục trái tim tan vỡ sau mối tình đầu.
Trong suốt nghiên cứu của mình, tôi thấy rằng, nhiều phụ nữ kết hôn vì họ nghĩ cần tìm một ai khác để so sánh hay khỏa lấp tình yêu đầu tan vỡ.
3. Những năm 20, bạn nuông chiều theo cảm xúc của bản thân. Bạn tạo ra chính mình. Khi ở tuổi 30, bạn biết mình là ai và điều bạn cần ở "nửa kia" là gì. Bạn không còn bị phụ thuộc nhiều vào người khác nữa.
4. Sự chín chắn và kỹ năng giao tiếp sẽ lớn dần cùng tuổi tác.
Thay vì đấu đá vì những điều nhỏ nhặt hay giấu kín các vấn đề, bạn biết cách để giải quyết chúng.
5. Bạn biết mình muốn gì.
Ở tuổi 30, bạn không còn phí thời gian hẹn hò với một người khi biết mối quan hệ sẽ không đi tới đâu, vì vậy "một nửa" bạn cưới sẽ là người bạn có thể tạo dựng mối quan hệ thành công trong tương lai.
6. Bạn đã xây dựng được sự tự tin vào bản thân.
Bằng cách bộc lộ những điều tốt nhất ở bản thân, bạn sẽ làm cuộc hôn nhân của mình cũng êm đẹp hơn.
7. Ở độ tuổi 30, bạn đã học được cách kiểm soát tiền bạc.
Tài chính là một nguồn dễ gây bất đồng giữa các đôi và là một lý do khiến nhiều cặp vợ chồng trẻ ly hôn. Ai mà muốn dành cả đêm để tính toán về từng bữa cơm, manh áo?
8. Bạn yên tâm hơn về nghề nghiệp của mình khi ở độ tuổi 30.
Điều này giúp bạn dành sự tập trung thời gian và năng lượng cho cuộc hôn nhân của mình.
9. Bạn đã có thời gian sống tự lập.
Cho dù trước khi lập gia đình bạn đã ở chung với bạn cùng phòng hay chỉ ở một mình, bạn đã học được nhiều kinh nghiệm sống và trở thành một người lớn có trách nhiệm. Bạn không cần phải học điều này trong khi phải điều chỉnh bản thân lúc bước vào hôn nhân.
10. Bạn tin vào tiếng nói của mình.
Ở độ tuổi 20, bạn đối mặt với áp lực từ bạn bè, gia đình và xã hội, phải tuân theo những quy tắc, chuẩn mực. Ở độ tuổi 30, bạn có can đảm đấu tranh cho bản thân. Và điều đó sẽ dẫn bạn đến nơi bạn nên đến và người sẽ đồng hành cùng bạn trên con đường đời đầy phiêu lưu này.
st