Đăng bởi Lại Thị Mỹ Duyên - 14/07/2023 | Lượt xem: 3373
Bên cạnh cắt bánh hay rót rượu theo nghi thức trức truyền thống, nếu cặp đôi muốn đặc biệt hơn thì nhất định nên tham khảo 10 nghi thức trong bài viết này, đặc biệt là nghi thức cuối.
Nghi thức góp gạo
Ở nghi lễ này, cô dâu và chú rể cần chuẩn bị hai loại gạo màu sắc khác nhau (có thể là gạo lứt và gạo trắng) đựng trong hai ly thuỷ tinh đẹp và một cái bát không. Khi thực hiện, mỗi người cầm một ly gạo đổ xuống bát sao cho hai loại gạo hoà lại với nhau thành một dòng chảy.
Với ý nghĩa về chung một nhà, cả hai từ hai người xa lạ mà nên duyên vợ chồng. Không chỉ chia sẻ về vật chất mà còn san sẻ ở mặt tinh thần, cả hai dù có những tính cách khác biệt nhưng đều nên có sự yêu thương, nhường nhịn để thấu hiểu nhau. Gạo là một nguyên liệu truyền thống có giá trị về vật chất lẫn tinh thần của người dân Việt. Vì vậy, dâu rể sẽ làm cho lễ cưới của mình thêm phần ý nghĩa khi thực hiện nghi thức này đấy.
Nghi thức trồng cây
Nghi thức trồng cây trong lễ cưới mang một ý nghĩa đặc biệt hơn rất nhiều. Nếu trong câu chuyện tình yêu, hành động này mang ý nghĩa về sự vun đắp, phát triển tươi tốt. Nếu xét rộng hơn, trồng cây giúp bảo vệ môi trường và lan tỏa thông điệp tích cực. Nếu cô dâu chú rể là những người yêu thiên nhiên, đừng bỏ qua nghi thức này nhé.
Hãy chuẩn bị một chậu cây nhỏ mới, một cái cây non có lớp rễ, một xô đất trồng cây, một bình tưới nước, một cái xẻng nhỏ, hai đôi bao tay. Thao tác thực hiện khá đơn giản khi cặp đôi cùng đeo bao tay cho nhau, sau đó lấy cây bỏ vào chậu, lấp đất lại và tưới nước.
Nghi thức in dấu vân tay
In dấu vân tay hiện nay cũng được nhiều người trẻ áp dụng vào nghi thức trong lễ cưới. Dấu vân tay là một đặc điểm riêng biệt của mỗi người, vì vậy cô dâu và chú rể có thể “đóng mộc” là dấu vân tay của mình để cam kết về một mối quan hệ lâu dài.
Cặp đôi có thể chuẩn bị một tấm vải trắng có tên cô dâu chú rể hoặc một bức tranh có hình thân cây để khách mời và cô dâu chú rể có thể in dấu vân tay của mình lên đó tạo thành tán cây.
Nghi thức đổ cát
Nếu hai màu cát hoà trộn với nhau thì khó lòng tách rời - Đó là ý nghĩa của việc đổ cát. Trong lễ tiệc cưới nghi thức đổ cát có hai dạng: đổ cát vào bình thuỷ tinh hoặc đổ cát vào khung tranh.
Ở nghi thức đổ cát vào bình thuỷ tinh thì cô dâu chú rể cần chuẩn bị hai bình cát có màu sắc khác nhau và một bình lớn hơn. Nếu đổ cát vào khung ảnh/ tranh thì ngoài hai bình cát cũng sẽ cần một khung ảnh đổ cát chuyên dụng. Về vấn đề này thì chỉ cần làm việc với đơn vị trang trí, họ sẽ chuẩn bị giúp cô dâu chú rể nhé.
Nghi thức thắp nến
Nến - một trong những biểu tượng của một tình yêu nồng nàn, mãnh liệt. Cô dâu chú rể mỗi người cầm trên tay một ngọn nến đang thắp sáng, cùng chia sẻ lửa vào một ngọn nến chưa được thắp thứ ba đã chuẩn bị trên bàn. Nghi thức này chuẩn bị khá đơn giản nhưng lại mang ý nghĩa vô cùng to lớn về sự sẻ chia.
Nghi thức rửa chân
Đây là một nghi thức truyền thống của người Thái trong lễ cưới, tục truyền lại khi chàng rể và cô dâu đến chân cầu thang; mẹ chàng rể đã chuẩn bị sẵn một chậu nước, có bỏ vào vài đồng tiền xu, xối vào chân 2 người trước lúc lên nhà, vừa là rửa chân cho sạch, vừa để rửa đi quá khứ, sang cái mới từ đây.
"Nước" trong tín ngưỡng phương Đông mang rất nhiều giá trị, đặc biệt là tín ngưỡng phồn thực. Cô dâu chú rể được “tưới nước” với mong muốn sớm có tin vui.
Nghi thức vẽ tranh
Vẽ tranh là một hoạt động dành cho các cô dâu chú rể yêu nghệ thuật và đề cao tính sáng tạo, mới mẻ trong lễ cưới của mình. Cặp đôi cần chuẩn bị một giá vẽ tranh, màu nước hay màu sáp đều có thể linh hoạt.
Cùng nhau phối hợp những gam màu thành một bức tranh hoàn chỉnh ngay trong lễ cưới cũng chính là một vật kỷ niệm ý nghĩa.
Nghi thức nếm gừng - uống rượu giao bôi
“Gừng cay muối mặn” là một trong những biểu tượng mà ông bà xưa thường lấy để ví cho tình cảm chân quê nhưng bền bỉ với thời gian, vượt qua bao sóng gió. Nếm gừng là một nghi thức cũng mang ý nghĩa tương tự, gừng có tính nhiệt giúp làm ấm cơ thể, nâng lên nghĩa bóng có thể luôn làm ấm áp trong mối quan hệ của hai vợ chồng.
Uống rượu giao bôi là nghi thức đã khá quen thuộc với người Việt hay cả phương Tây. Có thể chuẩn bị các loại rượu có nồng độ nhẹ để cả cô dâu và chú rể đều dễ uống.
Nghi thức thắt dây
Ở nghi thức này cặp đôi chỉ cần chuẩn bị hai đoạn dây thừng dài khoảng một mét, treo trên một cái giá. Cô dâu và chú rể thực hiện thắt hai đoạn dây lại theo các loại nút thắt để cả hai sợi dây đen xen vào nhau khắng khít.
Nghi thức đọc lời thề nguyền V.O.W
Đây là một nghi thức mà cả cô dâu và chú rể đều nên thực hiện trong lễ tiệc cưới của mình để tạo cảm giác ấm cúng, ý nghĩa cho toàn bộ hôn lễ của mình. Trao cho nhau những câu chuyện về lý do yêu nhau, hành trình ở bên nhau và mong ước về một mái nhà với sự cam kết trăm năm.
Marry tin rằng 10 nghi thức trên sẽ giúp cho hôn lễ của bạn đặc biệt hơn. Hãy thỏa sức sáng tạo trong lễ cưới của mình, vì trăm năm mới có một lần mà.