Đăng bởi Marry Doe - 31/01/2016 | Lượt xem: 15633
Lo lắng về cuộc hẹn ra mắt đầu tiên với gia đình chồng/vợ tương lai của bạn? Làm thế nào để có sự tự tin trong buổi ra mắt quan trọng? Bí quyết ư? Chính là hãy tự nhiên và là chính mình.
Một vài phụ huynh sẽ soi bạn rất kĩ, nhưng tất cả đều là vì họ muốn chắc chắn rằng con họ yêu được một người tử tế và ngọt ngào. Những ấn tượng ban đầu sẽ nhanh chóng được hình thành. Hãy tham khảo 10 điều cần ghi nhớ khi ra mắt gia đình chồng/vợ tương lai.
Diện đồ đẹp để gây ấn tượng
Đối với các chàng trai: điều này có nghĩa là không mặc quần jean rách, áo sơ mi diêm dúa hoặc áo jacket da. Đối với các bạn gái: không mặc váy ngắn da rắn hở hang, quần ngủ rộng thùng thình, giày cao gót đinh tán. Đây không phải là thời điểm để bố mẹ chồng/vợ tương lai của bạn ấn tượng tột độ với phong cách thời trang cá tính của bạn. Chỉ cần các bạn gội đầu, vệ sinh tai, thân thể, móng tay, răng miệng sạch sẽ, hãy làm cho vẻ bề ngoài của bạn ngoan hiền kiểu truyền thống và đáng tin cậy.
Tìm hiều trước một số thông tin
Đại loại tìm hiểu thói quen của người lớn, xem họ thích gì, bố vợ/chồng tương lai có thích hút thuốc không? Có thích nhậu không? Mẹ vợ/chồng tương lai thích thể loại nhạc nào? Có thích nhạc kịch không? Họ có thích vật nuôi nào không? Việc này sẽ giúp việc trò chuyện được dễ dàng hơn. Hay ít nhất là biết trước tôn giáo hoặc quan điểm chính trị, xã hội để tránh việc nhỡ miệng.
Thích nghi với sự khác biệt về văn hóa
Nếu bạn đính hôn với một người nào đó từ một nền văn hóa khác ví dụ chồng/vợ bạn là một người nước ngoài, tại buổi ra mắt đầu tiên, bạn phải thể hiện sự tôn trọng nền văn hóa của gia đình chồng/vợ tương lai của bạn. Bạn nên tìm hiểu kĩ càng về nền văn hóa đó, đặc biệt là lời chào và cách chào hỏi (Nên bắt tay họ, cúi đầu chào, hoặc hôn họ trên má?). Người yêu bạn cũng sẽ chỉ bạn một số câu chào hỏi cũng như cách phát âm đúng một số từ quan trọng.
Hãy lễ phép
Những câu nói dạ thưa, cám ơn, xin phép, cùng với những hành động lịch sự, kính trên nhường dưới, hăng hái phụ giúp công việc trong nhà bếp, hoặc giúp rửa chén bát sau khi ăn xong… Những hành động dù nhỏ nhặt nhưng cũng sẽ được đánh giá cao và ghi nhớ rất lâu trong tâm trí người lớn.
Lưu ý trong cách xưng hô
Đừng tự ý xưng hô tên gọi với người lớn khi chưa được sự cho phép. Một số phụ huynh khó tính và họ không thích bị gọi tên hoặc danh xưng. Tốt nhất bạn nên hỏi họ thích được xưng hô như thế nào để tránh sự bất kính không đáng có. Một số trường hợp, việc phát âm sai tên họ của người đối diện cũng sẽ khiến bạn bị mất điểm.
Đừng đến tay không
Hãy chuẩn bị một món quà biếu khi bạn đến thăm. Có thể là một chai rượu, một bó hoa, một giỏ hoa quả… Những món quà cây nhà lá vườn hoặc bạn tự tay tạo ra sẽ gây được ấn tượng mạnh đối với gia đình vợ/chồng tương lai của bạn. Vì vậy, hãy đừng ngại sáng tạo.
Hãy tỏ ra quan tâm
Khi người lớn trò chuyện với bạn, hãy tỏ ra biết lắng nghe, thích thú với câu chuyện họ nói, gật đầu đúng lúc, đừng phân tán tư tưởng bằng cách nhìn xung quanh ra nơi khác, hoặc nhìn đồng hồ, đung đưa chân, hoặc dạng chân rộng, nói chung bạn phải lưu ý tới ngôn ngữ cơ thể của bạn khi đang nói chuyện với gia đình vợ/chồng, bố mẹ vợ/chồng tương lai của bạn.
Tránh những chủ đề nhạy cảm
Đừng bắt đầu cuộc trò chuyện bằng những chủ đề dễ gây tranh cãi như chính trị, tôn giáo, thể thao. Những câu đùa cợt vô duyên hoặc nói quá, ba hoa khoác lác về bản thân cũng sẽ khiến bạn bị mất điểm.
Hãy dễ thương
Hãy tỏ ra dễ thương, hòa đồng với bất cứ ai bạn gặp như anh hàng xóm, chị giúp việc, anh chị em của người bạn sắp lấy làm chồng/vợ, chú cún cưng mà gia đình yêu mến, … tất cả điều đó sẽ chứng tỏ cho người lớn thấy bạn có thể là một thành viên trong gia đình của họ hay không.
Đừng giả tạo
Dễ thương nhưng không phải là cố tỏ ra dễ thương kiểu giả tạo, trái với tính cách và con người của bạn. Hãy là chính bạn, đừng biến mình thành một con người khác, con người mà bạn nghĩ họ sẽ thích (người lớn rất tinh ý). Hãy thể hiện tính cách cá nhân của bạn thật tinh tế, ngồi thẳng lưng thể hiện sự tự tin.
Giang Gina