Thanh toán

11 nghi thức trong đám cưới của người Việt Nam

Đăng bởi Marry Doe - 03/01/2020   |   Lượt xem: 2712

Trình tự tiến hành lễ cưới của người Việt Nam, từ Nam chí Bắc, từ miền ngược đến miền xuôi – tên gọi có thể khác nhau, nhưng đều thống nhất như sau:

1. Lễ chạm ngõ hay đám nói

Lễ chạm ngõ là thủ tục đầu tiên dành cho đám cưới truyền thống của người Việt. Lễ chạm ngõ là nhà trai sẽ mang lễ vật như trầu, cau, rượu, chè sang nhà gái. Trong đó, trầu cau là lễ vật chính. Vì theo quan niệm của người Việt “miếng trầu là đầu câu chuyện”, là biểu thị cho tình nghĩa vợ chồng keo sơn, gắn kết bền chặt, thủy chung như câu chuyện cổ tích trầu cau của người xưa để lại.

2. Lễ vấn ăn hỏi

Lễ vấn danh hay còn gọi là lễ ăn hỏi. Theo cách gọi của mộc mạc của dân gian đó là ngày bỏ rào. Khi lễ ăn hỏi được tiến hành nghĩa là người con gái đó đã có nơi có chốn, không được để ý nhòm ngó bên ngoài. Mà phải giữ lễ tiết với chồng và có bổn phận trách nhiệm với nhà chồng. Lễ ăn hỏi cũng là dịp để hai gia đình ngồi lại với nhau để định ngày cưới. Sau lễ ăn hỏi, nhà gái sẽ mang lễ vật nhà trai mang sang để phân phát cho họ hàng với mục đích báo hỉ. Thông thường cau trầu được bọc trong giấy màu hồng hoặc hộp. Còn nhà trai sẽ báo hỉ với họ hàng bằng việc đi phát thiệp mời đám cưới.  

3. Lễ cưới

Theo nghi thức lễ cưới truyền thống, trong đám cưới nhà trai phải thực hiện nghi lễ đầu tiên là lễ nạp tài. Trước khi tổ chức hôn lễ nhà trai sẽ mang sính lễ bao gồm trầu cau, gạo nếp, thịt lợn, quần áo cũng như đồ trang sức cho cô dâu sang nhà gái. Ý nghĩa của việc nạp tài là nhằm mục đích đóng góp với nhà gái tiền cỗ bàn, đồ nữ trang cho cô dâu làm vốn sau này. Tuy nhiên, do hiểu sai mục đích của lễ nạp tài nên ở nhiều nơi, nghi thức này đã biến tướng thành hình thức thách cưới nặng nề. Đây là hủ tục còn tồn tại ở nhiều vùng đồng bào dân tộc và một số địa phương cần loại bỏ sớm, để đám cưới thực sự là ngày hạnh phúc của đôi uyên ương.

4. Lễ xin dâu

Trước giờ đón dâu nhà trai cử người đem trầu, rượu đến xin dâu, báo đoàn đón dâu sẽ đến.

5. Lễ rước dâu

Sau khi hoàn thành tổ chức tiệc ở nhà gái, nhà trai sẽ tiến hành lễ rước dâu. Lễ rước dâu truyền thống được thực hiện như sau: Đoàn rước dâu nhà trai sẽ đi theo từng đoàn, người cao tuổi trong dòng họ sẽ cầm hương đi trước theo sau là những người mang sính lễ. Tại nhà gái, đại diện người cao tuổi sẽ thắp hương và vái trước bàn thờ tổ tiên cùng rước đoàn nhà trai vào. Cô dâu và chú rể cũng làm lễ trước bàn thờ gia tiên nhà gái. Sau đó, cô dâu chú rể bưng trầu đi mời họ hàng. Bố mẹ và gia đình sẽ tặng quà cho con gái. Đồng thời nhà gái cũng bày cỗ bàn để quan viên hai họ cùng chung vui. Tiệc tan, đoàn sẽ rời nhà gái về nhà trai và tổ chức hôn lễ tại đó. Họ nhà gái chọn sẵn người đi theo cô gái, gọi là các cô phù dâu.  

6. Rước dâu vào nhà

Khi đoàn rước dâu về đến ngõ, mẹ chồng sẽ cầm bình vôi tránh mặt một lúc để cô dâu bước vào nhà. Đến nay, chưa có những giải thích cụ thể về nghi lễ này. Nhưng dân gian cho rằng, đây là cách để giải quyết xung khắc “cảnh mẹ chồng nàng dâu” sau này.

7. Lễ tơ hồng

Sau khi lễ cưới ở nhà trai kết thúc, quan viên đã ra về, người thân sẽ ở lại để chứng kiến cô dâu chú rễ làm lễ tơ hồng. Vì theo quan niệm người xưa, duyên nợ vợ chồng là do ông tờ bà nguyệt xe nên. Cúng lễ tơ hồng với ý nghĩa cảm tạ hai ông bà này. Lễ vật cúng ông tơ bà nguyệt chỉ có rượu và hoa quả. Nghi lễ có thể được thực hiện trong nhà hoặc ngoài trời đều được. Nghi lễ được thực hiện như sau: Người già nhất trong họ sẽ chứng kiến buổi lễ. Lạy cụ tơ hồng, rồi hai vợ chồng vái nhau (gọi là phu thê giao bái). Những đám cưới của gia đình giàu có, việc tổ chức có quy cách hơn.

8. Trải giường chiếu

Sau lễ tơ hồng cô dâu chú rể cùng mọi người vào phòng tân hôn. Ở trên giường, sẽ để sẵn đôi chiếu mới úp vào nhau. Mẹ chồng và đại diện người đông con hoặc cao tuổi của dòng họ sẽ trải đôi chiếu lên giường (ngày nay có thể thay bằng chăn, ra), ngay ngắn, xếp chăn gối gọn gàng, cẩn thận. Ý nghĩa của việc làm này, là chúc cô dâu chú rể nhanh có có tin vui và sinh được nhiều con cháu thảo hiền.  

9. Lễ hợp cẩn

Là nghi lễ cuối cùng của đám cưới được tổ chức tại nhà trai. Trong nghi lễ này, cặp vợ chồng mới cưới sẽ được người cao tuổi trong dòng họ rót rượu vào chén để uống giao bôi và ăn bánh phu thê. Yêu cầu đôi tân lang, tân nương phải uống cạn rượu trong chén, ăn hết bánh không chia cho ai và không để dư thừa. Xong nghi thức này, mọi người sẽ ra ngoài để hai vợ chồng có thời gian tâm sự. Ở một số nhà giàu có, thì những bạn bè với chú rể còn mang hoa, thắp đèn sáng rực trong phòng hợp cẩn. Họ cũng ca hát, gây tiếng động, hoặc vỗ tay, đập các khúc gỗ vào nhau. Do đó mà sau có chữ động phòng hoa chúc.

10. Lễ lại mặt

Lễ lại mặt hay còn gọi là ngày nhị hỉ. Sau ngày cưới, cô dâu sẽ trở về nhà gái, mang theo lễ vật để tạ gia tiên. Lễ vật trong ngày lại mặt gồm có: trầu, xôi, lợn. Nhà gái sẽ chuẩn bị một bữa cơm thân mật để mời cặp vợ chồng mới cưới.

11. Lễ cheo

Trong đám cưới truyền thống, lễ cheo rất được chú trọng là một nghi lễ quan trọng của đám cưới. Những nhà nho học ngày xưa, gọi lễ cheo là lễ lan nhai (nhiều người đọc ra là lễ lan giai). Lan nhai có nghĩa là tiền nộp cheo cho làng khi nhà trai đến đón dâu ở nhà gái. Lễ cheo được tiến hành trước nhiều ngày hoặc sau lễ cưới 1 ngày. Nghi lễ này được tiến hành như sau: Nhà trai sẽ mang lễ vật hoặc tiền bạc đến cho làng của cô dâu, để mong nhận được sự công nhận của làng xóm đối với chú rể. Hiện nay, thủ tục này đã không còn thay vào đó khi các cặp đôi đăng ký kết hôn sẽ ra ủy bản để đăng ký và khai báo.

Bình luận

Viết Đánh Giá

Chưa có bình luận nào