Đồng hồ sinh học là một vòng quay không bao giờ ngừng lại, không bị lỗi và không thể thay đổi. Cả đàn ông và phụ nữ đều không thể chạy trốn khỏi thời gian. Bạn nghĩ rằng khi tóc điểm bạc và khóe mắt nhăn nheo thì đó mới là dấu hiệu tuổi già, thực tế nhiều phần cơ thể đã bị suy yếu ngay trước khi tuổi tác thể hiện ra bên ngoài.
Theo một báo cáo trên tờ Nature Genetics vào năm 2012, DNA sẽ dần thoái hóa vào năm chúng ta bước sang độ tuổi 55. Cơ thể chúng ta vốn rất giỏi tự hàn gắn và chữa trị những tổn thương của DNA, cho đến độ tuổi 55. Chúng ta mất kiểm soát chính mình vào độ tuổi này. Nhưng bạn có biết từ trước đó vài chục năm, từng bộ phận cơ thể đã bắt đầu già đi.
Tuổi trẻ qua nhanh như một cơn mưa rào!
1. Não thoái hóa lúc 20 tuổi
Theo Tiến sĩ Wojtek Rakowicz thuộc Bệnh viện Imperial College Healthcare NHS Trust ở Anh, khi chúng ta già đi, lượng tế bào thần kinh (neuron) trong não suy giảm. Não ban đầu có 100 tỉ tế bào thần kinh, nhưng vào độ tuổi 20 con số này bắt đầu sụt giảm. Đến tuổi 40, chúng ta mất đi 10.000 tế bào thần kinh mỗi ngày. Điều này làm ảnh hưởng tới trí nhớ và chức năng não.
2. Ruột thoái hóa lúc 55 tuổi
Ruột khỏe mạnh khi lợi khuẩn và hại khuẩn cân bằng. Nhưng theo Giáo sư Tom MacDonald thuộc trường y Barts And The London, số lượng lợi khuẩn bắt đầu giảm kể từ lúc 55 tuổi, đặc biệt ở ruột già. Kết quả là hệ tiêu hóa suy yếu, làm tăng nguy cơ mắc bệnh đường ruột. Người già cũng hay bị táo bón, vì các dịch tiêu hóa ở dạ dày, gan, tuyến tụy và ruột non đều bị chậm tiết.
3. Ngực thoái hóa lúc 35 tuổi
Ngoài 30 tuổi, phụ nữ mất dần các mô và chất béo ở ngực, khiến vòng một teo lại và không còn căng đầy. Ngực sập xệ ở tuổi 40 và quầng vú co lại đáng kể.
Theo chuyên gia ung thư vú Gareth Evans thuộc Bệnh viện St Mary's ở Manchester, Anh, các tế bào sẽ bị tổn thương theo tuổi tác, khiến các gene kiểm soát sự tăng trưởng tế bào bị đột biến, dẫn đến ung thư vú.
Vòng một sẽ mất dáng theo thời gian.
4. Bàng quang thoái hóa ở tuổi 65
Bạn bắt đầu mất khả năng kiểm soát chuyện tiểu tiện vào tuổi này, bàng quang hay co thắt dù chưa đầy. Phụ nữ sau mãn kinh thường gặp nhiều vấn đề về bàng quang,
Sự sụt giảm oestrogen khiến các mô trong niệu đạo (đường ống nơi nước tiểu đi qua) mỏng đi và yếu hơn, khiến bàng quang thiếu sự nâng đỡ.
Sức chứa của bàng quang ở người già cũng chỉ bằng phân nửa so với người trẻ, tương đương 500ml ở người 30 tuổi và 250ml ở người 70 tuổi.
Do đó người già thường hay đi tiểu nhắt, dễ dẫn tới nhiễm trùng đường tiết niệu.
5. Phổi thoái hóa ở tuổi 20
Dung tích phổi bắt đầu giảm ở tuổi này. Đến khi 40 tuổi, nhiều người bắt đầu khó thở. Đó là vì các cơ bắp và lồng ngực kiểm soát nhịp thở bị căng cứng. Khi thở ra, không khí vẫn còn đọng trong phổi, gây khó thở. Ở tuổi 30, một người trung bình có thể hít vào 1 lít không khí cho mỗi nhịp thở. Nhưng ở tuổi 70, chúng ta chỉ hít được 500ml.
6. Giọng nói bắt đầu lão hóa ở tuổi 65
Giọng nói của chúng ta bắt đầu nhỏ và khàn hơn theo thời gian. Các mô mềm ở thanh quản yếu đi, ảnh hưởng tới âm vực, độ lớn và chất lượng của giọng nói. Giọng nói của phụ nữ có thể khàn và trầm hơn, còn giọng ở nam trở nên mỏng và cao hơn.
Giọng nói ở nữ khàn và trầm hơn, trái ngược với nam giới.
7. Mắt thoái hóa ở tuổi 40
Theo giáo sư nhãn khoa Andrew Lotery thuộc Đại học Southampton ở Anh, khả năng tập trung của mắt sẽ giảm theo thời gian vì lúc này các mô yếu dần, khiến chúng ta bị viễn thị và không thể nhìn rõ các vật ở gần.
8. Tim bắt đầu thoái hóa ở tuổi 40
Khả năng bơm máu của tim sẽ giảm đáng kể khi chúng ta già đi. Đó là vì hệ thống mạch máu trở nên kém đàn hồi, trong khi các động mạch trở nên cứng hơn hoặc bị tắc do các chất béo dư thừa đóng chặt trong động mạch vành, hậu quả của việc ăn quá nhiều chất béo bão hòa.
Lượng máu tuần hoàn đến tim giảm, dẫn đến đau thắt ngực. Nam giới trên 45 tuổi và nữ giới trên 55 tuổi dễ có nguy cơ bị lên cơn đau tim.
9. Xương thoái hóa ở tuổi 35
Trẻ em mọc xương rất nhanh, chỉ trong 2 năm là xương có thể tái tạo. Nhưng ở người lớn phải mất 10 năm. Khi bước vào tuổi 20, mật độ xương của chúng ta vẫn còn tăng. Nhưng ở độ tuổi 35, xương bắt đầu mất đi. Điều này càng rõ rệt ở phụ nữ hậu mãn kinh, gây ra tình trạng loãng xương. Sự thất thoát xương khiến chúng ta thấp đi. Vào tuổi 80, chúng ta thấp xuống khoảng 5cm.
Đến năm 20 tuổi xương vẫn phát triển.
10. Gan thoái hóa ở tuổi 70
Đây dường là bộ phận duy nhất trong cơ thể chống lại được sự khắc nghiệt của thời gian. ''
Tế bào gan có khả năng tái sinh diệu kì'', chuyên gia giải phẫu gan David Lloyd thuộc Bệnh viện Leicester Royal Infirmary ở Anh cho biết.
Nếu ông cắt một phần lá gan khi phẫu thuật, thì nó sẽ lớn trở lại kích cỡ bình thường chỉ trong vòng 3 tháng. Nếu người hiến tặng gan không uống rượu, hút thuốc hay bị bệnh viêm nhiễm, thì một người 70 tuổi hoàn toàn có thể hiến gan cho bệnh nhân 20 tuổi.
11. Thận thoái hóa ở tuổi 50
Các đơn vị thận (nephrons) giúp loại bỏ cặn bã trong máu, và chúng sẽ suy yếu theo tuổi tác. Một hậu quả của suy thoái thận là chúng không còn khả năng tắt việc sản xuất nước tiểu vào ban đêm, dẫn đến người già thường xuyên đi tiểu đêm. Thận của người 75 tuổi chỉ lọc được phân nửa lượng máu mà thận của người 30 tuổi có thể làm được.
12. Răng thoái hóa ở tuổi 40
Khi già đi, chúng ta tiết ít nước bọt hơn, khiến cho vi khuẩn không bị trôi đi, làm răng và nướu dễ bị sâu. Nướu cũng bị xói mòn do các mô bị mất đi.
13. Khả năng sinh sản giảm dần ở tuổi 35
Ở tuổi này, số lượng trứng trong buồng trứng bắt đầu giảm. Thành tử cung mỏng hơn, khiến trứng đã thụ tinh khó bám vào, đồng thời tạo ra môi trường ''thù địch'' với tinh binh.
Khả năng sinh sản của nam giới cũng giảm ở tuổi này. Nam giới chờ qua 40 tuổi mới lập gia đình và có con thì người bạn đời sẽ dễ sảy thai, vì chất lượng tinh binh kém.
Nếu bạn không thể tránh được việc phải già đi, vậy hãy già trong vui vẻ và hạnh phúc, hân hoan chào đón những biến chuyển của cơ thể. Một bí quyết giúp người già luôn mỉnh mẩn đó chính là tiếp tục làm việc. Hãy làm những gì bạn thích, sống năng động mỗi ngày thay vì nghĩ mình đã già, đó là bí quyết giúp chúng ta sống thọ.
Đối với người trẻ, bạn có thể đẩy lùi các thông số này bằng cách chăm chỉ tập thể dục, ăn uống dinh dưỡng, làm việc điều độ, giữ thái độ lạc quan và tìm cho mình một lý tưởng sống. Khi có mục đích sống, bạn sẽ khỏe mạnh gấp 10 lần.