Đăng bởi Marry Doe - 06/04/2013 | Lượt xem: 1463
Tiệc cưới ngoài trời đang là một xu hướng hoàn toàn mới mẻ, nhưng nhiều trường hợp xấu có thể xảy ra, bạn đã sẵn sàng cho phương án thay thế?
Thời điểm tuyệt vời cho các tiệc cưới ngoài trời là từ tháng 12 đến hết tháng 3 năm tiếp theo đó. Các khoảng thời gian khác trong năm, nguy cơ đối diện với thời tiết xấu là hoàn toàn khó tránh. Nếu phải đối mặt với khó khăn này, bạn sẽ phải luôn cần những phương án dự phòng.
Thời điểm tuyệt vời cho các đám cưới ngoài trời là từ tháng 12 đến hết tháng 3 năm tiếp theo đó. Địa điểm: đám cưới ở tư gia TP.HCM
Dự phòng kiểu 1: Nửa trong nửa ngoài
Tiệc cưới ngoài trời theo phong cách Tây thường chia thành hai phần tách bạch: phần lễ trên sân khấu và phần tiệc. Để phòng trường hợp thời tiết chuyển xấu bạn có thể kết hợp nửa trong nửa ngoài: phần đón khách và lễ tổ chức ngoài trời, khi dùng tiệc sẽ di chuyển vào trong nhà hàng ngay trong khuôn viên đó. Nghĩa là dù cho trời có đổ mưa thì khách mời cũng sẽ phải chấp nhận “hy sinh” dầm mưa trong vòng 15 phút để chứng kiến giây phút đẹp nhất của hai bạn.
Cách này chỉ có thể áp dụng trong thời gian mưa nhẹ, tuyệt đối không dùng khi đã rơi vào “tâm bão” nặng hạt. Không áo dụng cho địa điểm cưới là cao nguyên với tiết trời rét lạnh. Vì việc dầm mưa, dù trong thời gian rất ngắn cũng sẽ khiến khách mời run lên vì lạnh trong gió đồi.
Dự phòng kiểu 2: Lều/bạt các loại
Căn bản và cảm tính nhất, ai cũng sẽ nghĩ đến phương án dự phòng này. Hiện nay, bạn có thể chọn nhiều loại hình dạng, kích thước khác nhau cho lều và bạt: chữ A, chữ U, mái tròn, mái vuông, mái chóp… Tuy nhiên, cách này cũng chỉ áp dụng được trong mưa và gió nhẹ. Còn khi mưa lớn, tất cả các lều bạt sẽ vô tác dụng, thậm chí còn có thể mang đến một vài mối nguy khi trời gió to.
Cần lưu ý: Lều bạt cần được chuẩn bị và giăng mắc trước đó chừng một ngày hoặc nửa ngày, nên một khi đã quyết định dùng cách này, bạn sẽ phải hy sinh một phần không khí ngoài trời và bầu trời đẹp phía trên. Sẽ không thể nào quyết định và chuẩn bị kịp trong vòng vài tiếng đồng hồ trước giờ cưới, tình huống như thế sẽ chỉ có trong phim ảnh, không thật sự khả thi ngoài thực tế.
Dự phòng kiểu 3: Phó mặc cho “ông trời”
Cách này chỉ áp dụng cho những địa điểm tiệc cưới ngoài trời mà thời tiết tương đối ổn định, không biến động quá nhanh trong thời gian ngắn. Ví dụ buổi sáng khi bạn nhìn thấy trời mưa, bạn có thể đinh ninh rằng sẽ mưa cả ngày và ngược lại. Hãy chuẩn bị sẵn các khu vực trang trí, sẵn sàng thông báo đến khách mời sự thay đổi nếu có. Phải ra quyết định cuối cùng trong vòng 3 giờ đồng hồ trước khi giờ lễ bắt đầu.
Ví dụ: khi giờ đón khách là 5h chiều, thì trễ nhất là 2h bạn đã phải quyết định cho mọi thứ dàn ra ngoài trời hay trong nhà. Điều này cũng có nghĩa là trước đó đã phải có thỏa thuận giữa bạn và phía resort/địa điểm cưới về việc: Nếu trời mưa, vào lúc 2h, sẽ cho di dời tất cả mọi thứ và khuôn viên trong nhà (ví dụ như khuôn viên spa, khu sân vườn có mái che, nhà thủy tạ,…).
Tùy tình huống mà resort/địa điểm cưới sẽ tính toán lại chi phí cho phần thuê mướn bất khả kháng này. Nhưng tất nhiên, mọi thứ phải được rõ ràng và cam kết với nhau ngay từ đầu.
Đám cưới tổ chức trong sân vườn có mái che. Địa điểm: Princess d'Annam Resort & Spa, Mũi Kê Gà, Tân Thành, Bình Thuận
Dự phòng kiểu 4: Tách nhóm khách
Trong số khách bạn đang mời sẽ có nhóm người lớn tuổi, người thân và bạn bè. Nếu nhóm bạn không ngại việc dầm mưa vui chơi, bạn có thể tách ra hẳn 2 nhóm khách. Nhóm khách người lớn tuổi sẽ quan sát phần lễ và dự tiệc từ không gian trong nhà. Nhóm khách còn lại sẽ hoàn toàn ngoài trời. Đây cũng là một cách có thể nghĩ đến khi đã có sự ủng hộ từ bạn bè.
Dù cho chọn phương án nào, thì phần chi phí của bạn chắc chắn cũng sẽ thay đổi ít nhiều. Lắng nghe lời tư vấn từ dân địa phương, từ người thân, và bàn bạc kỹ cùng nhau để có cách thức dự phòng tiết kiệm và hiệu quả nhất.
Hồng Xuân
Ảnh: Confetti Wedding Planner