Đăng bởi Marry Doe - 28/09/2016 | Lượt xem: 3662
Khi lên kế hoạch và chuẩn bị đám cưới, việc tranh cãi vẫn thường xảy ra giữa cô dâu / chú rể với cha mẹ của mình vì nhiều vấn đề liên quan đến cưới hỏi. Làm sao để dung hòa và mang lại không khí vui vẻ cho lễ cưới?
Có rất nhiều vấn đề nảy sinh dẫn đến mâu thuẫn giữa cô dâu/ chú rể tương lai với cha mẹ hai bên. Tuy nhiên, sau khi tiến hành khảo sát, các chuyên gia thấy rằng có 3 vấn đề chính dễ dẫn đến mâu thuẫn nhất:
Khác biệt về đạo giáo, phong tục cưới
Đây là vấn đề gây đau đầu cho nhiều cặp đôi chuẩn bị cưới. Chuyện khác biệt về tôn giáo tuy không còn gay gắt như trước đây, nhưng cũng khiến nhiều cặp đôi khốn đốn vì bị phụ huynh can thiệp quá sâu.Phong tục cưới các vùng miền khác nhau cũng dễ tạo tình huống gây mâu thuẫn cho cha mẹ hai bên. Chẳng hạn, bàn dài giữa nhà trong ngày lễ đưa dâu chỉ dành cho những người đàn ông trong gia đình, phụ nữ ngồi ở bộ ván gần đó. Nhưng ở miền Trung, bàn dài dành cho những cặp vợ chồng đề huề hạnh phúc. Nếu không nói trước, cô/mợ của chú rể miền Trung cùng chồng ngồi vào bàn này dễ khiến gia đình bên kia không hài lòng.
Cách ứng phó:
Đức tin vào Tôn giáo là vấn đề khó thay đổi, người vợ hoặc chồng có thể giữ lấy tôn giáo riêng của mình và tôn trọng đạo của người kia, vì giáo lý tôn giáo đều hay và hướng con người ta vào đời sống thánh thiện. Nếu có điều kiện vật chất, vợ chồng mới cưới sống riêng là tốt nhất, để tránh việc sống chung với gia đình bên vợ/chồng soi mói và can thiệp quá sâu vào chuyện tôn giáo. Hiện nay, tại một số nhà thờ, chùa, Cha xứ hoặc các vì sư có thể đưa ra lời khuyên cho cha mẹ, để họ chấp nhận và tôn trọng đạo giáo của dâu/rể của mình.
Riêng với vấn đề phong tục vùng miền, bạn và chồng nên hỏi trước ý kiến người lớn về các nghi thức cưới hỏi truyền thống trên từng vùng miền, và thống nhất cách thưa chuyện với người lớn. Tốt nhất, nghi lễ cưới diễn ra ở nhà nào thì nhà kia tôn trọng phong tục nhà ấy.
Thanh toán, chi trả cho đám cưới
Nếu bạn là người có tài chính ổn định, vững vàng trong chuyện chi tiêu của mình, bạn có thể nhẹ đầu hơn vì cha mẹ sẽ ít can thiệp vào chuyện bạn muốn quy mô đám cưới mình như thế nào, bạn muốn trang trí theme cưới màu gì, đặt bao nhiêu bộ váy cưới... Nhưng một khi bạn phụ thuộc tài chính vào cha mẹ mình, nhất là cho khoản cưới hỏi, bạn buộc sẽ phải chia sẻ ý kiến về đám cưới của chính mình cho cha mẹ và nhận sự can thiệp từ cha mẹ trong nhà. Đa phần các bậc cha mẹ Việt Nam có quan niệm "đám cưới chỉ có 1 lần trong đời" nên họ muốn tổ chức thật rình rang, đôi khi tạo ra gánh nặng tài chính sau đám cưới cho đôi vợ chồng trẻ.
Cách ứng phó
Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, rất khó để đưa ra đáp số chung về chuyện tài chính giữa cha mẹ và con cái khi tổ chức lễ cưới. Tuy nhiên, Marry xin lưu ý bạn rằng "Mạnh gạo bạo tiền", một khi cha mẹ là người mạnh về tài chính và có quyền quyết định chi trả trong đám cưới của con mình, bạn sẽ rất khó can thiệp và tiếng nói càng trở nên yếu ớt cho sự kiện trọng đại CỦA CHÍNH BẠN. Do đó, tốt nhất, bạn nên đặt quy mô lễ cưới phù hợp với khả năng tài chính của chính bạn, và hạn chế hỏi xin, vay mượn tiền của cha mẹ. Nếu cha mẹ có áp lực buộc bạn tổ chức cưới theo ý mình, bạn cũng có thể từ chối và nói rằng tài chính của bạn không cho phép điều đso.
Nếu muốn một đám cưới rình rang và chìu lòng ba mẹ, bạn cũng nên quy định trước rằng số khách mời của ba mẹ hạn chế trong số lượng nhất định, và bạn phải có quyền quyết định một số hạng mục liên quan đến chính mình như chọn váy cưới, chọn thực đơn cưới, quyết định thuê xe cưới... Cha mẹ có thể tham gia, nhưng không được can thiệp quá đáng vào việc chuẩn bị cưới của con.
Danh sách khách mời gây tranh cãi
Nhiều cô dâu chú rể Việt Nam phải đối mặt với chuyện hạn chế khách mời cho tinh gọn, dễ tổ chức, nhưng cha mẹ không ngừng gia tăng số lượng khách mời, thân sơ gì cũng mời. Khách mời quá đông và thiếu chọn lọc làm đám cưới nhạt nhẽo, kém trang trọng và đôi khi không phù hợp với mặt bằng đãi tiệc. Tới ngày hôn lễ, lượng khách quá đông mà thiếu sự chuẩn bị có thể khiến khách mời khó chịu. Tình huống sẽ trở nên rất tệ nếu nhà hàng đãi cưới thiếu ghế ngồi, thức ăn cho khách không đủ chất lượng.
Cách ứng phó:
Nếu cha mẹ bạn muốn mời lượng khách đông, và họ sẽ chi trả một phần cho khách mời của mình, bạn cũng nên cân nhắc và chốt danh sách khách với số lượng vừa phải, phù hợp với quy mô lễ cưới của mình. Bạn cũng nên chia sẻ với cha mẹ về số lượng khách tối đa mà sảnh đãi cưới có thể ứng phó được, để cha mẹ bạn phải cắt bớt danh sách khách mời nếu chẳng may quá đông. Tốt nhất, bạn nên ngồi xuống nói chuyện thẳng thắn với cha mẹ mình về danh sách khách mời phù hợp. Nếu vì những mối quan hệ thân tình và không thể không mời, dù tìm mọi cách bạn cũng không thể cắt giảm lượng khách này, tốt nhất bạn nên cân nhắc việc chọn thuê địa điểm khác để đảm bảo khách mời hưởng được dịch vụ tốt