Thanh toán

50 cặp vợ chồng khuyết tật làm lễ cưới trong chùa ở Sài Gòn

Đăng bởi Marry Doe - 03/01/2019   |   Lượt xem: 2244

Bị bại liệt, bán vé số mưu sinh, anh Quý và chị Ngọc xúc động trong lễ cưới tập thể sau ba tuần đón con gái đầu lòng.

Chiều 21/12, 50 cặp đôi khuyết tật ở Sài Gòn được làm đám cưới tập thể trong lễ hằng thuận tại chùa Giác Ngộ (quận 10). Theo Phật giáo, hằng thuận là kỹ năng sống hòa thuận, tâm đầu ý hợp, cùng chia sẻ trách nhiệm và hạnh phúc.

"Chúng tôi lớn lên trên chiếc xe lăn, hằng ngày bán vé số kiếm sống. Sinh ra trong khó khăn, chúng tôi không dám mơ có một đám cưới như bao người, nhưng hôm nay đã trở thành sự thật", chú rể Phạm Thanh Quý (36 tuổi) chực khóc chia sẻ.

Anh Phạm Thanh Quý xúc động chia sẻ cuộc sống khó khăn của hai vợ chồng. Ảnh: Mạnh Tùng.

Anh Phạm Thanh Quý xúc động chia sẻ cuộc sống khó khăn của hai vợ chồng. Ảnh: Mạnh Tùng.

Anh Quý quê Đăk Lăk cùng vợ Trần Hồng Ngọc (35 tuổi, ngụ TP HCM) quen nhau khi cùng tham gia một tổ chức cho người khuyết tật. Làm chung lâu ngày khiến họ thương yêu rồi tiến tới hôn nhân từ hơn một năm trước.

Đầu tháng này, hai vợ chồng mừng vui đón bé gái đầu lòng khỏe mạnh. "Sau lễ cưới hôm nay, cả hai càng thêm trân trọng cuộc hôn nhân này và cảm thấy có trách nhiệm với nhau hơn. Vợ chồng phải biết nhường nhịn, bảo ban nhau để mưu sinh và nuôi con cho tốt", chị Ngọc chia sẻ.

Quê Bình Phước, chị Nguyễn Thị Kim Anh (50 tuổi) bị gù, đi lại khó khăn từ nhỏ tình cờ quen người bạn cùng tuổi Huỳnh Thơ Quý (bị bại liệt hai chân) qua một người bạn. Cô dâu kể, sau vài tuần tìm hiểu, họ chính thức "hẹn hò", chị bán vé số trong khi anh phụ bán cà phê ở quận 6.

"Vì đồng cảnh ngộ bị khuyết tật, nói chuyện thấp hợp nên thương nhau. Sau đó chúng tôi dọn về sống về nhau, đi đăng ký kết hôn mấy năm rồi. Lần đầu được mặc áo cưới vui lắm", cô dâu bẽn lẽn kể. Nói về tương lai, chị cho biết hai vợ chồng mong có nhiều sức khỏe đi làm, dành dụm mua được căn nhà nhỏ để "sống bên nhau vui vẻ đến già".

100 cô dâu, chú rể trong lễ hằng thuận tại chùa Giác Ngộ có 59 người khuyết tật vận động, 20 người khiếm thị, hai người vừa khiếm thị vừa khiếm thính.

Nhiều cặp vợ chồng 40-50 tuổi lần đầu trong đời được mặc bộ quần áo cưới tươm tất và trao nhau nhẫn cưới như anh Dương Thanh Hà (47 tuổi) và chị Bùi Thị Hường (41 tuổi). Họ cùng bị bại liệt, quen nhau khi cùng làm công nhân dệt may ở Thủ Đức, hiện đã có hai con ở tuổi thanh niên.

Anh Dương Thanh Hà và chị Bùi Thị Hường hạnh phúc trong lễ cưới tập thể. Ảnh: Quỳnh Trần.

Anh Dương Thanh Hà và chị Bùi Thị Hường hạnh phúc trong lễ cưới tập thể. Ảnh: Quỳnh Trần.

Lễ hằng thuận trở nên trang nghiêm khi 50 cặp vợ chồng cùng người thân đọc kinh cầu nguyện và lặp lại bốn điều phát nguyện, như "nguyện sống chung thủy, hiểu biết, thương yêu, chăm sóc, chia sẻ và nâng đỡ nhau với lòng kiên nhẫn", "nguyện sống với nhau với tinh thần tôn trọng, thái độ hài hòa, không gây sự, không trách móc, không hờn giận, không lý luận hơn thua để bồi đắp hạnh phúc và an vui".

Trước đó, họ đã tham gia chụp hình cưới tập thể, tham quan một số địa điểm nổi tiếng ở Sài Gòn. Sau lễ cưới, người thân cô dâu chú rể tham gia buổi tiệc chay tại chùa.

Nhiều cặp vợ chồng xúc động khi lần đầu trao nhẫn cưới. Ảnh: Quỳnh Trần.

Nhiều cặp vợ chồng xúc động khi lần đầu trao nhẫn cưới. Ảnh: Quỳnh Trần.

Lễ hằng thuận do quỹ Đạo Phật ngày nay (chùa Giác Ngộ) lần đầu tổ chức, nhằm mang đến niềm vui cho những người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn.

Theo vnexpress

Bình luận

Viết Đánh Giá
V
Bài viết rất cảm động. v9b. tỷ lệ cược trực tuyến