Đăng bởi Marry Doe - 14/11/2018 | Lượt xem: 1050
Trò chuyện về mục tiêu dài hạn của mình với nửa kia giúp bạn hiểu mức độ phù hợp của cả hai trước khi 'về chung một nhà'.
Ảnh:
Shutterstock
1. Thói quen chi tiêu của bạn
Theo tờ
Weddingwire, việc theo dõi tình hình thu chi, tiết kiệm là thói quen mà bạn nên có ngay từ bây giờ, đặc biệt là khi chuẩn bị đính hôn. Bạn cần kiểm soát tốt hơn về chi tiêu bằng cách ghi chép vào sổ, sử dụng ứng dụng điện thoại để quản lý tài chính; tìm kiếm thêm nguồn thu nhập bằng các công việc bán thời gian. Nếu có thói quen uống trà sữa mỗi ngày, xem các biểu diễn ca nhạc hàng tuần, xem phim thì bạn nên cân nhắc cắt giảm nhu cầu giải trí cá nhân để tiết kiệm tiền chuẩn bị đám cưới. Điều quan trọng là hãy đặt ra cho mình một mục tiêu để tiết kiệm tiền. Khi bạn và nửa kia có ý định xây dựng gắn bó lâu dài bên nhau, tiền bạc là một yếu tố đóng vai trò quan trọng trong tương lai.
2. Cách bạn xử lý mâu thuẫn với nửa kia
Việc gặp phải các bất đồng với nửa kia là điều không thể tránh khỏi trong cuộc sống hôn nhân. Theo thời gian, các cuộc tranh luận có thể giúp mối quan hệ của bạn phát triển, khiến cả hai trở nên trưởng thành hơn và ngược lại. Nhiều người sẽ giải quyết mâu thuẫn bằng cách trò chuyện mang tính xây dựng và đưa ra giải pháp cho tình huống. Tuy nhiên, một số người sẽ khó kiềm chế được cái tôi, trút sự bực bội lên nửa kia. Dù bằng cách nào, khi bạn hiểu được cách xử lý của bản thân, bạn sẽ có cách giao tiếp hiệu quả hơn với người ấy và ngăn chặn những cuộc cãi vã không cần thiết.
3. Mục tiêu dài hạn của bạn
Mục tiêu dài hạn bao gồm mọi thứ từ hoàn cảnh sống lý tưởng cho đến con đường sự nghiệp, kế hoạch nghỉ hưu và thậm chí là sở thích của bạn. Bạn đã bao giờ hình dung những năm tháng tuổi trẻ của mình ở vùng nông thôn? Sở thích nào mà bạn nghĩ mình có thể biến nó thành công việc mơ ước khi có cơ hội? Tự đặt ra những câu hỏi sẽ giúp bạn trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình và cần chia sẻ với nửa kia để hiểu về tầm nhìn của họ và mức độ phù hợp của cả hai trước khi kết hôn.
4. Những điểm yếu của bạn
Hiểu về những sai lầm, thói quen xấu tưởng chừng vô hại của bản thân nhưng khiến nửa kia khó chịu sẽ giúp bạn có những thay đổi cần thiết để chuẩn bị cho cuộc sống chung. Sử dụng thời gian trước khi đính hôn để trao đổi với nửa kia, biết về thói xấu của nhau sẽ giúp cả hai có cơ hội để cải thiện kỹ năng giao tiếp, đức tính kiên nhẫn và thay đổi để trở nên tốt hơn.
5. Kế hoạch có con
Hai bạn bắt đầu bằng tình yêu, kế đến là hôn nhân và những đứa trẻ. Nếu bạn chưa sẵn sàng làm cha mẹ, hãy trò chuyện với người ấy trước khi đính hôn. Ngược lại, nếu muốn có con, hai bạn nên thảo luận xem thời điểm nào là thích hợp và cả hai muốn có bao nhiêu đứa trẻ. Nói chuyện thẳng thắn về kế hoạch có con thay vì lảng tránh vấn đề sẽ là một điều khôn ngoan trước khi bắt đầu cuộc sống hôn nhân.
6. Niềm đam mê của bạn
Kết hôn không có nghĩa là bạn phải từ bỏ niềm đam mê. Thực tế, có cho mình một sở thích nào đó sẽ giúp bạn trở nên yêu đời hơn và không đánh mất bản thân mình sau khi kết hôn. Hơn thế nữa, niềm đam mê của bạn có thể là lý do khiến nửa kia "xiêu lòng" bởi bạn từ những giây phút đầu.
Ngôi sao