Thanh toán

6 nghi thức cưới truyền thống có thể bỏ qua trong đám cưới hiện đại

Đăng bởi Marry Doe - 23/02/2017   |   Lượt xem: 1328

Đám cưới là ngày vui của cô dâu chú rể, không ít các đôi uyên ương hiện đại mong muốn tổ chức đám cưới thật giản đơn, dung dị. Vì vậy đừng ngại khi có thể bỏ qua một số nghi thức cưới truyền thống, thủ tục rườm rà để đám cưới thêm hoàn hảo.

1. Áo dài đỏ ngày đám hỏi?

Từ xa xưa, chiếc áo dài truyền thống dường như đã quá quen thuộc và gần như được mặc định là trang phục không thể thiếu dành cho cô dâu trong mỗi đám hỏi. Ngày nay, chịu ảnh hưởng lớn của văn hóa cưới hỏi phương Tây, dù chiếc áo dài đám hỏi được nhiều cô dâu lựa chọn, song một số khác lại muốn thay đổi: Đám hỏi liệu có nhất thiết phải mặc áo dài?

herstyle-vn-nghi-thuc-le-cuoi-truyen-thong-2

Áo dài cưới màu đỏ là sự lựa chọn của nhiều cô dâu trong đám hỏi.

Theo quan điểm từ xa xưa, đám hỏi là ngày quan trọng, mang tính truyền thống, gồm sự có mặt của họ hàng hai bên, vì thế cô dâu chọn áo dài là trang phục phù hợp nhất. Tất nhiên, áo dài là trang phục truyền thống khuyên dùng cho đám hỏi, nhưng nếu bạn là cô dâu có phong cách hiện đại và cá tính, sau khi bàn bạc và thống nhất với nhà trai, bạn có thể chọn mặc áo dài khi làm lễ và diện một chiếc váy khi dự tiệc cùng khách mời sẽ không thành vấn đề. Tuy nhiên kiểu dáng tốt nhất nên đơn giản và kín đáo, tránh những kiểu váy cúp ngực, xẻ tà, khoét lưng táo bạo.

herstyle-vn-nghi-thuc-le-cuoi-truyen-thong-7

Cô dâu hiện đại có thể chọn những thiết kế váy cưới đơn giản và thanh lịch cho ngày đám hỏi.

2. Váy cưới trắng ngày trọng đại?

Bấy lâu nay, các cô dâu luôn mặc định phải mặc váy trắng trong ngày cưới. Chỉ có những cô dâu thích sự đổi mới, phá cách mới chọn váy cưới màu khác. Tuy nhiên, quy tắc ngầm hà khắc đó xuất hiện từ bao giờ? Nếu nghĩ rằng váy cưới từ hồi nào tới giờ vẫn màu trắng thì bạn đã nhầm rồi đấy.

Quay trở lại thời kì 176 năm về trước, màu đỏ mới là màu phổ biến nhất được chon để may váy cưới bởi đó là màu của hoa hồng, của sự lãng mạn. Váy màu trắng chỉ được mặc trong một số dịp tuy nhiên vì màu trắng khiến người ta liên tưởng đến màu của tang tóc. Mãi cho đến sau này, khi nữ hoàng Victoria quyết định chọn váy màu trắng trong lễ cưới của mình để thay đổi định kiến trên thì váy trắng mới trở thành xu hướng cho thời trang cưới. Chỉ một vài năm sau đó, tạp chí phụ nữ nổi tiếng lúc bấy giờ, Godey’s Lady Book đã tuyên bố “màu trắng là màu phù hợp nhất cho một chiếc váy cưới, bất kể nó được may với chất liệu gì đi chăng nữa”.

herstyle-vn-nghi-thuc-le-cuoi-truyen-thong-6

Các cô dâu hiện đại không ngại diện những chiếc váy cưới đủ màu sắc.

“Màu trắng là biểu tượng của sự trong trắng, ngây thơ của thời con gái và trái tim chân thành của cô ấy dành cho người mình yêu và chọn làm chồng”. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là chuẩn mực của nữ hoàng Victoria và tờ tạp chí phụ nữ kia đặt ra mà thôi. Vậy nên, các cô dâu tương lai, hãy cứ thoải mái mặc bất cứ màu gì mình thích cho ngày trọng đại của cuộc đời.

Những chiếc váy cưới đẹp không phải lúc nào cũng có màu trắng tinh khiết, với các cô dâu hiện đại mong muốn mang một chút sắc màu vào bộ ảnh cưới hay trong ngày trọng đại.

3. Nghi thức không gặp nhau trước lễ rước dâu

Theo đúng phong tục, vào ngày nhà trai đến đón dâu, cô dâu phải ngồi trong phòng, đóng kín cửa và tuyệt đối không được cho phép họ hàng nhà trai thấy mặt trước khi chú rể vào đón, tặng hoa cưới và dẫn cô dâu ra ngoài chào họ hàng vì người ta quan niệm làm như thế sẽ bị mất duyên. Việc cách trở này hiện này vẫn còn duy trì ở mức 1-3 ngày trước lễ đón dâu ở một số tỉnh thành Việt Nam.

herstyle-vn-nghi-thuc-le-cuoi-truyen-thong

Nhiều vùng miền vẫn còn giữ phong tục cô dâu chú rể không gặp nhau trước ngày lễ rước dâu.

Tuy nhiên, tưởng tượng gặp chuyện gì cấp bách cần giải quyết (mâu thuẫn/hiểu lầm) nhưng lại không được gặp nhau, liệu đám cưới còn vui, còn hạnh phúc tuyệt trần? Do đó, với những cặp đôi hiện đại, chỉ làm đúng nguyên tắc sáng rước dâu, còn 1-3 ngày trước đó vẫn gặp nhau để cùng lo một số việc sót lại cho đám cưới sắp đến. Nếu gia đình hai bên không quá quan ngại chuyện lễ nghi này, bạn và chồng tương lai có thể cảm thấy dễ chịu rất nhiều.

4. Lễ chạm/dạm ngõ: Có thể bỏ qua

Lễ chạm ngõ là buổi gặp gỡ giữa hai bên gia đình, khi nhà trai đến nhà gái để đặt vấn đề chính thức cho đôi nam nữ được chính thức tìm hiểu nhau trước khi đi đến hôn nhân. Thực tế, đây là một nghi thức cưới truyền thống để hai bên gia đình hiểu nhau, thân thiết hơn nên không cần lễ vật rườm rà, chỉ cần mang theo trầu, cau hoặc hoa quả.

herstyle-vn-nghi-thuc-le-cuoi-truyen-thong-5

Miếng trầu là đầu câu chuyện, lễ dạm ngõ truyền thống vẫn được nhiều gia đình thực hiện.

Dù là nghi thức đơn giản, nhưng nhiều gia đình hiện nay vẫn giữ lễ chạm ngõ vì cho rằng nếu hai gia đình không quen biết nhau từ trước mà tổ chức lễ ăn hỏi, đám cưới cho con cái sẽ là đường đột. Tuy nhiên, về chức năng, nếu bỏ qua nghi thức này mà tiến thẳng vào đám hỏi và đám cưới cũng không phải vấn đề gì quá nghiêm trọng. Bạn có thể cùng bàn bạc với ba mẹ hai bên về vấn đề này.

5. Ăn hỏi & Rước dâu: Gộp 2 thành 1

Lễ ăn hỏi và rước dâu có thể gộp chung vào một ngày, thay vì cách nhau cả tháng như nghi thức cưới truyền thống trước đây. Theo đó, cả hai nghi lễ có thể cùng diễn ra vào một buổi sáng để đơn giản hóa bớt những thủ tục đi lại rườm rà. Vào sáng ngày ăn hỏi & đón dâu, nhà trai sẽ đem mâm tráp đã được chuẩn bị kỹ lưỡng để làm lễ ra mắt nhà gái, nhằm hỏi cô gái về làm vợ cho con trai.

147313222010

Chú rể mang cơi trầu đến nhà cô dâu trước để làm lễ xin dâu. Mẹ cô dâu sẽ nhận tráp trầu cau và mang lên thắp hương trên bàn thờ tổ tiên của nhà gái. Sau đó, gia đình hai nhà sẽ trao tặng quà, của hồi môn cho cô dâu như lời chúc phúc cặp vợ chồng son sẽ luôn giàu sang, hạnh phúc.

6. Lễ lại mặt: Có thể bỏ qua

Sau đám cưới, khi cô dâu đã về nhà chồng, mẹ chồng sẽ chuẩn bị một mâm lễ nhỏ để cô dâu và chú rể mang về nhà gái, làm lễ chào hỏi bố mẹ cô dâu. Đây được gọi là lễ lại mặt, hay lễ nhị hỷ. Thời gian đôi vợ chồng mới cưới về nhà gái lại mặt là khoảng 1-3 ngày sau khi thành hôn. Thời gian này tùy thuộc vào khoảng cách địa lý giữa hai nhà cũng như tùy thuộc vào điều kiện, công việc của cô dâu chú rể. Thông thường, nghi lễ này thường tiến hành vào buổi sáng, tuy nhiên bạn có thể bàn bạc để bỏ qua.

Nguồn: kyniemngaycuoi

Bình luận

Viết Đánh Giá
L
Mình nghĩ nếu giữ được những cái này thì rất tốt, đó là nét đẹp văn hóa cưới hỏi của người Việt ta.
Thứ hai, các bạn nghĩ sao mình không biết nhưng theo mình vẫn nên mặc áo dài trong lễ hỏi, áo dài giống như là lễ phục truyền thống trong cưới hỏi Việt Nam, nó tăng phần trang trọng cho buổi lễ.