Đăng bởi Marry Doe - 24/09/2016 | Lượt xem: 1153
Tình yêu không phải lúc nào cũng hoàn hảo, đôi khi mối quan hệ đang bị đẩy đến bờ vực của sự chia ly, vậy đâu là kiểu tranh cãi "nguy hiểm"?
1. “Có lẽ chúng ta chỉ giống như hai người bạn cùng phòng"
Khi hai người dọn vào ở chung với nhau, “tình dục" là một việc xảy ra tương đối thường xuyên. Và khi hai người không còn hứng thú với chuyện “chăn gối" nữa dù vì bất cứ một lý do gì, chắc chắn sẽ xảy ra một kiểu tranh cãi điển hình “Anh/em cảm thấy chúng ta chỉ như bạn cùng phòng mà thôi". Giữa hai người đã hết những phản ứng hóa học với nhau, giờ đây hai người nhìn nhau như những người bạn cùng chia sẻ một khoảng không gian sống.
Thậm chí, ngay cả những cặp vợ chồng kết hôn đã lâu, kiểu cãi vã này cũng có thể dẫn đến việc ly hôn.
2. “Chúng ta đáng lẽ không nên ở bên nhau"
Khi lời nói này được thốt ra giữa một cuộc tranh luận, hãy giữ một cái đầu bình tĩnh và suy nghĩ thật kỹ càng. Cô ấy/anh ấy chắc hẳn đã nghĩ rất lâu mới nói ra lời này, đây không phải chỉ đơn thuần là một câu nói vô thưởng vô phạt. Chắc chắn ý nghĩ này đã tồn tại được một thời gian, và khi tranh cãi nổ ra, đối phương mới bộc phát nói câu đấy.
Khi những kỷ niệm hạnh phúc trở nên nhạt nhòa, đây là một dấu hiệu cho thấy đối phương đang dần tách biệt về mặt tình cảm với bạn. Nếu như giữa hai người có cuộc khẩu chiến và bạn nghe thấy lời nói này từ người kia, hãy chuẩn bị tinh thần cho lời chia tay.
3. “Em/anh xin lỗi"
Xin lỗi đương nhiên là một điều tốt, tuy nhiên lời xin lỗi cần phải chân thành. Chẳng thể nào một bên cứ liên tục nói xin lỗi nhưng chỉ vì họ không muốn cãi nhau với bạn nữa. Khi bạn cố gắng bộc lộ cảm xúc của mình để cứu vãn lại mối quan hệ hoặc chỉ để giải quyết hiểu lầm, đối phương ngoài nói “Xin lỗi" thì chẳng thể nói câu gì khác. Họ không thực sự cảm thấy có lỗi, họ chỉ muốn nhanh chóng kết thúc cuộc khẩu chiến này mà thôi.
4. “Sao lúc nào anh/em cũng như vậy?”
Đây là một cách buộc tội điển hình: tại sao anh/em cứ liên tục làm như thế? Tại sao anh/em cứ luôn cảm thấy như vậy? Họ đã quá chán nản với việc bạn luôn có cùng một phản ứng với nhiều sự việc khác nhau. Đôi khi chỉ là một việc nhỏ nhặt như để bát vào bồn rửa mà không rửa ngay lúc đó cũng khiến hai người tranh cãi.
Khi tình cảm còn sâu đậm, người ấy sẽ bao dung hơn và cảm thấy thói quen của bạn không phải là điều gì quá to tát. Nhưng khi hai người đã đến bờ vực chia tay, chắc chắn một trong hai người sẽ cảm thấy chán ngán với mọi điều nhỏ nhặt của đối phương.
5. “Tại sao anh/em luôn bỏ đi khi chúng ta tranh cãi?”
Khi một cuộc tranh cãi nổ ra và bạn nghe thấy câu nói này, chứng tỏ đối phương đang cảm thấy rất thất vọng và mệt mỏi với mối quan hệ hiện tại. Khi người kia không còn muốn giải quyết vấn đề tồn đọng giữa hai bên, họ chỉ đơn giản là muốn bỏ đi và tìm một không gian bình yên khác.
Một mối quan hệ sẽ chẳng đi đến đâu nếu như một bên tỏ ra bất hợp tác để giải quyết mâu thuẫn, và từ những việc nhỏ nhất sẽ dẫn đến những vấn đề to lớn khác. Việc này hoàn toàn khác với việc khi tranh cãi nổ ra, hai người cùng bình tĩnh và cho nhau những khoảng lặng để quay lại giải quyết triệt để mâu thuẫn.
6. “Tại sao lúc nào cũng là em/anh phải làm việc đó?”
Đây là khi một trong hai bên cảm thấy sự bất công trong mối quan hệ. Họ cho rằng mình phải làm hết mọi việc trong khi đối phương chỉ đơn giản là hưởng thụ mọi thứ. Và đây chính là sự bắt đầu cho rạn nứt của một mối quan hệ.
Khi anh ấy còn yêu bạn, anh ấy sẽ không cảm thấy phiền hà với việc xách hộ bạn vài túi đồ, đi đón bạn khi ngược đường. Nhưng khi hai người đã đến bờ vực của sự chia tay thì ngay cả việc giúp bạn nhặt đồ rơi trên đường cũng làm anh ấy cảm thấy khó chịu.
7. “Anh/em không muốn tranh cãi về điều này nữa"
Đôi khi, việc ngừng tranh cãi không có nghĩa là mâu thuẫn đã hết. Đây là biểu hiện cho việc đối phương không còn muốn tham gia vào việc xây dựng mối quan hệ này nữa, và thường đây là một dấu hiệu cho việc chia tay của các cặp đôi.
Một trong hai bên dường như tránh tuyệt đối mọi sự xung đột, cả hai bên dường như không còn có những giao tiếp hàng ngày nữa, dần dần sẽ chẳng còn gì để nói với nhau.
Nguồn pose