Đăng bởi Marry Doe - 04/08/2016 | Lượt xem: 4301
8 khoản chi phí đám cưới phát sinh sau đây ít khi được thể hiện rõ ra trong hợp đồng thuê địa điểm đãi cưới, hoặc hợp đồng đãi tiệc cưới. Nếu không làm rõ, bạn sẽ vô cùng lúng túng khi thấy chi phí cưới của mình thâm hụt đáng kể.
Bạn và ông xã tương lai ngược xuôi tìm kiếm địa điểm đãi cưới, và cuối cùng cũng tìm được một nơi với bảng báo giá dễ chấp nhận. Coi chừng! Marry khuyên bạn nên tìm hiểu kỹ trước khi ký hợp đồng, tránh phải trường hợp trả thêm 8 khoản chi phí đám cưới phát sinh sau đây:
1. Thuế VAT
"Thủ thuật" của các nhà hàng tiệc cưới, sảnh đãi tiệc khi báo giá cho khách hàng là chỉ báo giá gốc chưa bao gồm thuế để thu hút khách hàng đang tìm địa điểm với chi phí cạnh tranh. Do đó, khi nhận được báo giá, bạn phải tìm hiểu xem chi phí này đã bao gồm VAT hay chưa. Một số nhà hàng họ sẽ tính thêm chi phí phục vụ vào (nhất là những nhà hàng 5 sao), tính ra chi phí cộng thêm là 15%. Nếu chi phí đám cưới đãi đằng của bạn là 100 triệu đồng, thì phần thuế phí này là 15 triệu, rất đáng kể đó. Nó sẽ khiến bạn thâm hụt một khoản kha khá trong tổng số tiền bạn dành dụm cho đám cưới.
2. Tiền phục vụ rượu và bánh cưới:
Thông thường, nhà hàng tiệc cưới sẽ tặng bạn phần bánh kem nho nhỏ bao gồm trong tiền trang trí trọn gói buổi tiệc, nhưng bạn vẫn nên kiểm tra lại xem phần này có thực sự miễn phí không nhé. Trong các phần tiền phát sinh, chi phí phục vụ rượu là đáng kể. Các nhà hàng tiệc cưới sẽ tính phí phục vụ rượu theo từng chai bạn mang từ ngoài vào (trường hợp bạn không đặt rượu bia trong nhà hàng). Hỏi trước để có thể thương lượng khoản này, sẽ thật tuyệt nếu các nhà hàng miễn luôn chi phí này cho bạn, hoặc họ sẽ tính phí rẻ hơn. Đừng để tới ngày cưới mới hỏi vì lúc đó Marry đoan chắc bạn sẽ khó thỏa thuận được, lại sinh thêm rườm rà không đáng có làm nặng thêm chi phí đám cưới.
3. Chi phí do các nhà cung cấp bên ngoài mang vào tiệc:
Các nhà hàng tiệc cưới, sảnh đãi tiệc đều có nhà cung cấp quen thuộc của mình. Do đó, nếu bạn muốn thuê dịch vụ bên ngoài như làm backdrop cưới, trang trí hoa cưới, tự mua rượu bia đãi cưới..., bạn nên hỏi thẳng quản lý nhà hàng mình dự định thuê đãi cưới xem sẽ tính chi phí dịch vụ này như thế nào (thông thường, họ sẽ tính thêm chi phí vào phần tiền dọn dẹp vệ sinh sau tiệc). Đặt thuê nhà cung cấp của nơi đãi cưới có thể cho bạn mức giá rẻ hơn thuê các đơn vị ngoài, tuy nhiên nếu bạn chỉ ưng ý với style cắm hoa, trang trí mà mình chọn, nên thương lượng để phát sinh chi phí đám cưới dễ chịu hơn cho bạn.
4. Phí phạt quá giờ:
Thông thường, một đám cưới của người Việt kéo dài từ 4-5 tiếng, đám cưới của người nước ngoài thường dài hơn vì họ có các hoạt động khiêu vũ, vui chơi sau khi đãi tiệc. Nếu trong đám cưới bạn, các vị khách quý hứng chí và muốn kéo dài thời gian hát trên sân khấu, khiêu vũ với nhau, rất có thể chủ tiệc là bạn sẽ bị đòi trả thêm chi phí phát sinh quá giờ. Nhà hàng thường đưa mức phí này vào thêm nếu tiệc cưới của bạn hoành tráng và có thời gian trang trí tổng thể dài (1-2 ngày trước đám cưới), hoặc tiệc kéo dài quá lâu.
5. Chi phí ăn uống cho các đơn vị cung cấp
Khi lên danh sách khách mời, bạn chỉ đưa tên của người thân, họ hàng, bạn bè vào và hầu như quên đi một đội ngũ khá đông nhân sự của các đơn vị cung cấp dịch vụ tiệc cho bạn, như thợ chụp ảnh, thợ trang điểm cô dâu, ban nhạc, DJ... Thời gian đám cưới của bạn khá dài, đãi các nhân sự này thêm bữa ăn sẽ giúp họ đỡ mệt mỏi và phục vụ đám cưới bạn tốt hơn. Bạn không cần phải đặt cả một bàn tiệc để đãi họ, nhưng có thể đặt nhà hàng những món ăn nhẹ để họ lót lòng trước hoặc sau bữa tiệc cưới của bạn.
6. Thuê vật dụng nội thất:
Để tiết kiệm chi phí, bạn không đặt chi phí tiệc cưới trọn gói, hoặc bạn chỉ đặt một địa điểm thuận tiện để đãi cưới, bạn phải hỏi kỹ chi phí đám cưới họ gửi báo giá cho bạn đã bao gồm tiền thuê bàn ghế hay chưa. Một số nơi họ chỉ cho thuê sảnh cưới, còn tất cả bàn ghế, đồ trang trí, nội thất bạn phải thuê từ bên ngoài vào. Cho nên khi đặt bút ký hợp đồng thuê địa điểm, bạn phải hỏi xem chi phí này đã bao gồm bàn ghế vào chưa.
Đối với các đám cưới đặt trọn gói, đôi khi sẽ phát sinh những nhu cầu riêng, chẳng hạn bạn muốn mượn đàn piano của nhà hàng để chú rể đàn tặng cô dâu, bạn nên đặt vấn đề xem nhà hàng sẽ phụ thu bao nhiêu.
7. Tiền thuê lều bạt:
Với những hôn lễ tổ chức ngoài trời, nhà bạt lớn là lựa chọn tối ưu cho bạn, vừa tránh được cơn mưa bất chợt, vừa có thể trang trí hoa bên trong theo theme cưới. Tiền thuê nhà bạt này đôi khi không nằm trong chi phí thuê địa điểm. Hoặc có khi nhà hàng tiệc cưới cho bạn mượn nhưng chi phí dựng rạp, dọn dẹp rạp sau đám cưới bạn phải chịu. Làm rõ các khoản này ra bạn nhé, để đưa vào chi phí đám cưới một cách rõ ràng, tránh phát sinh không đáng khi đám cưới vừa kết thúc.
Thuê nhà bạt làm đám cưới ngoài trời ẩn chứa nhiều chi phí phát sinh bạn khó ngờ tới
8. Những tổn hại không mong muốn
Nếu đãi tiệc cưới ở nhà hàng 5 sao, các dịch vụ đãi tiệc trọn gói cao cấp, nhà hàng sẽ có khoản chi phí ẩn dành cho những hư tổn không đáng kể do khách mời gây ra như ly tách vỡ, đổ bình hoa, sàn nhảy bị trầy... Tuy nhiên, một số nhà hàng tiệc cưới có mức giá trung bình sẽ tính thêm các khoản đổ bể này vào cuối buổi tiệc, điều này đôi lúc sẽ làm bạn bối rối vì không chuẩn bị sẵn tiền bù cho khoản phát sinh này. Tốt nhất, bạn nên tham khảo các mức giá sẽ phải trả nếu xảy ra hư tổn này, và chuẩn bị luôn khoản phát sinh này vào phần dự phòng chi phí đám cưới.
Các khoản phí phụ thu khi xảy ra đổ vỡ trong nhà hàng tiệc cưới nên được quy định giá tiền ngay từ ban đầu cho các món: ly, tách, chén, đĩa...