Thanh toán

9 lời khuyên cho một đám cưới trọn vẹn

Đăng bởi Marry Doe - 07/04/2012   |   Lượt xem: 2734

Trong khi nhiều cặp đôi ao ước được sống lại những phút giây tưng bừng của đám cưới, nhiều người lại thốt lên: cưới một lần là quá đủ rồi! Cả hai đều có lý, bởi hoặc họ đã có một đám cưới như ý, hoặc họ đã phải lao tâm khổ tứ quá sức để lo chu toàn đám cưới. Thế còn bạn thì sao? Nếu bạn chọn trở thành tuýp số 1 - những người hài lòng, thì bài viết dưới đây chính là những thông tin cần cho bạn.

1. Chuẩn bị

    Đừng quá chủ quan khi nghĩ rằng đám cưới là chuyện nhỏ, chỉ cần một hai tuần là đâu sẽ vào đấy. Nên nhớ, dù lễ cưới tổ chức đơn giản thế nào, cũng mất nhiều thời gian để chuẩn bị. Vào mùa cưới, tại các thành phố lớn, nhiều nhà thờ, nhà hàng, khách sạn có uy tín thường được đặt chỗ trước, đây cũng là mùa để các tay thợ chụp ảnh chuyên nghiệp, những đầu bếp, các chuyên viên trang điểm, các tiệm áo cưới nổi tiếng được "ủng hộ" nồng nhiệt. Vì vậy, bạn nên lên kế hoạch cưới cụ thể để tránh tình trạng "hụt chân" khi đến trễ.

2. Đừng vội dốc hết hầu bao

    Ở các nước vùng Trung Đông, con gái là báu vật trong gia đình nên người cha nhận trả toàn bộ chi phí đám cưới; ở Papua New Guinea, con trai là của nợ trong nhà nên bố mẹ phải bỏ tiền... mua cô dâu. Ở Úc, thông thường, bố mẹ cô dâu sẽ trả chi phí tổ chức đám cưới, còn chú rể sẽ chịu khoản tiền xin lễ ở nhà thờ và lo chi phí tuần trăng mật. Còn ở Việt Nam, theo truyền thống, cha mẹ chú rể sẽ lo toàn bộ chi phí đám cưới. Nhưng ngày nay, việc các đôi tân lang phải tự lo chi phí lễ cưới hay hai bên cha mẹ cùng "gánh vác" đã trở nên phổ biến. Vấn đề tiền bạc cần đề cập rõ ràng để tiệc cưới được sắp xếp chu đáo, cẩn trọng. Nên liệt kê các khoản mục cần thiết cho tiệc cưới và tính toán chi tiêu rõ ràng. Ghi chú những khoản chi ưu tiên và lượt bớt những chi phí quá cao. Nhiều người đã chi tiêu thẳng tay trong ngày vui để rồi phải làm việc cật lực nhiều năm trời mới trả hết nợ. Việc ấn định chi phí tổ chức đám cưới rất quan trọng, tốt nhất là trong giới hạn mức ngân sách hiện có của hai người.

3. Tham khảo ý kiến nhà tư vấn

    Theo quan điểm chung, đám cưới là ngày trọng đại nhất trong đời, do đó hầu hết các bạn trẻ trước ngưỡng cửa hôn nhân đều muốn mọi thứ trong ngày cưới phải chu đáo và hoàn hảo. Ngày nay, cách thức tổ chức đám cưới ngày càng đa dạng nên có hẳn những nhà tư vấn sẵn sàng tư vấn cho bạn những "bí quyết" để tổ chức đám cưới như ý. Dưới sự hướng dẫn của họ, mọi việc từ áo cưới, bánh, hoa đến thợ chụp ảnh, quay phim đều có thể sắp xếp dễ dàng. Cũng nhờ những ý kiến trợ giúp này mà bạn có thể giảm bớt những lo toan khi tổ chức đám cưới, và một điều chắc chắn là bạn sẽ biết rõ những khoản phải chi. Nếu bạn đang chuẩn bị lên xe hoa, hãy thử đến phòng tư vấn hôn nhân & gia đình đi, bạn sẽ nhận được những lời khuyên bổ ích.

4. Chia sẻ lo toan trước ngày cưới

    Một số cặp trong giai đoạn chuẩn bị cho việc tổ chức lễ cưới thường dể bị căng thẳng. Do vậy, để giải toả bớt những lo toan, nên chia sẻ, chuyện trò cùng bạn bè và người thân những điều đó. Về phía cô dâu, trước ngày cưới, có quá nhiều người thân "khuyên bảo" và cho ý kiến nên tinh thần dễ bị xao động. Do đó, nên tiếp thu chừng mực thôi, không nên nghiêm trọng quá vấn đề. Còn nếu đầu óc cứ rối tung lên, hãy viết những dự tính trong đầu ra giấy.

5. Để đầu óc bớt căng thẳng

    Một số nhà tâm lý cho biết, thời gian chuẩn bị đám cưới là một trong những thời khắc dễ gây căng thẳng nhất. Khi đó nên biết kềm chế những lo âu bằng cách dành thời gian thư giãn, nghỉ ngơi, tiêu khiển những hoạt động giải trí ưa thích, chẳng hạn như tập thể dục (mặc áo cưới sẽ đẹp hơn), ăn, ngủ, hoặc đi đến các thẩm mỹ viện tắm hơi, mát xa cho tinh thần sảng khoái.

6. Chọn trang phục Lễ phục ngày cưới phản ảnh tính cách và sở thích của cô dâu, và qua đó áo cưới sẽ làm cô dâu đẹp hơn - yếu tố quan trọng trong ngày cưới. Vì vậy chọn lễ phục không phải việc đơn giản, đây là lúc cô dâu phải đắn đo thật kỹ để không bị chê quê, sến khi bạn bè, người quen xem album ảnh cưới của cô. Muốn vậy trong ngày cưới, cô dâu phải tạo được vẻ bên ngoài xinh xắn và nổi bật. Nếu thích may áo cưới, nên xem qua các catơlô chuyên về áo cưới, rồi chỉ người may áo kiểu mình muốn. Tránh tưởng tượng những kiểu quá phức tạp để rồi một mặt cô dâu diễn tả, một mặt người may áo "tưởng tượng" theo rồi cuối cùng cũng cho ra một kiểu áo quá đặc biệt, không dám mặc. Còn nếu muốn thuê áo cưới (giải pháp đơn giản ít tốn kém nhất), nên tham quan nhiều tiệm cho thuê để khảo sát giá cả và thử nhiều kiểu có sẵn để chọn kiểu ưng ý nhất. Khi đó cô dâu nên đi cùng mẹ hoặc một vài người bạn thân để hỏi ý kiến của họ, nhưng tránh để nhiều người đi cùng vì mỗi người mỗi ý, để làm rối và lung lay mắt thẩm mỹ của cô dâu. Khi đã chọn được kiểu áo vừa ý, cô dâu cũng nên đặt ra cho mình chỉ tiêu giữ eo (không trồi sụt so với số đo đã cho để chỉnh áo khi quyết định thuê) để không phải chỉnh sửa áo cưới vào giờ chót. 7. Để tuần trăng mật có ý nghĩa Sẽ có nhiều lý do khiến đôi tân lang dễ dàng bỏ qua tuần trăng mật của mình, nhưng mất rất nhiều những rung động của trái tim, thể xác với người mình yêu mà không gì có thể thay thế được. Muốn tận hưởng tuần trăng mật thật trọn vẹn, nên chuẩn bị mọi thứ trước khi đám cưới diễn ra để hai người có thể ung dung lên đường ngay hôm sau đám cưới. Bằng không sẽ không đủ thời gian cũng như tâm trí để vừa thu xếp hành lý, vừa chăm sóc cho đối phương. Và tuần trăng mật chỉ có nghĩa thật sự khi hai vợ chồng hưởng được những giây phút ấm áp, nồng nàn và định hình mối quan hệ của nhau. Đấy không phải là những giây phút bình thường trước ngày cưới mà lúc vợ chồng bắt đầu chia sẻ cuộc sống lứa đôi. Cho nên tuần trăng mật là thời gian quan trọng nhất để thiết lập mối quan hệ bền lâu. Cả hai sẽ cùng điều chỉnh thái độ về sự ràng buộc lẫn nhau, đó cũng là việc hai người thăm dò những thay đổi cảm xúc của chính mình mà trước kia chưa từng trải. Nhưng cho dù hưởng tuần trăng mật ở đâu đi nữa, đều cần nhớ là hai người nên dành thời gian để chuyện trò bên nhau. 8. Danh sách khách mời Cả hai bên gia đình (cả cô dâu và chú rể) nên bàn bạc, thống nhất số lượng khách mời để đám cưới diễn ra tốt đẹp nhất. Không nên vì lý do "cạnh tranh" với ai đó mà mời vô tội vạ những thực khách mà... nói cho cùng cũng không ưa! Nên nhớ, những người thân của gia đình, những bạn bè đúng nghĩa, đồng nghiệp tốt của gia đình hai bên, của cô dâu, chú rể mới thật sự chia vui với niềm vui của đôi tân lang. Phải biết giới hạn lượng khách mời theo ngân sách đang có, nhưng nếu có ý định "gỡ vốn" từ việc này thì... miễn bàn.

9. Tạo không khí vui tươi

    Là nhân vật chính trong tiệc cưới, chú rể và cô dâu sẽ là trung tâm nhìn ngắm, khen, chê của rất nhiều người. Vì vậy trong suốt buổi tiệc, đôi tân lang phải thật rạng rỡ, vui vẻ và thắm thiết bên nhau. Một trong những lỗi thông thường mà cô dâu và chú rể hay mắc phải là để cho quan khách và bạn bè tạo áp lực nhằm đáp ứng nhu cầu tò mò, quấy rối của họ. Nếu có thể, nên chọn một người dẫn chương trình (chuyên nghiệp) cho suốt tiệc cưới, họ sẽ giúp tiệc cưới diễn ra thuận lợi hơn, hào hứng, vui vẻ hơn, và nhất là có thể giữ chân các thực khách chung vui với bạn đến cuối buổi tiệc.

Bình luận

Viết Đánh Giá
M
Những lời khuyên thật bổ ích, tạo không khí vui tươi là điều quan trọng không kém đâu nhé
A
Lời khuyên hữu ích cho các cặp sắp cưới ^^
B
cám ơn các bãn đã đọc và chia sẻ nhé
F
lang thang trong forum đọc được bài này thấy rất hay. Cám ơn bạn đã chia sẻ nhé ^ ^
B
mình thấy mấy mục trên mục nào cũng đúng nên post lên đây cho mọi người tham khảo. Mình tâm đắc nhất với ý kiến đầu tiên. Chuẩn bị mọi thứ ngay từ đầu để đỡ bối rối, vất vả sau này. Hồi đám cưới anh mình vì không lập kế hoạch ngay từ đầu nên gần ngày cưới chạy xấc bấc xang bang. Cuối cùng vẫn thiếu này thiếu nọ tùm lum. Cưới xong rồi mới ngồi ước phải chi hồi đó lên kế hoạch chi tiết thì đâu ra nông nổi đó. Các bạn nhớ rút kinh nghiệm nghen
P
mình thấy lời khuyên số 4 rất hữu ích. Giai đoạn chuẩn bị cưới hay làm CD-CR stress lắm. Thời điểm này vừa mệt mà hay bị nhiều ý kiến làm phân tâm. Công việc chuẩn bị nên chia ra từng người làm. Không hài lòng vấn đề nào thì trao đổi thẳng thắn với nhau, cùng nhau giải quyết, để trong lòng bực bội ấm ức lắm. Cái này là kinh nghiệm của chính mình đó. May mà cuối cùng mọi thứ cũng vượt qua.
G
tôi đồng ý với mục 2.Đừng vội dốc hết hầu bao. Nhiều người quan niệm đám cưới đời người chỉ có 1 lần, tổ chức phải cho rình rang, cái gì cũng chọn loại tốt nhất trong khi tài chính không đủ cho ngân sách đó. Kết quả phải vay mượn, đám cưới xong cô dâu chú rể è cổ ra cày trả nợ. Sai lầm hết sức.