Đăng bởi Marry Doe - 30/10/2012 | Lượt xem: 16591
Ở bài trước Marry.vn đã giới thiệu với các bạn 3 trường hợp thường diễn ra khi đề cập đến vấn đề Ai là người chi trả tiền cho đám cưới. Và cho dù hai bạn và gia đình chọn trường hợp nào thì sau khi đã thống nhất các khoản tiền, mỗi bên sẽ có sự phân chia công việc, liên hệ nhà cung cấp và số tiền phải chi tiêu một cách hợp lý.
Các đôi tân lang – tân nương tương lai có thể tham khảo các gợi ý về việc phân chia tiền bạc trong đám cưới dưới đây và có cách điều chỉnh cho phù hợp với hoàn cảnh của mình:
Phần nhà trai và chú rể:
- Nhẫn cưới, nữ trang cưới cho cô dâu
- Hoa cưới và hoa cài áo cho bố mẹ chú rể, cô dâu, người chủ hôn của hai họ.
- Trang phục cưới cho chú rể (vest, giày, cravat…).
- Trang phục cho bố mẹ và người thân.
- Chi phí trang điểm, làm tóc cho mẹ chú rể, các phụ nữ trong gia đình.
- Trang trí nhà cửa (thuê cổng hoa, bàn ghế, dựng rạp…).
- Trái cây, bánh kẹo, nước uống trong lễ thành hôn.
- Mâm quả.
- Thuê người bưng quả hoặc tiền lì xì cho người bưng quả.
- Thuê xe hoa.
- Thuê xe (16 – 50 chỗ) cho họ hàng đi rước dâu.
- Chi phí đi lại, ăn ở cho họ hàng nhà trai ở xa đến dự lễ cưới.
- Tiệc cưới (tùy theo cách phân chia của hai gia đình).
- Tiệc thành hôn (nếu rước dâu buổi sáng và đãi tiệc ở nhà hàng vào buổi chiều). Bữa ăn sáng, hoặc ăn xế cho gia đình trong ngày cưới
Mâm quả là một phần chi phí quan trọng trong tổng chi phí đám cưới. Ảnh: Vietnam Wedding Planner
Phần nhà gái và cô dâu:
- Nữ trang cưới cho cô dâu.
- Trang phục cưới cho cô dâu (áo dài, váy cưới, giày…).
- Chi phí trang điểm, làm tóc cho cô dâu.
- Spa, chăm sóc tóc, cơ thể cho cô dâu trước ngày cưới.
- Chi phí trang điểm, làm tóc cho mẹ cô dâu, các phụ nữ trong gia đình.
- Trang trí nhà cửa (thuê cổng hoa, bàn ghế, dựng rạp…).
- Trái cây, bánh kẹo, nước uống trong lễ vu quy.
- Thuê người bưng quả hoặc tiền lì xì cho người bưng quả.
- Thuê xe (16 – 50 chỗ) cho họ hàng đi đưa dâu.
- Chi phí đi lại, ăn ở cho họ hàng nhà gái ở xa đến dự lễ cưới.
- Tiệc cưới (tùy theo cách phân chia của hai gia đình).
- Tiệc đám hỏi mời nhà trai (nếu đám hỏi và đám cưới tổ chức khác nhau).
- Bữa ăn sáng, hoặc ăn xế cho gia đình trong ngày cưới
Trang điểm cô dâu, trang phục cưới,... là phần nhà gái và cô dâu chi trả. Ảnh: Chương Bùi
Phần cô dâu và chú rể:
- Thiệp cưới.
- Chụp ảnh trước khi cưới.
- Quay phim, chụp hình cho đám cưới.
- Chi phí cho tuần trăng mật
Lưu ý:
Thái độ khi đề cập đến chuyện tiền bạc trong đám cưới rất quan trọng vì đây là vấn đề khá nhạy cảm, nếu cư xử không khéo sẽ nảy sinh những hệ lụy không đáng có.
Trước hết, cô dâu chú rể cần có sự trao đổi thẳng thắn với nhau trước về tình hình tài chính của hai bên. Sau đó, báo cáo với cha mẹ để mọi người cùng trao đổi người chi trả các khoản tiền.
Nếu tự chi trả tiền cưới, cô dâu chú rể cần có thái độ lễ phép, hòa nhã trong quá trình chuẩn bị tiệc cưới, tránh để cha mẹ có tâm lý bị con cái xem thường.
Nếu không đủ trả tiền tiệc ngay, cô dâu chú rể có thể nhờ người thân tin cẩn lấy tiền trong thùng tiền mừng trả nốt phần còn lại. Trong trường hợp thiếu hụt, nhiều nhà hàng cho phép cô dâu chú rể trả nốt số tiền còn lại vào ngày hôm sau nên không nên có tâm lý quá lo lắng.
Trong lúc kiểm tiền mừng, nhớ giữ lại phong bì và ghi chú số tiền mừng lên đó để bố mẹ và hai vợ chồng biết được bạn bè đã mừng như thế nào, sau này còn trả lễ lại cho trọn vẹn.
Luôn để dành thêm một khoản tiền dự trữ cho những chi phí phát sinh không ngờ tới. Tuy vậy, luôn ý thức tiết kiệm trong chi tiêu, tính toán chặt chẽ số lượng khách mời, nơi đặt tiệc để không mang nợ sau đám cưới.
Thái Dũng
Ảnh minh họa: Internet