Đăng bởi Marry Doe - 08/02/2018 | Lượt xem: 2691
Còn 1 tuần lễ nữa mới đến Tết Nguyên Đán nhưng mỗi năm đến lễ ông Táo là không khí Tết đã ùa về với mọi người. Còn gì bằng trong thời khắc sắp giao mùa này, bạn diện những bộ áo dài cá chép để đưa ông Táo về trời chuẩn bị đón một năm mới nhiều may mắn.
Cá chép là hình tượng quen thuộc trong văn hóa người Việt. Áo dài cá chép cũng là trang phục được nhiều bạn gái yêu thích vì nét đẹp truyền thống và duyên dáng. Nhân dịp Tết ông Táo, hãy cùng tìm hiểu về cá chép và chọn cho mình một tà áo hoa văn cá chép thật đẹp nhé!
Cá chép, linh vật của may mắn và thành công
Từ lâu nay, cá chép gắn liền với sự tích vượt vũ môn hóa rồng. Nó đại diện cho khả năng vượt thử thách vươn tới thành công của con người.
Trong phong thủy loài cá này cũng được xem là linh vật may mắn. Hình ảnh cá chép ngậm ngọc, cửu ngư hội tụ... có khả năng chiêu tiền kim tài, mang lại may mắn, tài lộc cho gia chủ.
Cá chép còn mang lại may mắn trong học hành, thi cử và tượng trưng cho sự cố gắng, kiên trì vượt khó vươn tới thành công đỗ đạt. Vì thế trong nhà có người học hành, sắp thi cử sẽ treo bức tranh cá chép làm tăng thêm may mắn, hi vọng và thành công.
Về làm ăn buôn bán thì cá chép đại diện cho Thuỷ Khí tức là nguồn tài lộc dồi dào. Loài cá này một trong những vật phẩm vô cùng tốt cho cả hai phương diện công danh và tài lộc.
Vì thế hình ảnh cá chép không chỉ xuất hiện trong tranh vẽ mà còn được chọn để chế tác quà biếu, thiết kế trang phục để mặc trong những dịp hỷ sự. Trong đó có áo dài nói chung hay
áo dài cưới nói riêng vào dịp cuối năm.
Ý nghĩa của cá chép trong tục cúng ông Công ông Táo
Theo quan niệm dân gian, cứ vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm, Táo quân sẽ bay về trời, báo cáo tất cả việc làm tốt – xấu của con người để Thiên đình định đoạt công tội, thưởng phạt phân minh.
Để ông Táo có phương tiện về chầu trời, người Việt thường chuẩn bị 3 con cá chép sống (hay cá vàng) thả trong chậu nước. Sau khi cúng xong, người ta sẽ đem cá phóng sinh xuống ao, hồ hay sông.
Tục lệ cúng cá chép sống thường phổ biến ở miền Bắc. Ở miền Nam, người dân chỉ cúng cá chép giấy còn người miền Trung sẽ đặt lên bàn thờ một con ngựa giấy với yên, cương đầy đủ.
Để giữ gìn truyền thống tốt đẹp này, hình ảnh cá chép ngày càng được nhiều người yêu thích và chọn lựa trong dịp cuối năm. Từ quần áo, phụ kiện hay trang trí nội thất đều có thể ứng dụng hình ảnh cá chép.
Áo dài cá chép, sự lựa chọn tuyệt vời cho những ngày cuối năm
Dịp cận Tết, ai cũng hướng mình về những giá trị truyền thống. Trong đó hình ảnh áo dài cá chép được xem là cực kỳ thích hợp vì vừa đậm chất truyền thống vừa đảm bảo yếu tố thẩm mỹ, duyên dáng.
Cá chép với áo dài được xem là sự kết hợp tuyệt vời vì cả hai điều là những hình ảnh đặc trưng của văn hóa Việt Nam. Để "thả" cá chép vào áo dài, các nhà thiết kế thường vẽ tay hoặc thêu lên tà áo.
Hình ảnh cá chép được chọn là các hoa văn cổ truyền trong tranh Đông Hồ, tranh phong thủy như cá chép ngậm ngọc, cá chép hoa sen hay cá chép trông trăng...
Đây đều là những biểu tượng mang ý nghĩa may mắn lại đậm chất truyền thống sẽ mang đến cho bạn một những ngày xuân thật rực rỡ.
Những mẫu áo này, các cặp đôi có thể chọn lựa để đi chơi cuối năm, lễ chùa đầu năm hoặc thăm viếng bà con dòng họ trong dịp Tết. Đặc biệt các bạn còn có thể chọn áo dài cá chép làm áo dài cưới với ý nghĩa may mắn, sung túc cho đời sống vợ chồng sau này.