Đăng bởi Marry Doe - 22/09/2017 | Lượt xem: 716
Nước mắt anh trào ra. Chưa bao giờ anh có cảm giác cô đơn khủng khiếp như khoảnh khắc ấy. ... Còn chị , sau một vài ngày thảnh thơi, chị bỗng thấy ngôi nhà lạnh lẽo, trống trải vô cùng.
Sự thách thức của chị tựa “giọt nước tràn ly” khiến anh tức tối xách ba lô quần áo bước ra khỏi nhà. Chị đóng sầm cửa lại. Trong lòng cả hai đều có cảm giác hả hê như vừa quẳng đi cái “cục nợ” khổng lồ...
Đẩy về phía chị tờ báo, anh cười khẩy: “Này! Cô đọc đi để mà rút kinh nghiệm. Đàn bà hay cằn nhằn là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự đổ vỡ, chia lìa”.
Chồng chưa dứt lời, chị bĩu môi: “Thế anh cũng nên mở mạng mà tham khảo cái phát ngôn chân thực của cô nhà văn nọ rằng, đàn ông về nhà chỉ ăn, tắm, ngủ thì khác gì con lợn”.
- Đừng có quá quắt nhé! Cô bóng gió ám chỉ ai là lợn hả? Đi thì thôi chứ về đến cái nhà này là ngột ngạt, căng thẳng vì cái mặt lúc nào cũng như đâm lê của cô. Cô mở to mắt ra mà xem mình có được nổi một phần nhỏ cái nết dịu dàng của mấy chị hàng xóm không?
- Chồng người ta tài giỏi nên nhà cao cửa rộng, vợ con ăn sung mặc sướng hỏi sao chẳng dịu với dàng. Còn tôi, đầu tắt mắt tối từ sớm tới khuya thì dịu dàng sao nổi! Anh giỏi thì tìm đứa nào hiền lành, không kêu ca rước về mà phục vụ.
Sự thách thức của chị tựa “giọt nước tràn ly” khiến anh tức tối xách ba lô quần áo bước ra khỏi nhà. Chị đóng sầm cửa lại. Trong lòng cả hai đều có cảm giác hả hê như vừa quẳng đi cái “cục nợ” khổng lồ...
Nhưng ngày sau, hết giờ làm ở cơ quan, anh tha hồ nhậu nhẹt với bạn bè thâu đêm tới sáng mà không còn phải nghe những lời cằn nhằn “dai như đỉa đói” của vợ. Chị cũng không còn ấm ức tới mức uất ức khi bị bủa vây bởi tâm lý mình chỉ tựa kẻ hầu hạ trong nhà. Giải pháp ly hôn được họ nghĩ tới như một lối thoát...
Anh đổ bệnh sau hơn một tháng ăn uống, sinh hoạt thất thường. Nửa đêm, người sốt hầm hập, anh cuống quýt gọi điện cho người bạn thân thì cậu ta tắt máy; cầu cứu gã đồng nghiệp hay nhiệt tình “chén chú, chén anh” thì nhận được câu trả lời: “Không thể ra ngoài lúc này vì vợ ghen tuông dữ lắm”. Biết là phiền, anh vẫn cố gọi thêm cho một người luôn miệng tự nhận là “chiến hữu” nhưng kết cục cũng chỉ được nghe lời an ủi: “Chắc bị cảm qua loa thôi. Cố ngủ đi một giấc, sáng mai sẽ khỏe thôi”... Nước mắt anh trào ra. Chưa bao giờ anh có cảm giác cô đơn khủng khiếp như khoảnh khắc ấy. Và rồi anh thiếp đi trong nỗi ám ảnh về những lời cằn nhằn của chị mỗi lần anh chủ quan ăn mặc phong phanh khi trời lạnh hoặc trở về nhà trong trạng thái “chân nam đá chân chiêu”. Cằn nhằn nhưng chị vẫn luộc trứng, giã gừng cạo gió cho chồng. Cằn nhằn nhưng chị vẫn dậy từ tờ mờ sáng phóng xe ra chợ mua miếng thịt tươi ngon về hầm cháo rồi mang đến tận giường ép chồng ăn. Cằn nhằn nhưng chị vẫn nhờ cậy cô em gái ở tận trong Nam mua gửi ra cho mấy chén thuốc “mát gan” rồi cặm cụi sắc cho chồng uống...
Sau một vài ngày thảnh thơi, chị bỗng thấy ngôi nhà lạnh lẽo, trống trải vô cùng. Đành rằng anh chẳng chịu động tay vào việc tề gia nội trợ nhưng tháng nào lĩnh lương xong anh cũng chỉ giữ lại chút ít đổ xăng, còn đưa cả cho chị “tay hòm chìa khóa”. Biết chị thích món bánh gai đặc sản của Nam Định, lần nào về đó công tác, dù bận đến mấy anh cũng tìm đến cơ sở sản xuất có tiếng mua bằng được mang về cho vợ. Bên nhà ngoại, chưa ai từng chê trách anh cách đối nhân xử thế. Đúng là chị có tật nhiều lời dù không ít lần anh bức xúc đề nghị “nói ít thôi”...
Tỉnh dậy trong bệnh viện, anh thảng thốt khi người đang túc trực bên cạnh chính là chị. Đỡ chồng ngồi dậy, chị thốt lên: “Anh cố ăn bát cháo cho nhanh lại sức. Tôi đã nhắc rồi, anh huyết áp không ổn định, men gan lại cao, phải cai hẳn thuốc lá, rượu cũng nên uống hạn chế và ăn uống, nghỉ ngơi phải điều độ mà anh cứ thờ ơ bỏ ngoài tai...”. Đang thao thao bất tuyệt chị bỗng khựng lại, có lẽ bởi kịp nhận ra mình lại... nhiều lời. Còn anh, thay vì nhăn mặt khó chịu như trước đây, anh cảm kích vô cùng trước sự quan tâm, lo lắng của vợ.
Theo Hoàng Oanh