Đăng bởi Marry Doe - 29/05/2012 | Lượt xem: 4434
Bạn vẫn nghe đâu đó về việc kết hôn do… bác sĩ chỉ định, rồi những cuộc kết hôn chóng vánh, thần tốc, hôn nhân do sắp đặt, bị ép buộc… Nhưng đối với một cuộc hôn nhân theo nghĩa thông thường, để không hối tiếc, để sẵn sàng đi vào bước ngoặt lớn trong cuộc đời, hãy chắc chắn rằng bạn có thể trả lời: “Có” cho những câu hỏi sau:
Bạn có thực sự cưới vì yêu?
Tình yêu ngày càng mong manh giữa cuộc sống khó khăn, phức tạp chính vì thế mà nó càng đáng quý. Bạn có nhớ một câu hát: “Còn tình yêu ấy, lỗi lầm sẽ qua”. Cuộc sống khi kết hôn có thể không như bạn mong đợi, có thể có những biến cố không lường được sau đám cưới. Nhưng nếu có tình yêu, còn tình yêu, những đôi lứa dù bị tổn thương, dù bị chia cắt vì lý do nào đó vẫn sẽ tìm về bên nhau. Có rất nhiều hình dung khác nhau về bi kịch gia đình nhưng có lẽ không gì chua xót bằng một gia đình không có tình yêu. Thiếu đi nền tảng cơ bản đó, mọi giá trị đều dễ lung lay hơn.
Có tình yêu, còn tình yêu, những đôi lứa dù bị chia cắt vẫn sẽ tìm về bên nhau
Bạn có sẵn sàng về mặt sức khỏe?
Không có nghĩa nếu bạn có khiếm khuyết điều gì đó về sức khỏe, thể chất thì bạn không nên kết hôn. Điều quan trọng là hai bạn cần chân thành chia sẻ cùng nhau những vấn đề mà người Việt Nam đôi khi coi là tế nhị này. Chia sẻ để biết cách thích ứng. Ví dụ như những vấn đề liên quan đến cấu tạo cơ thể, cơ địa. Chia sẻ để không đặt người mình yêu quý vào sự trói buộc nặng nề như bạn không may mắc những chứng bệnh liên quan đến di truyền, nan y… Nếu bất kể những hạn chế về sức khỏe, cô ấy (anh ấy) vẫn chọn bạn thì hãy biết cách trân trọng tình cảm của người ta hơn.
Bạn có sẵn sàng về mặt sức khỏe để kết hôn?
Bạn có hiểu về gia đình của người ấy?
Một người luôn thuộc về một gia đình nào đó với rất nhiều ảnh hưởng từ gia đình. Bạn có thể không ở chung, không phụ thuộc hoặc chọn một mối liên hệ lỏng lẻo với các thành viên trong gia đình người ấy nhưng bạn sẽ không thể gạt bỏ tất cả những ảnh hưởng đến bạn đời của bạn. Tính gia trưởng, độc đoán, sự cộc cằn, thô lỗ… mà rất nhiều bà vợ than vãn ở bạn đời của mình thực ra đều có thể nhìn thấy được từ trước thông qua các mối quan hệ, ứng xử trong gia đình của họ. Cũng như các chàng trai thường truyền cho nhau kinh nghiệm rằng, để đoán vợ mình mai kia thế nào thì hãy nhìn vào mẹ vợ… Chưa kể đến những yếu tố liên quan đến di truyền. Hồi yêu nhau K và H luôn cảm thấy rằng họ sinh ra là của nhau và việc kết hôn cũng thuận lợi với sự đồng ý của cả hai bên. Nhưng quãng thời gian mang thai những tháng đầu với H là những chuỗi ngày vô cùng căng thẳng vì trong nhà của K có tới hai người anh em mắc bệnh down. Chỉ đến khi đứa con đầu lòng được siêu âm chẩn đoán và sau đó sinh ra khỏe mạnh, bình thường niềm vui, sự thanh thản mới về lại ngôi nhà của họ.
Một người luôn thuộc về một gia đình nào đó với rất nhiều ảnh hưởng từ gia đình
Bạn có sẵn sàng về mặt tài chính không?
Thời của túp lều tranh và trái tim vàng với nhiều người đã hết từ lâu nhưng không phải ai cũng tôn thờ chủ nghĩa vật chất như người đẹp nào đó tuyên bố: “không có tiền thì cạp đất mà ăn à”. Cuộc sống hậu kết hôn thường bày ra nhiều thực tế khá phũ phàng mà điển hình nhất là việc hai con người trước nay chỉ dành cho nhau những lời yêu thương, có cánh thì nay rất dễ xoay quanh chuyện tiền nong. Một sự chuẩn bị nhất định, tương đối về tài chính, công việc, định hướng làm ăn luôn là nền tảng vô cùng cần thiết cho một cuộc hôn nhân bền vững.
Một sự chuẩn bị nhất định, tương đối về tài chính, là nền tảng vô cùng cần thiết cho hai người sau khi kết hôn
Bạn có lên kế hoạch về chuyện con cái?
Đây là câu hỏi rất, rất quan trọng. Hãy để việc đón nhận một đứa trẻ là niềm chung của cả hai và chắc chắn rằng hai bạn có khả năng mang đến cho con mình sự chăm sóc chu đáo cả về vật chất và tinh thần.
Hãy để việc đón nhận một đứa trẻ là niềm chung của cả hai
Bạn có xác định cho mình những giá trị không thể vi phạm?
Những rủi ro, bất hạnh khi kết hôn luôn thường trực, chỉ có người vượt qua được, người chịu đựng được và người buông tay. Người ta thường nói đến khủng hoảng trong 5 năm đầu hôn nhân. Và quả thật đó là những năm tháng đầy thách thức. Bạn có thể tự đặt cho mình những nguyên tắc, những giá trị mà bạn cho là cơ bản nhất, rằng, bạn sẽ chấp nhận những hạn chế khác của người kia nhưng đừng có đụng đến “bộ quy tắc” của bạn. Với người này là lòng chung thủy, ngoại tình một lần là đường ai nấy đi. Người khác thì cho ngoại tình không phải điều kinh khủng nhất, miễn là “mắt không thấy, tai không nghe, tim không đau” và miễn là vẫn phải tôn trọng, yêu thương vợ con. Lại có những chàng trai không phàn nàn nếu vợ không đẹp như người khác, nấu ăn không ngon nhưng sẵn sàng ly hôn nếu cô ấy dám hỗn láo với mẹ chồng…. Đừng biến mình trở thành tín đồ của những nguyên tắc nhưng hãy thật chắc chắn, cân nhắc để xây dựng cho mình các giá trị bất khả xâm phạm. Để khi đứng trước những quyết định lớn lao, bạn sẽ biết nên chọn cách nào.
Chân Như