Thanh toán

Bàn thờ gia tiên ngày cưới 3 miền có gì khác nhau?

Đăng bởi Marry Doe - 11/07/2017   |   Lượt xem: 5767

Người Việt Nam xưa nay luôn chú trọng lễ nghi truyền thống. Theo đó, việc chuẩn bị bàn thờ gia tiên ngày cưới không thể sơ sài, cẩu thả. Mỗi vùng miền có phong tục khác nhau nhưng nhìn chung con cháu đều cần phải lau dọn sạch sẽ, chuẩn bị lễ vật, hoa quả trang trí.

Các nghi lễ cưới hỏi ngày nay được giản lược khá nhiều nhưng làm lễ trước bàn thờ gia tiên ngày cưới là không thể thiếu. Đây là nghi lễ để cô dâu chú rể xin được ông bà chứng giám hôn sự, thể hiện sự kính trọng ông bà, cội nguồn. Việc trang trí bàn thờ gia tiên còn tùy theo điều kiện từng nhà, nhưng tuyệt đối không được sơ suất. Nhìn chung trong ngày làm lễ cưới không thể thiếu những việc sau:
  • Lau dọn bàn thờ gia tiên ngày cưới, chuẩn bị thêm rượu, thay nước trên bàn thờ, thắp đèn và đốt nhang mời tổ tiên về chứng giám
  • Chuẩn bị trầu cau, hoa quả, tiền vàng để trên các đĩa và mâm bồng
  • Hoa tươi: Nên chuẩn bị loại hoa tươi trang trí như hoa hồng, cúc đại đóa, lay ơn…
bàn thờ gia tiên ngày cưới Trên bàn thờ thường chưng hoa tươi màu đỏ, cặp long phụng

Trang trí bàn thờ gia tiên có gì khác giữa 3 miền?

Bàn thờ gia tiên miền Bắc

Tại miền Bắc, bàn thờ cho lễ gia tiên cũng là bàn thờ chính của gia đình. Phải cắm hoa tươi trên bàn thờ, một mâm ngũ quả hoặc trưng hẳn một cặp long phụng. Ngoài ra thường phải có một đĩa xôi gấc đỏ và một con gà luộc mổ moi. Khi nhà trai rước được cô dâu về nhà sẽ được mang về thêm mâm lại quả (là một phần mâm quả của tráp xin dâu và không có trầu cau, rượu).
bàn thờ gia tiên ngày cưới Đàng trai sau khi rước được dâu về sẽ mang thêm một phần lại quả về bàn thờ nhà trai

Bàn thờ gia tiên ở miền Trung

Lễ cưới hỏi của gia đình miền Trung thường đơn giản, không cầu kỳ. Bàn thờ gia tiên ngày cưới được chuẩn bị chu đáo, mâm quả cưới có đủ trầu cau, trà rượu và bánh phu thê. Đàng trai nếu khá giả sẽ có thêm bánh kem, bánh dẻo chứ không cúng heo quay.

Bàn thờ gia tiên ngày cưới miền Nam

Tại miền Nam, lễ cưới hỏi thường được tổ chức linh đình hơn, yếu tố thẩm mỹ lẫn lễ nghi đều được đặt lên trên. Khác với miền Bắc, các gia đình miền Nam sẽ lập một bàn thờ giả ngay tại phòng khách lớn nhất. Bàn thờ gia tiên ngày cưới được treo phông đỏ, trang trí chữ hỉ, cặp lư đồng, đôi câu đối, bình hoa và có thể có thêm cặp mâm hoa quả hình long phụng sống động. Trên bàn thờ có thể có hình ảnh ông bà hoặc để trống. Đặc biệt trên bàn thờ gia tiên ở miền Nam, đôi đèn cầy lớn chạm khắc hình long phụng là vật phẩm không thể thiếu. Cặp đèn cầy này sẽ do nhà trai chuẩn bị. Gia đình nhà gái cần chuẩn bị sẵn hai chân đèn cùng kích cỡ. Lễ này gọi là lễ lên đèn. Người miền Nam quan niệm, ngọn lửa tượng trưng cho hạnh phúc của đôi trẻ cũng sẽ ấm áp bền chặt.
Bàn thờ gia tiên ngày cưới ở miền Nam thường được trang trí cầu kì Bàn thờ gia tiên ngày cưới ở miền Nam thường được trang trí cầu kì
Lễ gia tiên luôn là giá trị văn hóa truyền thống không thể thiếu trong đám cưới của người Việt. Trang trí bàn thờ gia tiên ngày cưới chu toàn là tấm lòng kính trọng tổ tiên, nguồn cội của con cháu. Tùy theo phong tục từng miền mà hai gia đình nên thống nhất các vật phẩm trang trí đám cưới cần thiết từ trước để lễ cưới diễn ra hoàn hảo nhất.

Bình luận

Viết Đánh Giá

Chưa có bình luận nào