Đăng bởi - 07/06/2018 | Lượt xem: 930
Theo dòng lịch sử, bánh cưới không phải lúc nào cũng tuyệt đẹp, ngọt ngào và sáng tạo như ngày nay.
Chiếc bánh cưới là phần quan trọng trong mỗi tiệc cưới (Ảnh minh họa)
Kết hôn là sự kiện trọng đại, đánh dấu sự phát triển của văn minh loài người. Trong suốt chiều dài lịch sử, chiếc bánh cưới luôn đóng vai trò trọng đại trong lễ kết hôn. Tuy nhiên, nếu bánh cưới ngày nay luôn được đặt ở vị trí trung tâm của tiệc chung vui, lộng lẫy và bắt mắt thì chiếc bánh dùng trong đám cưới trong các thời đại cũ có thể sẽ khiến bạn bất ngờ về nguyên liệu cũng như sự tối giản.
Bánh cưới thời La Mã cổ đại (
Ảnh minh họa: Shuttershock)
Loại bánh cưới ra đời sớm nhất được ghi nhận là từ thời La Mã cổ đại. Những chiếc bánh làm từ lúa mì hoặc lúa mạch và muối sẽ được đổ ụp lên cô dâu sau lễ cưới (rất may, hành động có phần thô bạo nào đã không còn ở thời điểm hiện tại). Nghi thức dành riêng cho cô dâu nhưng nhằm mục đích chúc phúc cho cuộc hôn nhân. Sau đó, cặp đôi mới cưới sẽ cùng nhau ăn các mảnh vụn bánh, trong khi quan khách tụ tập xung quanh, thu thập vụn bánh vương trên mặt đất. Truyền thống chia sẻ bánh cưới với khách ngày nay cũng bắt nguồn từ hành vi này của người La Mã.
Bánh cho cô dâu thời Trung Cổ (
Ảnh minh họa: Shuttershock)
Trong thời kì Trung Cổ, có một vài loại bánh được sử dụng cho lễ cưới. Đầu tiên là loại bánh dành riêng cho cô dâu. Chiếc bánh mặn được lấp đầy bằng hàu, lá lách bê, thịt cừu hoặc bất cứ thứ gì loại thịt nào tùy thuộc vào sự giàu có của gia đình. Chỉ những phụ nữ chưa chồng (các cô dâu tương lai) được ăn chiếc bánh này bởi trong bánh có giấu một chiếc nhẫn. Người phụ nữ tìm thấy chiếc nhẫn cho bánh sẽ được cho là cô dâu tiếp theo. Ý nghĩa hành động này rất giống với nghi thức tung bó hoa trong đám cưới ngày nay.
Một loại bánh khác, dành cho cả cô dâu và chú rể. Đây là loại bánh mặn hình tròn và nhỏ được xếp chồng chất lên nhau, càng cao càng tốt. Cặp đôi mới cưới sẽ phải tìm cách hôn lên đỉnh của chồng bánh. Nếu nụ hôn thành công (khi không làm đổ tháp bánh), cuộc hôn nhân của họ sẽ dài lâu và thịnh vượng.
Bánh cưới trái cây bắt đầu được sử dụng từ thế kỷ 17 (
Ảnh minh họa: Shuttershock)
Trong thế kỷ 17, chiếc bánh mặn cho cô dâu được thay thế bằng loại bánh trái cây ngọt ngào khá gần với lựa chọn truyền thống hiện nay. Chỉ một lát bánh nhỏ được ăn để biểu thị sự may mắn, phần bánh còn lại cũng được cô dâu ném qua đầu (tương tự thời La Mã). Đến cuối thế kỷ 17, những chiếc bánh cưới đã bắt đầu được phủ kem đường trắng (icing).
Bánh cưới hình tháp bắt đầu ra đời từ thế kỷ 18 (Ảnh minh họa: littlebearcakery.com)
Có tin đồn, bánh cưới bắt đầu có hình tháp bánh nhiều tầng đẹp mắt lần đầu tiên được tạo ra bằng tình yêu của một người thợ làm bánh ở London vào thế kỷ 18. Người học viên này có tình cảm với con gái ông chủ, và muốn gây ấn tượng với cô bằng một chiếc bánh cưới hình tháp tuyệt đẹp, lấy cảm hứng từ ngọn tháp tầng gần đó mang tên St. Bride's Church.
Royal Icing lần đầu được sử dụng để làm nên chiếc bánh cưới của nữ hoàng Anh Victoria năm 1840 (
Ảnh minh họa: Shuttershock)
Mặc dù bánh phủ kem đường đã bắt đầu có mặt từ cuối thế kỷ 17, nhưng loại kem đường có kết cấu dày và ngọt thường dùng ngày nay mang tên gọi Royal Icing mới được sử dụng lần đầu cho bánh cưới của Nữ hoàng Anh Victoria và Hoàng thân Albert vào năm 1840. Kem được làm từ lòng trắng và đường nên rất dẻo, khiến các hình trang trí giữ được hình dáng lâu bền và tuyệt đối sắc nét. Đám cưới hoàng gia cũng đã góp phần đặt tên cho loại kem đường này (Royal nghĩa là Hoàng gia).
Bánh tháp su kem ngọt ngào được người Pháp ưa chuộng trong lễ cưới (Ảnh minh họa: Shuttershock)
Trong khi người Anh tạo ra bánh cưới hình tháp, bánh cưới phủ kem đường thì người Pháp lại ăn mừng đám cưới bằng loại bánh xếp tầng đơn giản nhưng đẹp mắt gọi là Croquembouches. Thợ làm bánh từ Marie Antoine Carême, lấy cảm hứng từ tháp bánh mặn thời trung cổ đã dùng bánh choux (su kem) xếp thành tháp bánh hình nón, bao xung quanh là sợi kẹo đường để tạo nên chiếc bánh cưới của người Pháp. Loại bánh đơn giản nhưng không kém phần ngọt ngào, bắt mắt này rất phổ biến trong thế kỷ 20.
Bánh cưới có hình cô dâu chú rể xuất hiện vào khoảng năm 1940 (Ảnh minh họa: Shuttershock)
Bánh cưới có hình ảnh cô dâu chú rể trên đỉnh bánh xuất hiện đầu tiên vào những năm 1940. Hình ảnh mang ý nghĩa chúc hạnh phúc trường tồn cho cô dâu chủ rể. Nhưng khi đó, các topper này chủ yếu dùng các chất liệu không ăn được.
Theo thời gian, bánh cưới đã trở nên đẹp mắt, sử dụng nhiều loại nguyên liệu ( Ảnh minh họa: Shuttershock)
Vào những năm 1950, khi đường và các nguyên liệu làm bánh khác trở nên dồi dào, những chiếc bánh cưới bắt đầu được chăm chút tỉ mỉ hơn, cho phép tạo nên chiếc bánh cưới ngoạn mục và phức tạp. Các tượng trang trí đã được sử dụng nguyên liệu ăn được. Những hương vị mới mẻ như chocolate, vani, chanh, thậm chí cà rốt cũng có thể dùng làm bánh cưới.
Đến ngày nay, những chiếc bánh cưới đã trở thành phần không thể thiếu trong mỗi đám cưới. Các cặp đôi thời hiện đại cũng có nhiều yêu cầu hơn, đòi hỏi sự sáng tạo hơn cho những người làm bánh. Chiếc bánh cưới đẹp mắt thể hiện cá tính của đôi uyên ương. Và hành động cùng nhau cắt bánh cưới biểu hiện mong muốn gắn bó bền lâu suốt đời của lứa đôi.
Tham khảo: The Daily Meal, Gastronomica, Telegraph...
K.H (Vntinnhanh.vn)