Trong các đám cưới ở Châu Âu, hình ảnh chiếc bánh cưới cũng có ý nghĩa hệt như ly rượu giao bôi của Trung Quốc, là sự biểu tượng cho gắn kết ngọt ngào của đôi uyên ương bền vững. Hình ảnh cô dâu chú rể cầm tay nhau cắt bánh cưới chính là ngụ ý về lời hứa sẽ luôn sát cánh bên nhau vượt qua những sóng gió của cuộc đời.
Bánh cưới ở Vương quốc Anh: Fruitcake
Người Anh có niềm yêu thích và sự tôn trọng đặc biệt dành cho loại bánh fruitcake này. Dù trong thời đại mới với nhiều du nhập hay cách tân đổi mới như hiện nay, hầu hết những người Anh vẫn chọn gìn giữ truyền thống làm bánh cưới từ fruitcake. Họ coi đây là một trong những quy cách và nghi lễ mang trong mình giá trị truyền thống lâu bền đáng được tôn trọng của Hoàng gia Anh. Ngay trong đám cưới thế kỷ năm 2011 của Hoàng tử William, bạn cũng có thể bắt gặp được hình ảnh chiếc bánh cưới sa hoa có cốt bánh làm từ fruitcake chiếm vị trí trang trọng nhất trên bàn tiệc thế kỷ này!
Vẫn giữ nguyên cốt bánh với các loại quả khô như nho, anh đào, mứt vỏ cam, vv… xen lẫn cùng các loại hạt khô mang hương vị mà ai cũng yêu thích như hạnh nhân, hazelnut, walnut, pecan, vv…, nhưng không đơn giản như loại bánh Fruitcake Giáng sinh, loại bánh Fruitcake dùng trong lễ cưới còn có một lớp bột hạnh nhân bên ngoài và được bao phủ bằng lớp fondant trắng mịn, tinh tế và mượt mà. Với người dân nước Anh, Fruitcake mang theo lời cầu chúc một gia đình thịnh vượng sum vầy, sinh con như ý. Sự tinh tế trong hương vị chua chua ngọt ngọt của trái cây sẽ giúp món bánh không bị ngán, lại thêm vị rượu nhẹ nhàng thanh tao khiến fruitcake trở thành chiếc bánh cưới thống trị bàn tiệc nước Anh từ thế kỷ này sang thế kỷ khác.
Bánh cưới tại Pháp: Croquembouche
Là đất nước xinh đẹp của những nét kiến trúc Âu cổ lộng lẫy và xa hoa như cung điện Versailles, những tầng váy thêu ren quý phái mang đậm nét nữ tính mà tinh tế của các công nương Bourbon, nhưng chiếc bánh cưới truyền thống của Pháp lại mang nét đẹp ấm cúng và giản dị đến bất ngờ.
Croquembouche – tên gọi của những chiếc bánh, à không, hãy gọi chúng là tháp bánh cưới đặc biệt tại Pháp này, không phải là chiếc bánh kem với cốt bánh bông lan thường thấy, cũng không kem phủ, không fondant mỹ miều; Croquembouche chỉ có hàng chục chiếc cream puff (bánh su kem) nhỏ xinh được xếp chồng lên nhau và được phủ một lớp caramel óng ả. Nói thì nghe có vẻ đơn giản, nhưng thực tế để có thể xếp chồng hàng chục chiếc bánh su kem lên nhau theo hình dáng tháp Eiffel – niềm tự hào của nước Pháp, mà vẫn đảm bảo những chiếc bánh không bị vỡ hay bị đè bẹp như vậy yêu cầu người thợ làm bánh phải có sự tính toán tỉ mỉ và những kỹ năng khéo léo tuyệt vời từ khâu nướng bánh cho đến sắp xếp và trang trí. Đem theo hương vị mềm mại và tinh tế của nghệ thuật ẩm thực bánh ngọt Pháp, cùng với ý nghĩa cầu chúc cho một cuộc hôn nhân ấm áp và hạnh phúc ngập tràn, Croquembouche đã, đang và chắc chắn vẫn sẽ khẳng định được vị trí quan trọng của mình trong tiệc cưới ở xứ sở lãng mạn này.
Bánh cưới Thụy Sĩ:
Tuy được mệnh danh là xứ sở chocolate, nhưng đất nước Thụy Sĩ xinh đẹp lại không sử dụng thứ nguyên liệu “vàng đen” được cả thế giới yêu thích cho chiếc bánh cưới truyền thống của mình, mà thay vào đó là chiếc bánh cưới có tên gọi vô cùng đáng yêu – Prinsesstårta (bánh công chúa).
Tiền thân, Prinsesstårta vốn không phải loại bánh dùng trong ngày cưới mà là món tráng miệng chỉ phục vụ cho các công nương hoàng gia. Theo lịch sử ghi chép lại, bánh lần đầu tiên xuất hiện vào khoảng những năm 1920, do bà Jenny Åkerström – gia sư của ba công chúa hoàng gia Thụy sĩ là Margaretha, Märtha và Astrid (con của Hoàng tử Carl – công tước vùng Västergötland) chế tác.
Vào năm 1948, công thức cho loại bánh này lần đầu tiên được xuất bản trong cuốn
Prinsessornas Kokbok (Sách nấu ăn của các công nương), dưới cái tên
grön tårta (green cake – Bánh xanh). Điều này lý giải cho việc tại sao vỏ loại bánh này thường mang màu xanh dịu dàng và trang nhã. Tuy nhiên sau này, nó đã được đặt thêm cái tên
prinsesstårta hay còn gọi là Bánh công chúa, bởi vì ba nàng công chúa học trò của Jenny Åkerström cực kỳ yêu thích loại bánh này.
Gắn liền với những công nương xinh đẹp, sang trọng cùng lối sống hoàng gia trang nhã, Prinsesstarta là một trong những chiếc bánh có ngoại hình thơ mộng nhất, với lớp vỏ ngoài hạnh nhân marzipan mang màu xanh bạc hà hay hồng phấn rất dịu dàng.
Qua thời gian, để đáp ứng lại niềm yêu thích của các cô gái, Prinsesstarta ngày càng được cải tiến hơn cả về hình dáng, màu sắc cũng như mùi vị và chính thức được đưa lên bàn tiệc cưới của người dân Thụy Sĩ. Chiếc bánh dường như món quà dành tặng riêng cho các cô dâu trong ngày lễ quan trọng nhất của người con gái, với hàm ý “Em chính là nàng công chúa trong ngày hôm nay”. Và chắc hẳn, sẽ khó có ai nỡ từ chối một chiếc bánh ngọt ngào trong gam màu pastel xanh, hồng, trắng… vô cùng nữ tính, với cốt bánh cầu kỳ nhiều tầng bông lan mềm xen lẫn mứt trái cây tùy sở thích và tầng whipping cream thơm ngậy trên cùng. Có thể nói, cùng với cô dâu, Prinsesstårta cũng sẽ là một nàng công chúa nhỏ có khả năng thu hút tất cả khách mời trong tiệc cưới.
Bánh cưới của người Na Uy: Kransekage
Cũng giống người láng giềng Pháp của mình, chiếc bánh cưới của truyền thống Kransekage của người Na Uy không phải là một ổ bánh gato phủ kem như thông thường, mà là một tác phẩm nghệ thuật được “xây lên” từ nhiều vòng bánh nhỏ. Điều đặc biệt của loại bánh này là chúng hoàn toàn không được sử dụng tinh bột mà chỉ sử dụng hạnh nhân, đường, lòng trắng trứng đánh đều và được nướng theo khuôn hình vòng. Mỗi vòng bánh tròn vàng ươm của Kransekage dễ khiến người ta liên tưởng tới chiếc nhẫn cưới truyền thống vốn tượng trưng cho vật gắn kết của đôi uyên ương, nên Kransekage đã trở thành loại bánh người dân Na Uy ưu ái đặt trên bàn tiệc vào ngày vui của cuộc đời. Ngoài ra, với ý nghĩa tốt đẹp và giá trị đậm chất truyền thống của nó, Kransekage còn được xuất hiện rộng rãi ở mọi ngày lễ quan trọng khác của người Na Uy như Giáng sinh và Năm mới.
Kransekage truyền thống có độ cân bằng rất vừa phải giữa hương vị và kết cấu: vị ngọt dịu vừa phải, một chút béo nhưng không để ngậy, không quá cứng hay quá mềm nhưng lại đủ dẻo dai để xếp chồng lên nhau từ to tới bé thành một hình tháp và “trưng bày” trong suốt tiệc cưới. Nhằm giúp cố định hình dáng tháp, người Na Uy thường đặt vào chính giữa vòng tháp bánh một ly rượu sâm panh, vừa mang ý nghĩa chúc mừng lễ cưới và chúc phúc cô dâu chú rể, vừa bảo đảm hình dáng đẹp đẽ của tháp bánh tinh tế này. Đôi khi ly rượu champane này cũng được thay thế bằng một nhành hoa thân dài để tăng tính thẩm mỹ cho ổ bánh.
Bánh cưới truyền thống Ý:
Xứng đáng với cái tên tuyệt đẹp của mình, Millefoglie (“a thousand layers” – Bánh ngàn lớp) cũng mang cho mình vẻ ngoài óng ả vàng rụm đầy ngon mắt. Được du nhập vào từ nước Pháp với tên gọi
Millefeuille – Nghìn chiếc lá, nhưng chiếc bánh này đã chiếm được sự yêu mến của những người dân xứ Italy và được ưu ái lựa chọn để đặt lên bàn tiệc cưới hàng thế kỷ nay, trở thành một trong những loại bánh cưới truyền thống của người dân nước Ý.
Phần bánh được làm từ kem trứng (pastry cream hay custard cream), kem tươi, mứt và puff pastry (bột ngàn lớp). Để tăng thêm phần thẩm mỹ và hương vị bánh, người ta sẽ trang trí thêm giữa các lớp bánh giòn rụm vàng ươm bằng các loại hoa quả tươi (chủ yếu là berries) và rắc bột đường để tạo thêm sự tinh tế. So với bản biến tấu của người Mỹ với cái tên bánh Napoleon, vị của Millefoglie thường ngọt nhẹ hơn và có thêm lớp whipping cream trên cùng. Tuy nhiên, nếu cô dâu là người yêu thích lớp fondant mượt mà bao phủ, loại bánh này cũng hoàn toàn có thể đáp ứng được yêu cầu đó mà không làm mất đi vẻ tinh tế và độ ngon miệng của mình.
Vậy còn chiếc bánh cưới truyền thống ở Việt Nam thì sao?
Là một nước Châu Á, đám cưới ở Việt Nam thật ra vốn không có những chiếc bánh cưới gato phủ kem nhiều tầng, hay những chiếc bánh cupcake nhỏ xinh được bày trên giá vừa đáng yêu vừa sang trọng. Bánh cưới truyền thống của Việt Nam là những chiếc bánh nhỏ xinh đặt trong những tráp cưới với tên gọi cũng dịu dàng như bánh Phu thê (hay còn gọi là bánh xu xê) hoặc bánh hồng.
Trong cuộc sống hiện đại đầy bận rộn và bộn bề cuộc sống này, con người ta thường có xu hướng thích những cái nhanh, gọn, nhẹ và yêu thích mới mẻ. Tuy nhiên, trong ngày trọng đại của mình, hãy ngừng lại nhịp sống tất bật đó một chút, bước chậm lại và thưởng thức sự chậm rãi mà trang trọng của những truyền thống đã tồn tại và truyền lại từ lâu đời, hãy lắng nghe lời cầu chúc thiêng liêng mà cả dân tộc đã kết tinh và nhắn gửi qua những thức quà truyền thống. Sự tồn tại bền bỉ của những loại bánh cưới truyền thống riêng của mỗi nước cũng như vậy, đều hàm chứa ý nghĩa tinh tế của tình yêu và cầu chúc cho một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Hãy nhớ rằng bánh cưới không chỉ có tác dụng làm đẹp trên bàn tiệc mà còn mang ý nghĩa về tinh thần cho ngày hạnh phúc đánh dấu mốc quan trọng cho một đời người.
Sưu tầm/lecuoiviet/pixabay.com