Nhà tâm lý học người Mỹ John Gray cho rằng: “Sai lầm lớn nhất của nhiều người là chúng ta tưởng rằng để có sự hòa hợp, hai vợ chồng phải giống nhau. Chúng ta quên mất một điều cơ bản là, vợ chồng không phải hai người bạn cùng giới mà là hai người khác giới - người đàn ông và người đàn bà. Hai người đó không bao giờ giống nhau cả. Chừng nào chúng ta nắm được đặc điểm tâm lý khác nhau của mỗi giới mới có thể hy vọng tìm thấy sự hòa hợp lứa đôi.”
Biết chấp nhận để cùng chung sống
Bởi vì hai người luôn suy nghĩ và hành động khác nhau, họ có những thói quen và sở thích khác nhau. Mong muốn người này giống người kia để hòa hợp nhau là ảo tưởng. Tốt hơn hết hãy xem họ khác nhau như thế nào để sống chung với sự khác nhau đó. Nghĩa là biết chấp nhận để hòa hợp với nhau.
Các nhà tâm lý học hiện đại cho rằng có hai cấp độ của sự hòa hợp. Cấp độ thứ nhất là sự hòa hợp tương đồng. Trong cấp độ này, vợ chồng có nhiều cái giống nhau. Nhưng phần lớn là người vợ phải tự cải biến mình đi cho giống với chồng. Vì thế kiểu hòa hợp này thường chỉ thịnh hành trong quá khứ, khi mà đàn ông đóng vai trò gia trưởng và người vợ cùng với các con phải răm rắp nghe theo sự chỉ huy của chồng. Ngày nay khó có thể tìm thấy những phụ nữ như vậy, khi họ cũng có vai trò xã hội như chồng, thậm chí hơn chồng. Họ đòi hỏi được chồng yêu thương và tôn trọng; coi họ như "người bạn" chứ không phải như một "đứa con".
Cấp độ hòa hợp thứ hai, cao hơn, là sự hòa hợp tương phản. Đó là sự hòa hợp của hai con người khác nhau, thậm chí đối lập nhau, họ tìm thấy ở nhau cái mà mình không có. Chính vì vậy họ gắn bó với nhau suốt cả cuộc đời. Ngày nay khoa học không tin có sự hòa hợp vì những nguyên nhân thần bí như "hợp tuổi" do đẻ năm nào, "cầm tinh" con gì? Những điều đó thiếu cơ sở khoa học và không có tính thuyết phục. Tuy nhiên, người ta cho rằng có những "kiểu" đàn ông và đàn bà khác nhau. Không phải bất cứ người đàn ông nào cũng hòa hợp được với bất cứ người phụ nữ nào. Do môi trường giáo dục khác nhau, do thể chất, do gien di truyền và hàng nghìn lý do khác nữa, hình thành những "kiểu người" khác nhau.
Nhiều khi chỉ vì không hiểu đặc điểm tâm lý của nhau mà gây cho nhau những thương tổn không đáng có. Đàn ông luôn cho rằng mình đúng, nguyên điều đó đã là một sự xúc phạm, vì người phụ nữ cảm thấy mình bị chồng coi thường. Trái lại khi người phụ nữ yêu một người đàn ông, họ thường tự cho mình có trách nhiệm giúp đỡ anh ta trong việc trưởng thành để sao cho anh ta làm mọi việc tốt hơn. Họ thường lập ra một "ủy ban cải tạo'' ở nhà và dĩ nhiên người chồng trở thành mục tiêu chính. Họ nghĩ rằng, họ đang chăm nom, săn sóc chồng, trong khi người đàn ông lại cảm thấy mình bị điều khiển như đứa trẻ con. Và để tỏ rõ bản lĩnh đàn ông, họ làm ngược lại những "chỉ bảo" của vợ. Thực ra, đàn ông không thích sự điểu khiển đó, họ chỉ muốn được vợ chấp nhận.
Ngay cả cách thức yêu thương của đàn ông và đàn bà cũng không giống nhau. Cho nên vợ chồng phải biết yêu thương theo cách mà người kia cần chứ không phải theo cách mà mình muốn. Đàn ông nói chung mong muốn một tình yêu mà trong đó người phụ nữ tin tưởng, chấp nhận và đánh giá cao về họ. Còn trong tiềm thức, phụ nữ lại cần một kiểu tình yêu mà trong đó họ được quan tâm.
Bí quyết “cơm sôi nhỏ lửa” luôn hiệu quả trong mọi trường hợp
Ngay cả những cặp đôi yêu thương nhau, hòa hợp nhau nhất cũng có những lúc gặp phải xích mích, cãi vã, có khi chỉ vì những điều rất vụn vặt. Đó là lý do vì sao tất cả chúng ta cần khắc cốt ghi tâm những điều sau đây.
Đừng bao giờ “nhai” lại chuyện cũ:
Khi gặp vấn đề, hãy thảo luận, giải quyết và cùng nhau vượt qua nó. Việc để bụng những chuyện đã qua rồi lâu lâu đem chuyện cũ ra để chỉ trích, xỉa xói nhau chắc chắn sẽ gây ra một cuộc khẩu chiến khác, thậm chí là còn dữ dội hơn nữa.
Đừng mong người bạn đời sẽ làm đúng theo cách của bạn:
Nói cho cùng mỗi người chúng ta đều là một cá nhân với suy nghĩ khác biệt và cách hành động cũng không thể nào giống nhau. Ví dụ như bạn thích xếp quần áo vuông thành sắc cạnh, phân chia theo màu, theo loại trước khi cất vào trong tủ… nhưng chắc chắn một điều là bạn không thể bắt ông xã mình làm theo y chang như vậy được. Chỉ có 2 giải pháp hòa bình trong trường hợp này: một là bạn tự làm hết, hai là hãy để anh ấy làm theo cách của mình và bạn cần phải chấp nhận điều đó.
Đừng đi ngủ khi giận dữ:
Chắc chắn bạn đã từng nghe không ít người khuyên rằng hãy giải quyết tranh cãi, xích mích với bạn đời xong xuôi trước khi lên giường đi ngủ. Tuy nhiên đôi lúc buổi đêm lại là khoảng thời gian tốt nhất để bạn suy nghĩ, chiêm nghiệm.
Vì thế nếu cãi nhau mệt mỏi và quá tức giận, bạn hãy đi ngủ đi, đợi đến sáng mai bình tĩnh và thoải mái thì hãy xử lý xích mích đó. Đi ngủ khi giận dữ hay không, việc này hoàn toàn tùy thuộc vào bạn.
Đừng chỉ mặt đặt tên:
Một khi lời nói đã thốt ra, bạn sẽ không bao giờ rút lại được. Trong bất cứ mọi cuộc cãi vã, điều cấm kị nhất chính là gọi đối phương bằng những từ ngữ khó nghe hay phủ đầu họ với những suy nghĩ áp đặt phiến diện của bạn. Điều này có thể giúp bạn thỏa mãn cái miệng và cái tôi nhưng thực chất sẽ gây nên những tổn thương nghiêm trong cho người bạn đời cũng như cho cuộc hôn nhân của bạn.
Hãy có những thú vui khác ngoài mối quan hệ của bạn:
Dĩ nhiên bạn không thể nào đòi hỏi đối phương phải yêu thích hay thấy hứng thú với những điều bạn thích được và ngược lại.
Theo đuổi những sở thích riêng cũng là một cách giúp cho mối quan hệ của bạn thêm sự hấp dẫn và thoải mái.
Hãy nói xin lỗi:
Chẳng ai muốn nhận mình sai cả nhưng sự thật là bạn không phải lúc nào cũng là người đúng. Khi bạn biết mình có lỗi, hãy thừa nhận và xin lỗi đối phương.
Hãy nói lời xin lỗi thật lòng, đúng lúc, và nên nhớ là một khi đã xin lỗi thì bạn cần cố gắng tránh tái phạm lại những điều mình đã làm thêm lần nào nữa nhé!
st