Đăng bởi Marry Doe - 01/02/2018 | Lượt xem: 35026
“Thiếu trước quên sau” hay bỏ qua những chi tiết quan trọng là điều dễ xảy ra với các cặp đôi nếu không lên kế hoạch đám cưới kỹ lưỡng từ trước. Vậy nên bạn nhớ đừng bỏ qua 7 gạch đầu dòng cơ bản này trong bản kế hoạch của mình nhé!
Việc lên kế hoạch đám cưới không chỉ giúp cô dâu chú rể dễ dàng thực hiện những việc cần chuẩn bị trước đám cưới theo đúng trình tự mà còn giúp quản lý số lượng công việc khổng lồ, việc nào đã hoàn thành, việc nào còn dang dở.
Lên danh sách những việc cần làm
Lập một danh sách những việc cần chuẩn bị. Việc này có thể mất thời gian ban đầu nhưng lại giúp bạn có cái nhìn tổng thể về toàn bộ quá trình chuẩn bị cưới.
Danh sách này nên làm trên Excel, có các cột ghi rõ tên từng việc, thời gian bắt đầu, thời gian kết thúc, việc nào cô dâu chuẩn bị, việc nào chú rể lo, việc nào nhờ người nhà đảm nhiệm (nên ghi rõ tên người thực hiện), việc nào đã làm xong, chi phí dự kiến và các ghi chú cụ thể…
Sau khi kiểm tra thật kỹ, hãy in một bản và dán ở nơi mỗi người nhìn thấy hàng ngày để có thể thường xuyên kiểm tra và cập nhật những việc đã thực hiện.
Lên danh sách khách mời
Ngay sau khi quyết định ngày thành hôn, hai bên gia đình cần ngay lập tức
lên danh sách khách mời của mỗi bên. Trao đổi và thống nhất về việc tổ chức tiệc cưới riêng hay chung để xác định số lượng bàn tiệc cần thiết và tìm địa điểm tổ chức tiệc phù hợp.
Theo kinh nghiệm chuẩn bị cưới của nhiều cặp đôi, số khách dự đám cưới chỉ vào khoảng 80% số khách được mời. Vì vậy, hãy tính số bàn đặt thực tế bằng 80% số khách dự định mời và thêm một vài bàn dự phòng.
Lên ngân sách cưới
- Nếu có khả năng tài chính hoặc đã tiết kiệm từ trước, đó là một thuận lợi lớn
- Cặp đôi có thể dùng tiền lương hàng tháng để mua sắm, chuẩn bị cho tới ngày cưới
- Thứ tự ưu tiên ngân sách: Những việc buộc phải làm → những đồ thiết yếu → những món đồ trang trí khác
- Trao đổi thẳng thắn với gia đình, bạn bè thân thiết để huy động tài chính
- Có thể vay, mượn, hoặc dùng thẻ tín dụng
- Tránh vung tay quá trán
Chuẩn bị sức khỏe
- Khám sức khỏe tiền hôn nhân là một việc nên làm.
- Chú ý tiêm phòng các loại bệnh, chuẩn bị sức khỏe cho việc sinh con như: Tiêm phòng cúm, Rubela, viêm gan B, tẩy giun…
- Cô dâu cần chú ý tới nhan sắc của mình. Nên lựa chọn một dịch vụ spa chăm sóc da mặt và toàn thân trong vòng hai tháng trước ngày cưới.
Chuẩn bị cho ngày cưới
- Tìm hiểu trước các nghi lễ cưới truyền thống như lễ dạm ngõ, ăn hỏi, thành hôn, vu quy trên các phương tiện truyền thông để hiểu về các nghi thức cần có cho một đám cưới.
- Trao đổi và hỏi ý kiến bố mẹ hai bên về những nghi lễ phù hợp với địa phương và phong tục của gia đình.
Vạch ra một số nguyên tắc sống chung
Yêu là một chuyện, kết hôn lại là chuyện khác. Vì vậy, hãy ngồi lại nói chuyện và thống nhất với nhau về một số nguyên tắc sống chung trước khi cưới.
Các nguyên tắc sống chung xoay quanh những vấn đề như:
- Bạn muốn quản lý tài chính của gia đình như thế nào?
- Bạn muốn sinh con ngay hay sẽ kế hoạch một thời gian?
- Bạn muốn chồng/vợ mình chia sẻ những việc gì trong gia đình?
- Việc thăm hỏi, chăm sóc gia đình chồng/vợ sẽ như thế nào?
- Mục tiêu của gia đình bạn trong 5, 10 năm tới?
- ...
Thẳng thắn và cởi mở khi thảo luận những vấn đề này, nếu không các đôi sẽ còn phải tranh luận về nó rất nhiều lần sau đám cưới.
Tuần trăng mật
Đừng trì hoãn việc đi nghỉ tuần trăng mật vì bất kỳ lý do gì. Hãy đón chào cuộc sống mới bằng một kỳ nghỉ thư giãn thực sự để cân bằng lại mọi thứ sau thời gian dài mệt mỏi chuẩn bị đám cưới.
Dù đi trăng mật ở đâu, hãy chăm sóc lẫn nhau và tận hưởng những ngày thực sự chỉ có hai bạn. Cuối chuyến đi, đừng quên mua những đặc sản địa phương hoặc những món quà nho nhỏ làm quà cho bạn bè, gia đình hai bên.
Lên kế hoạch đám cưới không hề dễ dàng, đặc biệt là với những đám cưới cần chuẩn bị trong thời gian ngắn. Dù thế nào bạn cũng nhớ có
kế hoạch cưới chi tiết để ngày vui được trọn vẹn, suôn sẻ nhé.
Bài: Mèo Hoang