Mới đây, trên trang facebook cá nhân của mình, chị Hằng, quê ở thành phố Vinh, Nghệ An, lấy chồng ở Quảng Nam, cách nhà hơn 700km đã có bài tâm sự về cuộc sống hôn nhân xa gia đình của mình.
Chia sẻ “lấy chồng xa” của Hằng nhận được nhiều đồng cảm, trở thành mối quan tâm của cộng đồng mạng với gần 30.000 lượt thích, 20.000 lượt chia sẻ và con số này vẫn không ngừng tăng lên.
Cô gái đến từ Nghệ An tâm sự rằng, ngày trước, khi quyết định lấy chồng, mẹ cô đã nhắn nhủ rằng: “Lấy chồng xa sau này vất vả thì đừng kêu ai nhá!”
Nhưng cô gái trẻ ngày ấy nghĩ đơn giản lắm, chỉ là hơn 700km, 10 tiếng ô tô chứ mấy, nghĩ hạnh phúc là phải lấy người mình yêu.
Hằng nói rằng cô đã quá “ảo tưởng sức mạnh”, nghĩ bỏ tất cả gia đình, bạn bè, thậm chí công việc nhiều người mơ không được, đi theo tiếng gọi của con tim, sẽ được tung hô thán phục, chồng mình sẽ vì thế mà yêu thương, trân trọng mình hơn.
Quả thật suy nghĩ ấy của cô gái trẻ không phải không có cơ sở, bởi người ta thường nói rằng, lấy chồng là phải lấy người mà mình yêu. Tình yêu có một sức mạnh kỳ lạ khiến người ta quên hết thực tại nghiệt ngã như thế nào.
Chỉ cần lấy được người mình yêu, dường như đó đã là điều hạnh phúc nhất. Huống hồ bây giờ, với sự phát triển của phương tiện giao thông, muốn về thăm nhà thì chỉ cần có tiền là được, mấy trăm cây số chứ cả nghìn cây số cũng có là gì?
Bởi vậy, bỏ mặc lời khuyên can của cha mẹ, bỏ mặc cả những mối quan hệ thân tình, Hằng theo chồng đến một bến thuyền xa.
Nhưng đời không là mơ, khi ngày về nhà chồng, đoàn đưa dâu của nhà gái trở về. Cô dâu mới bẽn lẽn đứng tựa cửa vẫy tay chào mọi người.
Lúc bấy giờ, lần đầu tiên sau hơn hai mươi năm trời, con gái mới thấm thía thế nào là cô đơn lạc lõng, kể cả khi đã có người chồng thương yêu đứng ở cạnh bên.
Mặc dù vẫn được chồng yêu thương, đối xử tốt nhưng Hằng tâm sự cô không tránh khỏi những lúc cảm thấy tủi thân, nhớ nhà.
Chuyện lấy chồng xa nhà dường như chẳng phải là chuyện gì hiếm. Và phía sau đám cưới là những lần bưng mặt khóc thầm. Bởi khi kết hôn rồi, người ta đâu còn dệt mộng tưởng màu hồng. Người ta sống với nhau rất đời, rất thật. Cuộc sống hôn nhân cũng quẩn quanh tới lui chuyện cơm áo gạo tiền.
Hằng tâm sự: “Không nghe lời người lớn, nhất là bố mẹ mình là một sai lầm, mà cái sai lầm này phải trả bằng rất nhiều nước mắt.
Cái hào hứng của cuộc sống hôn nhân mới bắt đầu không lâu đã vội tắt ngóm. À thì ra sống ở một thành phố xa lạ chẳng phải điều dễ dàng gì. Không anh em, họ hàng thân thích, không bạn bè, không tất cả.
Hoá ra mấy câu sến sẩm kiểu: “Em chỉ cần anh thôi, được ở bên anh em thấy hạnh phúc rồi” hay “Cuộc sống của em chỉ có anh là đủ”… đều là sách vở cả.
Bỏ việc để rồi thất nghiệp, suốt ngày quẩn quanh trong bốn bức tường nhà đợi chồng về. Nói vui nhưng xót hết cả lòng: “Nếu dỗi chồng thì chỉ có chơi một mình”.
Không biết chồng có chán không chứ bản thân mình thì chán tới tận cổ, chán đến phát rồ người và Tấm biến thành Cám lúc nào chả hay nữa.
Có những lúc nhớ nhà, nhớ bạn bè, muốn được tụ tập đi đâu đó hay đơn giản là muốn có người nói chuyện đến quay quắt. Có những lúc, ngồi hàng giờ trong nhà chỉ nhìn ra ngoài đường, nước mắt rơi chẳng kìm lại được. Đấy là còn được chồng chiều. Chứ không chắc bỏ đi hết để làm lại từ đầu quá. Ai hiểu? Ai thấu?
Hôm nào được chồng rủ đi ăn với anh em bạn bè thì mừng như chết đuối vớ phải cọc vì lý do đơn giản là được mặc đẹp, được trang điểm nhẹ nhàng, được thấy mình “sống”.
Rồi cũng tới ngày mang thai, bao cơn ốm nghén lại hành hạ. Người ta nói lấy chồng gần thì bà ngoại còn qua lại chăm nom các kiểu, còn lấy chồng xa thì xác định chịu cực một mình. Có xót xa không cơ chứ? Bây giờ có hối hận cũng trễ quá rồi…”
Và đỉnh điểm của nỗi buồn tủi khi sống xa gia đình chính là những lúc đau ốm mà chồng không có nhà, người vợ lại thui thủi một mình, sốt đùng đùng vẫn phải làm hết mọi việc như chưa ốm.
“Lúc ốm là lúc yếu đuối nhất nhưng một giọt nước mắt cũng không để rơi vì nếu không mạnh mẽ thì yếu đuối diễn ai xem? Ai hay, ai biết, ai xót, ai thương?” – Cô gái đến từ Nghệ An tâm sự.
Nỗi lòng chung của những người con gái lấy chồng xa nhà
Có những số phận làm dâu nơi xa xứ, ngoài việc tự thương thân, tự trách mình ngày xưa nông nổi, thì không thể làm gì khác nữa.
Mà con gái đau lòng một, thì cha mẹ phải đau tới mười. Khi mà khoảng cách quá xa khiến cho những lần gặp mặt thăm hỏi nhau trở nên thưa thớt, và khi mà có những cay đắng tủi hờn cũng không dám phân bua.
Mặc dù vẫn được chồng yêu thương, đối xử tốt nhưng không tránh khỏi những lúc nỗi tủi thân lên cao đến mức đỉnh điểm
Lấy chồng gần thì coi như cha mẹ còn con, lấy chồng xa thì coi như mất con (Ảnh minh họa)
Đôi khi cuộc sống vợ chồng “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”, trong đầu chị Hằng lại có suy nghĩ:
“Nhiều lúc tức bảo mẹ: “Hay con bỏ về ở với mẹ thôi”. Mẹ lại thở dài: “Chúng mày bây giờ sống hiện đại quá, cứ thích là kêu bỏ, sống vì mình nhiều quá. Chả nghĩ cho con cái, bố mẹ.
Cái tôi của đứa nào cũng lớn chả nhường nhau bao giờ. Cãi nhau dăm ba câu cũng kêu bỏ, cứ coi cưới xin như trò đùa”.
Rồi mẹ lại khuyên: “Vợ chồng lấy nhau về, sống được với nhau mới khó chứ bỏ thì đơn giản, ký đơn là xong. Chúng mày còn trẻ thì khổ gì đâu, chỉ bố mẹ già là khổ thôi. Gì gì thì gia đình có êm ấm cũng là do phụ nữ vun vén mà ra, mình nhịn đi một tí”.
Và cuối cùng, cô gái đến từ Nghệ An quả quyết rằng, đúng là muôn đời “cá không ăn muối cá ươn”. Cho dù thời thế có đổi thay nhường nào, điều kiện vật chất dư dả ra sao đi chăng nữa, thì việc lấy chồng gần hay xa cũng nên lựa chọn cho kỹ càng thấu đáo. Bởi đâu phải bỗng dưng mà người ta thường khuyên can con gái không nên đi lấy chồng xa.
st