Đăng bởi Marry Doe - 08/06/2018 | Lượt xem: 206279
Lễ ăn hỏi là một nghi thức trong phong tục hôn nhân truyền thống của người Việt. Đây là một nét đẹp trong văn hóa cưới hỏi mà cô dâu chú rể không thể bỏ qua trong ngày trọng đại.
Lễ ăn hỏi vốn là nghi lễ quan trọng và được duy trì từ ngàn xưa đến ngày nay. Cô dâu hãy cùng Marry tìm hiểu về các bước lễ nghi truyền thống trong đám hỏi để chủ động trong khâu chuẩn bị cũng như đảm bảo cho ngày trọng đại diễn ra thật suôn sẻ nhé.
Lễ ăn hỏi là gì?
Lễ hỏi hay còn gọi là lễ hỏi vợ chính là thời điểm nhà trai đem lễ vật sang nhà gái để xin kết duyên cho đôi uyên ương. Sau khi lễ thành, hai bên gia đình sẽ cùng nhau thống nhất ngày lành tháng tốt để tổ chức đám cưới cho cô dâu chú rể.
Nghi lễ này chính là sự thông báo chính thức về việc hứa gả giữa hai họ, là giai đoạn quan trọng trong quan hệ hôn nhân: cô gái trở thành "vợ sắp cưới" của chàng trai, và chàng trai sau khi mang lễ vật đến nhà gái là đã chính thức xin được nhận làm rể của nhà gái và tập gọi bố mẹ xưng con.
Thành phần tham gia lễ ăn hỏi
Trong thủ tục đám hỏi của người Việt, nhà trai mang lễ vật tới và nhà gái nhận lễ ăn hỏi có nghĩa là đã chính danh công nhận sự gả con gái cho nhà trai. Kể từ ngày ăn hỏi, đôi trai gái có thể coi là vợ chồng chưa cưới, chỉ còn chờ ngày tổ chức hôn lễ để công bố với hai họ. Dưới đây là một số điều cơ bản về đám hỏi (chủ yếu dựa trên tục lệ cưới xin miền Bắc):
Lễ hỏi bên nhà trai
Thành phần tham gia bên nhà trai sẽ là ông bà, bố mẹ, chú rể, các thành viên trong gia đình, bạn bè và các bạn nam độc thân bưng mâm quả. Số lượng các
bạn phụ bưng tráp bên chú rể nên là số lẻ như 3, 5, 7, 9 hoặc 11.
Lễ hỏi bên nhà gái
Thành phần tham gia bên nhà gái sẽ là ông bà, bố mẹ, cô dâu, các thành viên trong gia đình và một số bạn nữ để đón
tráp ăn hỏi. Cũng tương tự như bên chú rể, số lượng nữ đón lễ vật cũng phải tuân theo số lẻ và nên tương ứng với số nam bưng tráp.
Thủ tục lễ ăn hỏi truyền thống
Lễ ăn hỏi gồm những gì?
- Trầu cau: Lễ vật đầu tiên và quan trọng nhất. Trong truyền thống cưới hỏi của người Việt, quả cau cùng lá trầu xanh là biểu tượng cho tình yêu sắt son mặn nồng của đôi uyên ương.
- Rượu và thuốc lá: Lễ này tượng trưng cho lòng hiếu thảo, thành kính của cô dâu chú rể đối với ông bà, tổ tiên.
- Hoa quả tươi: Sự ngọt ngào từ lễ vật này như lời chúc phúc cho đôi uyên ương hạnh phúc và con cháu đầy đàn.
- Bánh hỏi: Thường đi đôi với nhau như bánh cốm – bánh phu thê hoặc bánh chưng – bánh giầy. Cặp bánh này được ví như âm dương ngũ hành nhằm thể hiện sự sắt son của cô dâu xứng cùng sự mạnh mẽ của chú rể.
- Trà và mứt sen: Trà là biểu tượng cho lòng kính trọng, hiếu thảo của con cái với tổ tiên. Mứt sen tượng trưng cho cho con cái, chính là kết tinh tình yêu của lứa đôi.
Trình tự lễ ăn hỏi
Đến giờ lành làm lễ, nhà trai tiến dần vào nhà gái theo thứ tự ông bà, cha mẹ, chú rể, đội bưng quả cùng các thành viên trong gia đình. Lúc này, nhà gái sẽ cử đại diện ra chào đón nhà trai. Sau đó, đội nam bưng quả sẽ trao lễ vật cho nhà gái.
Khi màn trao quả kết thúc, bên chú rể sẽ được mời vào dùng nước và giới thiệu thành viên hai bên. Đại diện nhà trai sẽ trình bày lý do của lễ hỏi và giới thiệu lễ vật. Nhà gái nói lời cảm ơn và nhận lễ. Sau đó, mẹ chú rể sẽ mở tráp trước sự chứng kiến của hai họ.
Khi các bước trên hoàn tất cũng là lúc cô dâu xuất hiện dưới sự cho phép của hai bên gia đình. Nàng dâu sẽ được mẹ hay chú rể dắt ra để ra mắt, chào hỏi các thành viên hai họ. Sau đó, chú rể sẽ rót trà để đôi uyên ương mời chủ hôn cùng đại diện nhà gái.
Sau khi mời trà, mẹ cô dâu sẽ chọn một số lễ vật quan trọng và
lễ nạp tài hay còn gọi là lễ đen để dâng lên bàn thờ tổ tiên. Tiếp theo, cô dâu chú rể sẽ khấn vái, thể hiện sự thành kính trước bàn thờ để tổ tiên chứng giám cho sự kết duyên này. Sau đó, hai họ ngồi cùng nhau để thống nhất ngày lành tháng tốt cho đám cưới.
Cuối cùng, nhà gái sẽ trả lễ cho nhà trai. Lễ nên được chia đều cho hai bên và phải được chia hoàn toàn bằng tay, tránh dùng dao kéo. Mâm quả khi trả lễ phải để ngửa nắp.
Nghi thức lễ hỏi ngày nay đổi khác, sau lễ này đôi trai gái thường gặp nhau luôn. Từ lễ ăn hỏi đến lễ cưới, xưa kia có khi hàng hai ba năm, nhưng ngày nay thời gian đó thường được rút ngắn, có khi chỉ vài ba ngày hoặc diễn ra vào 2 ngày liên tiếp hay trong cùng 1 ngày.
Khi các thủ tục ăn hỏi hoàn tất, đôi bên trai gái chờ lễ cưới là xong. Tuy nhiên, theo tục xưa, một số nhà gái đã nhận ăn lễ hỏi của nhà trai cũng không cho cử hành lễ nghênh hôn sớm. Lý giải cho điều này là do cô gái còn quá nhỏ tuổi hay cha mẹ thương con vì không muốn con sớm phải về nhà chồng.
Để
đám cưới diễn ra suôn sẻ và đẹp lòng hai bên gia đình, đám hỏi là một nghi lễ không thể thiếu và cần được thực hiện một cách trang trọng, chỉn chu. Vốn được xem là nét đẹp trong văn hoa cưới hỏi của người Việt, cô dâu chú rể nên dành nhiều thời gian để chuẩn bị thật chu đáo cho lễ ăn hỏi nhé.