Đăng bởi Marry Doe - 02/04/2017 | Lượt xem: 1558
Ông bà ta có câu “Giàu vì bạn, sang vì vợ” thật chẳng sai chút nào. Nếu may mắn lấy được người vợ biết kính trên nhường dưới, tôn trọng bố mẹ chồng, họ hàng nhà chồng thì chẳng phải người chồng sẽ được mở mày mở mặt, tự hào lắm sao?
Còn đối với người vợ,
đối xử tốt với gia đình, họ hàng nhà chồng, không những được tiếng tốt, mọi người yêu quý, mà còn được chồng yêu thương, nể phục hơn bội phần. Vậy nàng dâu mới nên đối đãi với người nhà chồng như thế nào cho phải phép?
1. Hiếu thảo với bố mẹ chồng
Tiêu chuẩn đầu tiên để đánh giá nàng dâu thảo chính là hiếu thảo với bố mẹ chồng. Nếu vì hoàn cảnh riêng mà bạn không có cơ hội, điều kiện để chăm sóc cha mẹ thì bạn hãy nhớ gọi điện hỏi thăm sức khỏe của cha mẹ cả hai bên những lúc trái gió trở trời và gửi thuốc thang đầy đủ mỗi khi các cụ đau ốm.
Trong những ngày đặc biệt như giỗ chạp, các nàng dâu thảo đừng để bố mẹ chồng hay chồng phải nhắc nhở mà hãy tự mình ghi nhớ và chuẩn bị đồ đạc cúng ông bà đầy đủ nhé. Những dịp lễ, Tết là thời điểm thích hợp để thể hiện lòng hiếu thảo, biết ơn với đấng sinh thành, dưỡng dục. Chính vì vậy các nàng dâu cần lưu ý lên kế hoạch sắm sửa quà Tết chu tất cho cả hai bên nội, ngoại. Chỉ một chút lưu ý nhỏ nhưng tinh tế thôi cũng đủ khiến họ hàng nhà chồng ai cũng đều quý mến nàng dâu khéo léo, chu đáo.
2. Kính trên nhường dưới
Việt Nam là một nước có truyền thống từ lâu đời, vậy nên các tiêu chuẩn về lễ giáo như kính trên nhường dưới, hiếu thuận với cha mẹ, anh chị em trong gia đình được đánh giá rất cao. Đặc biệt với những người mới “làm dâu” thì điều này lại càng được mọi người quan tâm, để ý, xét nét hơn. Những biểu hiện trong cách đối nhân xử thế của người được chọn về làm dâu với dòng tộc nhà chồng không chỉ là chuẩn mực để đánh giá phẩm chất, con người của nàng dâu mà còn là tiêu chí để đánh giá cả cách dạy dỗ, giáo dục của bố mẹ chồng, chồng, anh chị em trong nhà chồng... Chính vì vậy, dù làm dâu ở xa, có sự khác biệt về phong tục tập quán, sống trong một gia đình đông đúc, có nhiều mối quan hệ… nhưng cách đối nhân xử thế vẫn phải tuân theo các chuẩn mực đạo đức chung của xã hội như kính trọng những người có tuổi tác, vai vế trong gia đình, họ hàng. Luôn quan tâm, giúp đỡ nhường nhịn những người có tuổi tác hoặc vai vế thấp trong nhà.
Một điều cần lưu ý là dâu mới về nhà luôn luôn phải vui vẻ, tươi cười, khi có người vào nhà là phải chào hỏi lễ phép, kể cả gặp người lạ đặc biệt khi sống trong môi trường, lề thói ở quê.
3. Biết quan tâm giúp đỡ mọi người
Ông cha ta có câu “yêu nhau yêu cả đường đi, ghét nhau ghét cả tông chi họ hàng…”. Khi người ta yêu nhau, người ta có thể sẵn sàng tha thứ, chấp nhận và hy sinh cho nhau nhiều thứ. Điều này có ý nhắc nhở người phụ nữ khi lấy chồng cần toàn tâm toàn ý với chồng, gia đình nhà chồng, họ hàng bên chồng. Vì vậy một điều cần lưu ý với những nàng dâu là nên quan tâm tới mọi việc trong gia đình, việc lớn đến việc nhỏ trên tinh thần ‘người một nhà’. Nếu ai có chuyện gì cần giúp đỡ thì hãy luôn sẵn lòng.
Cần đặc biệt tránh thói kênh kiệu, hay coi thường người khác chỉ vì những thứ vật chất bình thường. Ngược lại hãy sống thật giản dị, chân thành, giúp đỡ mọi người bằng tình thương và trách nhiệm chứ không phải để “làm hàng”, để cho có. Nếu làm được như vậy, không những bạn được đánh giá là một nàng dâu thảo trong gia đình, họ hàng mà ngay cả với chồng con, hàng xóm cũng nể phục, yêu quý bạn ở cái nết ăn, ở.
Hãy đối xử với mọi người bằng tấm lòng nhân hậu, chân thành, thái độ ứng xử khéo léo để tạo nên một không gian hòa hợp, ấm cúng, hạnh phúc với đại gia đình bạn nhé. Hãy để chồng bạn luôn cảm thấy tự hào vì cưới được một người vợ hiền, một nàng dâu thảo.
_st_