Hầu hết các cô dâu khi chuẩn bị về nhà chồng đều được khuyên nhủ nên cố gắng thỏa hiệp cùng bạn đời, tránh mâu thuẫn hết sức có thể để hôn nhân lúc nào cũng yên ổn và lâu dài.
Nhiều người còn cho rằng
cuộc sống vợ chồng được hạnh phúc tất cả là nhờ sự thỏa hiệp kỳ diệu này. Thế nhưng phái mạnh có thật sự nghĩ như vậy? Hay trước giờ vẫn là đúc kết một phía từ phụ nữ?
Một cuộc khảo sát trên diện rộng cho thấy, ở ngưỡng tuổi trung niên, quý ông đã không ngại chia sẻ rằng họ hoàn toàn không mong muốn một cuộc hôn nhân quá phẳng lặng. Có lẽ chính sự thỏa hiệp từ vợ hay chồng đã dẫn đến hệ quả không mấy yêu thích này của phái mạnh.
Và đặc biệt họ luôn tìm cách tránh né những cuộc trao đổi mang tính thỏa hiệp với vợ của mình. Vậy thỏa hiệp liệu có sai?
Thỏa hiệp trong hôn nhân là gì?
Theo định nghĩa, thỏa hiệp mang ý nghĩa về một cuộc đàm phán kết thúc khi cả hai bên đều không muốn tiếp tục tranh luận. Điều này cũng đồng nghĩa với sự nhượng bộ trong gượng ép. Đâu đó, bạn sẽ nhận ra cách này không phù hợp với tính cách của đàn ông.
Họ khó lòng từ bỏ những gì quan trọng với bản thân bởi lòng tự ái, tính sĩ diện, cái tôi lớn lao. Trái lại, phụ nữ lại có thiên hướng từ bỏ nhiều hơn để cải thiện mối quan hệ tình cảm. Chính từ những nhẫn nhịn, bỏ qua được “bồi đắp” ngày qua ngày này đã dẫn đến những oán giận không tên chỉ chờ cơ hội bùng nổ.
Mặt trái của sự thỏa hiệp
Rõ ràng, khi thỏa hiệp, bạn và bạn đời chỉ vô tình khỏa lấp vấn đề bằng mục tiêu cao cả khác, chứ hoàn toàn không nghĩ đến việc tìm cách giải quyết dứt điểm nó. Mâu thuẫn cứ thế chất chồng, cảm thấy thiếu bằng lòng về nhau nhưng bị che giấu nơi đáy sâu con người bạn cứ thế được “nuôi lớn” và để lại “mầm bệnh” ngày một nhân rộng và phát tán.
Tuy nhiên, tìm cách giải quyết làm sao khi cả hai chưa tìm được tiếng nói chung? Xử lý dứt điểm thế nào khi đôi bên không hòa hợp và đồng cảm tiếng lòng?
Để cuộc sống vợ chồng thực sự hạnh phúc
Trao đổi cùng nhau trong hôn nhân là cả một nghệ thuật bạn cần tôi luyện chứ không thể có được trong một sớm một chiều. Và, đừng quên tình yêu được giữ lửa là khi cả hai được sống thật với chính mình, chứ không phải tìm cách gồng mình che giấu những điều bức bối.
Trước khi tìm cách cùng nhau giải quyết, bạn đã thực sự biết tôn trọng đối phương trong cuộc sống hôn nhân, nhất là mỗi khi cãi vã, mâu thuẫn? Bắt đầu bằng cách liệt kê ra ít nhất 5-7 điểm đặc trưng của đối phương, chẳng hạn anh ấy chân thành, nồng nhiệt… còn bạn thì nhạy cảm, nóng nảy…
Đặt hai mảnh so sánh này cạnh nhau, bạn sẽ tìm được điểm chung thú vị giữa mình và bạn đời. Những điểm khác nhau sẽ cho thấy nguy cơ tiềm ẩn mỗi khi vợ chồng mâu thuẫn. Tiếp theo, cùng anh ấy liệt kê ra điểm đặc trưng của mối quan hệ mà cả hai đã và đang nuôi dưỡng.
Khi tất cả những điều này được “khai phá”, soi xét cả hai sẽ dễ dàng hơn trong chuyện trao đổi. Và đừng bỏ qua những bí kíp sau đây:
1. Gạt bỏ cái tôi cá nhân
Điều này đồng nghĩa bạn và bạn đời cần dành thời gian để nhìn nhận đâu là những điều hiện diện trong cuộc sống của mỗi người nhưng lại không tốt cho cả hai. Bắt đầu từ những việc nhỏ nhất để cả hai cảm thấy dễ chịu khi trao đổi và thay đổi nếu cần.
Nếu anh chàng có vẻ ngán ngại vấn đề này, không sao cả, thử bắt đầu với những gì ở bạn hiện anh ấy chưa hài lòng. Chỉ khi hiểu rằng bạn đã sẵn sàng thay đổi để giúp mối quan hệ của cả hai tốt hơn, anh ấy sẽ bắt nhịp tốt thôi.
2. Chia sẻ chân thành
“Nếu làm theo cách của anh/em…”, thử bắt đầu bằng câu nói này khi chia sẻ về chuyện tình cảm của cả hai. Một trong hai, nếu ai cảm thấy bản thân đang có nhu cầu tha thiết được bày tỏ hơn cả, nên để người đó giãi bày trước.
Đây chính là “thần chú” giúp mọi người có thể diễn giải những điều sâu thẳm từ trái tim một cách dễ dàng nhất. Chỉ khi nói chuyện bằng cả trái tim chân thành và nồng nhiệt, không chỉ bạn mà cả người ấy sẽ cảm nhận rõ rệt hơn về vấn đề đang tồn đọng, cũng như bỏ qua những chi tiết nhỏ nhặt vô nghĩa.
Nếu bản thân cảm thấy ngốc nghếch hay hơi nhói lòng khi bày tỏ với nhau, đúng rồi, bạn đang đi đúng hướng, tiếp tục nhé!
3. Kiên nhẫn lắng nghe nhau
Đừng dùng thái độ chỉ nghe cho có, nghe cho xong trong mỗi cuộc nói chuyện giữa hai người. Bởi không thể nghe qua loa và mong muốn mọi chuyện được giải quyết êm thấm. Điều này thể hiện rằng bạn là người không muốn hợp tác, không muốn cải thiện hố sâu đang tồn tại.
Tập trung từng lời từng chữ anh ấy đang chia sẻ, vì đó là những chia sẻ từ con tim của anh ấy. Có thể bạn sẽ cảm thấy vui thích và thầm nhủ: “Ôi lẽ ra mình nên biết điều này sớm hơn”; hoặc thậm chí khám phá được biết bao hiểu lầm về mình mà anh ấy đang cất giữ.
“Anh nói rõ hơn về chuyện đó được không?”, một câu hỏi khích lệ tuyệt vời để nửa kia không còn cảm thấy ngại ngần và bày tỏ hết những trăn trở đang tồn tại trong suốt khoảng thời gian dài vừa qua.
4. Hãy bộc bạch thật lòng
Sau tất cả, những giãi bày, những tâm sự khó nói ấy, đừng ngại hỏi anh ấy: “Anh mong muốn gì sau những chia sẻ cùng em?”. Một lần nữa, tập trung lắng nghe, đừng sao lãng, đừng lơ là, đừng qua loa. Để anh ấy thoải mái, và rồi sẽ đến lúc bạn chia sẻ lại và cũng mong muốn anh ấy có thái độ tương tự?
Nếu cuộc hội thoại bỗng nhiên trở nên căng thẳng, một trong hai bắt đầu tranh luận, cần bình tĩnh để điều chỉnh lại lời nói và tâm trạng, bởi cả hai đang đi sai mục đích của cuộc nói chuyện.
5. Dành thời gian để chọn giải pháp tốt nhất
Khi cả hai đã chia sẻ cùng nhau, phản ứng chung thường sẽ là: “Cách của em/anh tốt hơn”. Thậm chí bạn và anh ấy còn nghĩ ra những phương án giải quyết tốt hơn nữa để tạo cảm giác thoải mái nhất cho đối phương. Đừng nôn nóng nếu cần thời gian để suy nghĩ thêm.
Nhiều cặp cần 1-2 ngày, có khi 3-4 ngày, thậm chí nhiều hơn để thấm nhuần, suy nghĩ lại mọi chuyện. Điều này cũng dễ hiểu bởi đâu có dễ dàng để chấp nhận những điều mà đối phương đã suy nghĩ chưa đúng về mình bấy lâu nay.
Làm sao để biết cả hai đã tìm được giải pháp tuyệt vời? Đó là khi sau tất cả chỉ còn đọng lại những ngọt ngào và yêu thương, chứ không phải cảm giác bứt rứt khi phải từ bỏ, thỏa hiệp trong gượng ép.
Bài: Minh Vy