Thanh toán

Cách hỏi thăm mẹ chồng tương lai ở xa khéo léo nhất

Đăng bởi Marry Doe - 05/09/2022   |   Lượt xem: 92721

Marry xin chia sẻ cùng các nàng cách hỏi thăm mẹ chồng tương lai ở xa khéo léo nhất để mối quan hệ giữa đôi bên được khăng khít và đầy thấu hiểu.

Bàn tới chủ đề đối thoại với mẹ chồng, có lẽ chẳng nàng dâu nào là không e dè. Cuộc trò chuyện sẽ càng khó triển khai hơn khi bạn chưa chính thức là thành viên của gia đình chồng và mẹ chồng lại ở xa. Biết nói gì đây khi bạn không có chủ đề nào đáng giá để gợi ra, cũng chưa đủ hiểu tâm tính mẹ người ta để đáp lời cho duyên dáng? Nếu bạn đang bối rối trong hoàn cảnh ấy, Marry xin được chia sẻ phần nào bằng 4 cách hỏi thăm mẹ chồng tương lai ở xa khéo léo nhất sau đây:

1. Coi mẹ chồng tương lai như mẹ mình

Coi mẹ chồng như mẹ mình thoạt nghe có vẻ sáo rỗng, tuy nhiên đó là tiền đề tốt nhất để bạn có được cuộc trò chuyện tự nhiên và chân thành. Hôm nay mẹ chồng tương lai vẫn là người xa lạ, nhưng chẳng bao lâu nữa bà sẽ trở thành mẹ thứ hai của bạn. Vậy nên càng sớm càng tốt, bạn nên học cách coi bà như người thân trong nhà. Từ đây, bạn sẽ dễ dàng biết cách hỏi thăm mẹ chồng tương lai khéo léo không cần gắng gượng.

cách hỏi thăm mẹ chồng tương lai khéo léo nhất Cách hỏi thăm mẹ chồng tương lai khéo léo nhất bắt nguồn từ tình cảm chân thành, giống như người thân đích thực đối xử với nhau
Bạn có thường gọi điện cho mẹ mình không? Hay mỗi khi bà gọi cho bạn, hai mẹ con sẽ nói chuyện như thế nào? Chắc rằng đi đầu sẽ là lời hỏi han về sức khỏe và tình hình công việc, sau nữa là đôi lời nhắn nhủ để thể hiện sự quan tâm. Những cặp mẹ con thân thiết thậm chí có thể coi nhau như đôi bạn thân, chẳng ngại ngùng chia sẻ một vài nỗi lo tủn mủn trong cuộc sống. Vậy tại sao bạn không đối thoại với mẹ chồng tương lai theo cách tương tự? Thử một lần gọi điện cho bà mà không nhân dịp lễ đặc biệt nào cả và bắt đầu như sau: "Cô/bác ơi, dạo này cả nhà mình vẫn khỏe chứ ạ? Con/cháu nghe nói ở đó thời tiết đang bất ổn nên muốn hỏi thăm tình hình...", bạn sẽ thấy ngay sự khác biệt.

2. Nói về chủ đề đôi bên cùng quan tâm

Chưa phải là dâu trong nhà người, bạn khó lòng có được nhiều mối quan tâm chung với mẹ chồng tương lai. Thế nhưng một cô gái khôn khéo sẽ không bị động trong hoàn cảnh này. Có thể bạn và mẹ chồng tương lai rất khác nhau, tuy nhiên hai người chắc chắn có một điểm chung - đó là con trai của bà. Khi chưa đủ thấu hiểu, bạn có thể bắt đầu câu chuyện thông qua "nhân vật thứ 3" ấy. Cách thức đơn giản như sau: "Cô/bác ơi, gần đây con/cháu thấy anh ấy (người yêu bạn) ăn uống không ngon miệng, bị sụt cân. Con/cháu không biết có phải do bệnh tiêu hóa không nên phải hỏi cô/bác ạ". Ngoài ra, bạn cũng nên "giả vờ" như chưa hiểu hết về bạn trai mình và phải hỏi mẹ chồng tương lai để biết thêm chi tiết. Nếu bạn may mắn được mẹ chồng tương lai nhắn hỏi trước về con trai bà, đừng bỏ lỡ cơ hội này. Đây là chủ đề có thể trao đổi bất tận và từ đó, bạn sẽ bắt thêm được những thông tin về mối quan tâm khác của mẹ chồng tương lai.

3. Nói về chủ đề mà mẹ chồng tương lai là "chuyên gia"

Khi đã nắm được phần nào những thế mạnh mà mẹ chồng tương lai sở hữu, bạn nên "tấn công" ngay vào điểm này. Có thể bà là người rất giỏi chuyện bếp núc và giữ gìn các tục lệ truyền thống; Có thể bà là người am hiểu nghệ thuật thêu thùa, thế giới động và thực vật; Có thể bà là một nữ doanh nhân sắc sảo hoặc một bác sĩ tận tụy... Tùy vào từng trường hợp, bạn có thể gợi ra những câu hỏi khác nhau.

cách hỏi thăm mẹ chồng tương lai khéo léo nhất 2 Một cách hỏi thăm mẹ chồng tương lai khôn khéo khác là nói về những chủ đề hai người cùng quan tâm và yêu thích
Cách hỏi thăm mẹ chồng tương lai bằng thái độ khiêm cung, học hỏi và cầu thị như vậy luôn được đánh giá cao. Khi bà chia sẻ kinh nghiệm, bạn nên im lặng lắng nghe và tiếp thu nghiêm túc. Đừng chỉ hỏi để "làm màu", trước con mắt dày dặn của người trưởng thành như bà, bạn chắc chắn sẽ bị "lật tẩy".

4. Chia sẻ những thông tin hữu ích cho mẹ chồng tương lai

Để đáp lại những kiến thức đáng quý mà mẹ chồng tương lai cung cấp, bạn có thể chủ động nêu ra những vốn sống mà bạn cho rằng sẽ có ích cho bà. Chẳng hạn như sáng nay bạn đọc được một bài viết hay về cách bảo vệ sức khỏe cho người già, chớ ngại chia sẻ ngay cho bà. Nếu bạn biết được có tour du lịch nào đó với mức ưu đãi cao hoặc một chương trình khuyến mãi mua sắm đặc biệt gần nơi bà sinh sống, đó là lúc nhấc điện thoại lên. Tất cả những động thái này sẽ giúp bạn chứng minh được mình có lòng quan tâm chân thành. Bên cạnh đó, bạn cũng nên nhắc con trai bà làm việc tương tự.

5. Gọi điện cho mẹ chồng tương lai chỉ cần lời hỏi thăm chân thành

Khi gọi điện cho mẹ người yêu, mẹ chồng tương lai thì các nàng nên nói những gì. Không cần phải quá trang trọng sẽ tạo sự xa cách. Cô dâu chỉ cần hỏi thăm chân thành tạo sự gần gũi với mẹ chồng. Nhiều chị em có suy nghĩ, lấy chồng rồi ra ở riêng nên không cần quan tâm đến bố mẹ chồng. Đó là suy nghĩ hoàn toàn sai lầm. Nếu bạn muốn chồng yêu thương và quan tâm tới nhà ngoại thì mình cũng cần quan tâm đến người nhà nội.

6. Gọi điện cho mẹ chồng tương lai không cần thường xuyên nhưng cũng không quá lâu

Hai người đang trong giai đoạn tìm hiểu nên nàng cũng không cần phải gọi điện thường xuyên cho mẹ người yêu. Nhưng cũng đừng vì thế mà bỏ lơ không có một cuộc điện hỏi thăm. Bởi sau này, hai người nên duyên thì bạn sẽ bị mẹ chồng đánh giá là thiếu tinh tế. Bạn có thể gọi điện cho mẹ chồng tương lai vào những dịp cuối tuần, ngày lễ, ngày cúng giỗ ông bà, ngày 8/3, ngày của Mẹ, ngày 20/10, ngày sinh nhật… Các nàng đừng vì tiếc những câu hỏi thăm mẹ người yêu vì đó là cách lấy lòng mẹ chồng tương lai hiệu quả. Vì chỉ điều đơn giản vậy thôi cũng khiến cho tình cảm mẹ chồng – nàng dâu trong tương lai tốt đẹp hơn.

Bình luận

Viết Đánh Giá
N
hỏi thăm mẹ người yêu
D
Đinh Hạnh