Đăng bởi Marry Doe - 14/11/2017 | Lượt xem: 12156
Đám cưới là ngày rất linh thiêng với đôi bạn trẻ. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng đám cưới thời này là sự tính toán của cả khách lẫn chủ nhà. Cô dâu chú rể phải cân nhắc xem nên mời ai, không mời ai. Người được mời có thực tâm đến chúc mừng..!!? Bản chất cô dâu chú rể tính toán là không sai, tuy nhiên cô dâu chú rể cần biết làm thế nào để thể hiện sự nhiệt tình và nhã nhặn khi mời khách.
Cô dâu và chú rể hãy tinh tế ngay từ cách mời đám cưới, để người được mời cảm thấy được trân trọng thực sự.
1. Hãy trao thiệp tận tay
Hôn nhân là việc rất quan trọng, khi một người bạn của bạn tham dự đám cưới cũng là thể hiện sự tôn trọng và quý mến đối với của cô dâu chú rể, do đó bạn cũng nên thể hiện sự nhiệt tình và tôn trọng của mình đối với bạn bè bằng cách cố gắng đưa thiệp cưới tận nơi. Điều này không chỉ thể hiện sự nhiệt tình mà còn thể hiện sự chu đáo và quan tâm đến những người khách của bạn.
Cô bạn tôi, vốn hoạt bát vui tính và có thâm niên ăn cưới, có thái độ nghiêm túc rằng cô thực sự thích được nhận thiệp cưới trực tiếp hơn việc được mời qua điện thoại, nếu nhân vật chính không quá thân thiết với mình.
Hãy trao thiệp tận tay khách của bạn
2. Hãy gọi điện không nên dùng mạng xã hội
Dù bận đến mấy, hãy dành thời gian để gọi điện trực tiếp cho người mà bạn định mời, hơn là dùng mạng xã hội. Đây cũng là một cách rất tốt để bạn thể hiện sự tôn trọng và nhiệt tình với người mà bạn định mời .
Tất nhiên thời buổi khá bận rộn như hiện nay, có thể bạn khó liên hệ trực tiếp với khách mời. Nhưng mạng xã hội chưa thể là kênh mời cưới nghiêm túc. Nếu muốn, mạng xã hội có thể là nơi để chúng ta nhắc nhở khách khi ngày cưới cận kề.
3. Hãy lấy chất lượng làm mục tiêu
Tôi cười đơ và có chút ngượng khi người đồng nghiệp rút ra thiệp cưới, nhanh nhảu điền tên tôi vào, kèm theo câu nói đùa: “Bạn không thoát đâu nhé!”. Sẽ chẳng có gì phàn nàn nếu tôi quen biết với cô bạn nọ ít nhất cũng phải “đầy tháng”, hoặc đại loại như thế. Đằng này, hôm tôi nhận thiệp cưới là ngày thứ 2 tôi bước chân về làm công ty mới này.
Không thể đếm hết bao nhiêu lần điện thoại tôi hiện lên số lạ, bắt máy và cà kê một hồi mới nhận ra đó là bạn học xưa, đồng nghiệp cũ, người quen của bạn mình… hơn chục năm không hề liên lạc. Nay có hỷ bỗng dưng nhớ đến và muốn gửi thiệp mời đám cưới.
Thật buồn vui lẫn lộn. Không biết sau đám cưới, chúng tôi có tiếp tục “bặt tăm” về nhau không?
4. Không nên “loại bỏ” thiếu ý tứ
Ngược với trường hợp trên, có lần một đồng nghiệp trong công ty tôi tổ chức cưới. Cô ấy mời tất cả mọi người trong công ty, trừ chú giữ xe và cô lao công.
Trong khi mọi người xúng xính mua sắm áo quần để chuẩn bị dự tiệc cưới thì chú giữ xe và cô lao công luôn phải né tránh những lời rủ rê, hẹn hò đi chung cho vui. Trong trường hợp không thể né tránh, cả hai cười méo xẹo: Cô/chú không được mời!
Tôi không hiểu lý do vì sao cô đồng nghiệp không muốn chú giữ xe và cô lao công có mặt trong đám cưới của mình. Ngại họ không có tiền bỏ phong bì cho “lại vốn”, ngại họ ăn mặc xấu xí, ngại họ nói năng quê mùa…
Dù lý do gì, tôi cũng cảm thấy chạnh lòng và… hết muốn dự đám cưới của cô ấy.
Hãy thông minh khiết lựa chọn khách cho đám cưới của bạn
5. Báo hỷ cũng là một cách tuyệt vời
Khi tạo danh sách khách mời, đôi khi bạn sẽ gặp những nhóm khách không thật sự thân thiết hoặc điều kiện họ ở xa, điều kiện kinh tế chưa cho phép về tham gia đám cưới của bạn. Lúc này, việc báo hỷ là hoàn toàn thích hợp
Cô dâu chú rể có thể báo hỷ bằng cách viết một mail trang trọng thông báo ngày vui, tạo group trên facebook, hoặc điện thoại, gặp mặt báo tin vui và bày tỏ mong ước được nhận lại lời cầu chúc trăm năm hạnh phúc. Chắc chắn, người không được mời dự tiệc sẽ hiểu và không có lý do gì để tiết kiệm một lời chúc mừng.
Thời đại học, một cô bạn trong nhóm tôi kết hôn sớm, và để-không-mời nhóm bạn “của ít lòng nhiều”, bạn ấy đã tổ chức một buổi cà phê với mọi người và nhận được rất nhiều lời chúc phúc.
(st)