Đăng bởi Marry Doe - 03/09/2010 | Lượt xem: 1962
Thiệp ghi một đàng, khách đến nơi một nẻo, cô dâu chú rể lả người đi vì chờ đợi, khách khứa người đến trước người đến sau làm lộn xộn bàn ghế hàng ngũ, là chuyện “không nói ra thì ai cũng biết là sẽ có” trong hầu như 90% tiệc cưới ở Việt Nam.
Thiệp mời ghi:
Đón khách: 17h30
Khai tiệc: 19h00
Và đến tận 20h00 vẫn thấy lác đác vài người khách đi vào ký tên trên liễn bàn tiếp tân.
Cô dâu D., cô giáo tại trường mẫu giáo Q.7, HCM, tâm sự “Đêm
tiệc cưới, tôi với chồng dự định đúng 7h, hay trễ nhất là 7h20 là lên sân khấu làm lễ, mà cuối cùng vì quá nhiều khách đến muộn, nên đành dời giờ làm lễ lại đến 7h45. Xong xuôi ai cũng đều “đuối”, cả người vào trước lẫn cô dâu chú rể!”
Thiệp ghi một đàng, khách đến nơi một nẻo, cô dâu chú rể lả người đi vì chờ đợi, khách khứa người đến trước người đến sau lọt chọt bàn ghế hàng ngũ, là chuyện “không nói ra thì ai cũng biết là sẽ có” trong hầu như 90% tiệc cưới ở Việt Nam.
Căn bệnh trầm kha, hay là tác phong người Việt?
Trong truyện cười bốn phương thường hay nói về chuyện trễ nải giờ giấc của người Việt Nam, đến độ đã trở thành “đặc điểm nhận dạng” của dân tộc mình. Điều này hơi có phần thậm xưng, nhưng cũng không phải là không đúng.
Khi đến dự tiệc tùng, sự kiện nói chung, hay tiệc cưới nói riêng, khách mời đến trễ giờ luôn là điều khiến
cô dâu chú rể đau đầu, và không cách chi để lường trước hay sửa chữa được. Những người có thói quen đi trễ, luộm thuộm trong chuyện giờ giấc thì hầu như vô vọng trong việc nhắc nhở họ đi đúng giờ. Chuyện xảy ra rồi, có hỏi đến thì sẽ có 1001 lý do, mà cái này nghe cũng rất hợp tình hợp lý: kẹt xe quá, em bé ở nhà tự nhiên bị sốt, chồng đón mình trễ, trời mưa to thế kia.
Nhưng đáng buồn là viễn cảnh này hầu như đã trở thành một truyền thống, nhất là trong tiệc cưới. Nhiều người cùng nghĩ: Thì ai cũng như mình, tới sớm để phải đợi à! Thế là không hẹn mà gặp, người người đi trễ, nhà nhà đi trễ. Giờ ghi trong thiệp cũng mặc, cứ theo thói quen mà đi, tàn tàn rồi thế nào cũng vào tới tiệc!
Đến trễ tí thì cũng có hại gì đâu!
Vì nghĩ thế nên quan khách tiệc cưới tha hồ thả cửa cho “giờ dây thun” của mình tự do chạy nhảy. Có người thì lại nghĩ “Thì cứ làm lễ đi, không có mợ chợ vẫn đông mà”.
Đúng là chợ vẫn đông thật, nhưng nếu nghĩ xa hơn một tí, ai cũng cùng cách suy nghĩ đó, ngày vui của cô dâu chú rể, người mà bạn thật sự yêu thương và quý trọng ấy sẽ ra sao.
Khi trễ giờ, đơn giản một người sẽ nghĩ “Xem như mình có lỗi đến muộn một tí, rồi thì xin lỗi vậy!”. Trong ngày vui chỉ có một lần trong đời này, việc bạn đến trễ không những làm xao lãng một số người, làm ảnh hưởng đến không gian chung của toàn buổi tiệc mà đôi khi còn làm lỡ mất khoảnh khắc đáng nhớ của cô dâu chú rể.
Đừng để nụ cười trong ngày hạnh phúc của CD-CR vụt tắt chỉ vì thói quen trễ nải của mình
Đến dự tiệc cưới đúng giờ, không chỉ là biểu hiện tôn trọng dành cho cô dâu chú rể, dành cho những người khách mời đã vào trước đó, mà còn chính là biểu hiện văn minh, lịch sự và sự tôn trọng dành cho chính bản thân mình.
Giải pháp cứu nguy
Để đối phó với thói quen bất di bất dịch này của khách mời, nhiều cô dâu chú rể đã nghĩ tới chiêu “hẹn trừ hao”. Nghĩa là trong thiệp mời sẽ ghi giờ bắt đầu làm lễ sớm hơn từ 10 phút đến 1 giờ, kèm theo một câu thòng nhắc nhở tận răng khi gửi thiệp cưới. Nhưng những nỗ lực này xem ra không có hiệu quả cho lắm. Anh Lâm Tr.nhớ lại “Hồi đám cưới tôi, cũng làm như thế, kết cuộc người ta vẫn đến muộn. Sau này hỏi ra thì có người nói: ghi giờ vào tiệc sớm quá làm gì, có ai đọc đến dòng ấy đâu, đi tiệc cưới giờ giấc là theo thói quen thôi!”.
Một giải pháp xem ra thụ động hơn chính là: ưu tiên cho những người khách vào trước ngồi ở phía trong, người vào sau ngồi phía ngoài. Việc này chỉ để nhằm giải quyết hậu quả, và tránh cho chương trình của ngày cưới ít bị ảnh hưởng và xao nhãng nhất có thể.
Đến dự tiệc cưới đúng giờ trước tiên chính là tôn trọng mình
Dự tiệc cưới trễ giờ đang là thói quen của rất rất nhiều người. Dù vô tình hay cố ý hay bất cứ một lý do nào khác thì đây cũng là một cử chỉ khiến cô dâu chú rể khó xử, những người còn lại khó chịu và ảnh hưởng đến tâm lý vui vẻ cần có của một tiệc cưới. Thử nghĩ nếu ai cũng cùng cách suy nghĩ này, 7h30 làm lễ, cô dâu chú rể đi lên sân khấu, xung quanh lác đác vài người, còn lại chưa đến vì muộn giờ. Quang cảnh thế này chắc chắn sẽ để lại nhiều ấn tượng không trọn vẹn cho người trong cuộc.
Nếu bạn thật sự yêu thương, tôn trọng cô dâu chú rể, và tôn trọng chính bản thân mình thì hãy cố gắng tập cho mình thói quen dự tiệc cưới đúng giờ. Đừng cho rằng bạn chỉ đến trễ khi đi dự tiệc thôi. Nhiều lần như thế sẽ tập cho bạn một tác phong không lành mạnh, ảnh hưởng đến hình tượng và sự tôn trọng mà người khác dành cho bạn.
Nhưng trước tiên hãy dành tất cả yêu thương cho cô dâu chú rể. Và cố gắng đừng để họ phiền lòng trong một ngày vui không trọn vẹn vì sự trễ nải của bản thân mình nhé!
Marry