Khi nàng lấy chồng, nàng cũng sẽ nghĩ đến bánh mì nhiều hơn. Nếu lương “đối tác” chỉ đủ mua khăn mặt và xi đánh giày, liệu nàng có đồng ý cưới chàng không?
1. Cưới vì tình, nhưng yêu chồng vì… lương tháng?
Quá nhiều những cô gái đã phải đứng trước lựa chọn của đời mình khi lấy chồng: Lấy người mình yêu (nhưng nghèo) hay lấy người yêu mình (giàu hơn, yêu mình hơn)? Chọn một túp lều tranh hai trái tim vàng, hay hai trái tim ở trong một túp lều bằng vàng? Đa số các bậc phụ huynh sẽ chọn chàng trai ở trong túp lều vàng. Dẫu sau, khóc trong xe Lexus vẫn hơn là cười trên xe đạp.
Lấy nhau rồi, hoa hồng không nuôi sống được cái dạ dày. Thử đặt một so sánh để tham khảo trong một nhóm nhỏ cư dân mạng trên Multiply, gia đình công chức có chồng đưa vợ tiền lương hai mươi triệu một tháng và chồng đưa vợ vỏn vẹn hai triệu một tháng, thì gia đình nào Hạnh Phúc hơn?
Hầu như mọi comment trả lời đều dành ưu thế cho người chồng đưa lương hai mươi triệu một tháng, với vô vàn lý do: Vật giá leo thang, tiền nuôi con, tiền để dành mua sắm, tiền ma chay cưới hỏi, nội ngoại… thì hai triệu một tháng không thể đủ. Nhiều cô vợ trẻ đã kỹ lưỡng nói rõ thêm, tiền nhiều thì cuộc sống sẽ thoải mái dư dật hơn, vợ chồng bớt đi những khó khăn tài chính, rõ ràng phải hạnh phúc hơn. Trừ phi cô vợ ấy chẳng yêu chồng, hoặc quá giàu, giàu tới mức hai mươi triệu không đáng để cầm.
Một bà vợ hai con than, hình như hiếm ai tốt số chồng đưa hai mươi triệu để chợ búa hàng tháng, chúng ta hầu như thuộc phe… hai triệu, và bằng lòng với hai triệu ấy. Bởi bù thêm vào tiền là tình yêu, sự chăm sóc của chồng, sự chia sẻ gánh nặng cuộc sống.
Tôi phản hồi tiếp, nếu thay vào tình yêu và sự chăm sóc của ông xã, bằng một túi tiền nặng, ví dụ chồng đi suốt ngày nhưng đưa lương năm mươi triệu hoặc một trăm triệu một tháng, các nàng nghĩ sao?
Các bà vợ lập tức gõ vào khung phản hồi bên dưới hai chữ OK. Họ đồng ý. Với trăm triệu tiền lương hằng tháng đưa về cho vợ đó, ông chồng mặc nhiên được bận bịu ngoài đường, được quyền đi sớm về khuya, thậm chí đi đằng đẵng, được giao tế tiệc tùng, được miễn chủ nhật đưa vợ đi thăm họ hàng, ngày lễ về sớm, được quyền nhiều thời gian tự do hơn những ông chồng bình thường. Tóm lại, họ có quyền phó thác nghĩa vụ trong gia đình nhưng vẫn có được một gia đình êm ấm đầy đủ, con ngoan nhà sạch cơm ngon và vợ chiều chuộng.
Với một trăm triệu, ông chồng đã thỏa mãn được vô số nhu cầu của người vợ. Bởi ngày nay, gia đình bận rộn nên sinh ra người giúp việc, nhu cầu từ ẩm thực cho tới mua sắm tặng quà đều có thể dùng tiền để thuê người mang tới tận nơi, thậm chí người vợ có thể giao hết những gánh nặng của một gia đình truyền thống cho các dịch vụ, để rảnh rang mua sắm, làm đẹp, chăm sóc bản thân, nghỉ ngơi và làm những điều phụ nữ thích. Vậy rõ ràng, tiền đã thay chồng chăm sóc gia đình và chăm sóc người vợ.
Nỗi khổ của đàn ông: Biết chọn ai đây?
2. Được phép ở trọ trong nhà mình?
Thực sự tôi cũng nghĩ vậy, nhưng tôi ngờ ngợ chúng ta đã nhầm lẫn ở đâu đó.
Hôn nhân bản chất là sự chia sẻ và nương tựa, khoảng tự do cá nhân
càng rộng, mối ràng buộc càng lỏng, thì vợ chồng khác nào khách trọ
trong nhà của nhau?
Thử một câu hỏi cắc cớ sau cùng, giả dụ tiền lương khổng lồ của chồng đã đưa về cho vợ, thì nếu chồng đi sớm về khuya, có bồ nhí ở bên ngoài,bao nhiêu phần trăm các bà vợ sẽ tha thứ, và có ai sẽ dọn đồ li hôn ngay?
Nhiều người né câu trả lời. Nhưng cũng có người nói, ngoại tình thì những ông lương hai triệu một tháng đi làm về đúng giờ cũng vẫn ngoại tình đó thôi. Vì thế, nếu đàn ông muốn ngoại tình thì vợ làm sao ngăn được. Hoặc nói một cách khác, lấy một ông chồng ngoại tình nhưng hàng tháng đưa vợ một trăm triệu vẫn tốt gấp chán vạn lần những ông khác ngoại tình mà lương chỉ hai triệu. Miễn là ông ấy thật thà khai báo, không con riêng, không bỏ mặc vợ… chăn đơn gối chiếc lạnh lùng là được. Đàn ông “ăn bánh trả tiền” còn dễ chấp nhận hơn những ông đã nghèo lại còn năm thê bảy thiếp một đàn con cả riêng lẫn chung.
Tức là, có quyền ngoại tình, miễn đưa lương nhiều, thỉnh thoảng “bổ sung” thêm sex, thì vẫn được vợ yêu?
Cái chúng ta nhầm lẫn về hôn nhân nằm ở đấy: Tình yêu và tiền bạc, hoa hồng và bánh mì, chúng ta đã quá thiên vị cơn đói của dạ dày mà quên những cơn đói của trái tim.
Tôi nghĩ trách nhiệm của một người đàn ông trong gia đình khó định lượng được bằng hai triệu hay một trăm triệu, với đàn ông, đó chỉ đơn thuần là đưa một khoản tiền lương cho vợ, không khác gì nhau. Trong khi phụ nữ chúng ta đã quan trọng hóa tiền bạc, đã mặc nhiên cho rằng ông chồng càng đưa nhiều tiền chứng tỏ càng có nhiều trách nhiệm với gia đình. Và vì thế, mặc nhiên chấp nhận một ông chồng trọ trong nhà mình. Chỉ cần ông ấy mất mười lăm phút trên giường, ông ấy sẽ có một đứa con xinh đẹp ngoan ngoãn cả đời, chỉ cần ông ấy chìa ví ra, ông ấy sẽ có một gia đình tử tế.
Tôi nghĩ, một bà vợ cầm một trăm triệu thì sẽ bớt đòi hỏi trách nhiệm
chăm sóc gia đình của ông chồng, thế thì nào khác gì gái làm tiền? Giao dịch trao đổi của chúng ta về bản chất là như nhau. Chúng ta khác nhau chỉ ở chỗ, gái làm tiền nhận tiền cho mỗi lần thân mật xác thịt, còn bà vợ nhận “trọn gói” cả tháng mà thôi.
3. Tôi chọn tình yêu, vì tôi đã có bánh mì
Câu nói trọn vẹn của mẹ Theresa như sau: “Thế giới này đói tình yêu và Lòng Tự Trọng hơn bánh mì!”
Lòng Tự Trọng đến từ đâu? Chắc chắn nếu ta không tôn trọng bản thân ta, khó có đức lang quân nào mang lòng tự trọng đến tặng ta được.
Và nếu tự tôn, ta sẽ hiểu giữa chồng và vợ có những thứ không thể nào mua được bằng tiền. Cho dù bằng hai triệu hay một trăm triệu. Tôi tin, chỉ những bà vợ đói nghèo mới đánh đổi thời gian vợ chồng và trách nhiệm gia đình lấy tiền, họ bị đói nghèo vật chất và có lẽ đói nghèo cả trong sâu thẳm tình cảm.
Tôi nghĩ rằng, những phụ nữ ấy từ trong sâu thẳm đã không tự tôn trọng chính giá trị của mình, hoặc đặt giá nó với một số tiền cụ thể. Vậy cho dù có được bánh mì, tình yêu ấy có phải là tình yêu không, và lòng tự trọng của họ có thật không? Tiền có thể mua được tiện nghi và niềm vui hữu hạn, nhưng không thể mua được những gì thuộc về giá trị con người hay những thứ mà mãi mãi không đổi thay, như lòng chung thủy, sự trân trọng nhau.
Thậm chí, nói một cách sòng phẳng, ông chồng có thể sẽ hài lòng khi
đưa một trăm triệu cho bà vợ hai lăm ba mươi tuổi, nhưng chắc chắn sẽ không vui khi đưa số tiền ấy cho một bà già năm mươi tuổi nhăn nheo. Bạn có nghĩ rằng, giá trị của bạn nếu đánh đồng với tiền lương của chồng, thì chính bạn cũng sẽ có ngày trượt giá?
Cuộc khảo sát trên mạng của tôi nhanh chóng đi vào bế tắc, bởi không nhiều người mặn mà với những câu hỏi cắc cớ khó hiểu nữa. Nhưng có một công dân mạng – tôi đoán là đàn ông – đã hỏi ngược lại tôi rằng:
- Vậy, với chị thì cái giá của chị là bao nhiêu?
Tôi nói, giá của tôi là tình yêu. Trước hôn nhân, tôi đã chọn hoa hồng và tình yêu. Bởi tôi đã luôn tự kiếm được bánh mì cho mình rồi!
Trang Hạ