Đăng bởi Marry Doe - 17/10/2017 | Lượt xem: 2652
Trong mọi cuộc gặp gỡ, ấn tượng đầu tiên luôn là một trong những yếu tố quan trọng. Thế nhưng ngày sui gia gặp mặt lần đầu không chỉ quan trọng mà còn mang nhiều ý nghĩa, buổi gặp mặt đầu tiên của hai gia đình thông gia cần nhiều hơn một sự chuẩn bị tâm lý thông thường.
Với cương vị là nàng dâu tương lai, bạn đã biết chuẩn bị những gì cho ngày sui gia gặp gỡ lần đầu chưa?
1. Cẩn trọng từ khâu chuẩn bị
Nếu có một sự chuẩn bị tốt là bạn đã đi được nửa chặng đường đến với thành công. Ngay sau đây chính là những điểm góp phần làm cho sự chuẩn bị quan trọng ấy thêm phần trọn vẹn.
Địa điểm gặp mặt
Nếu có thể hãy xem xét đến khả năng lần đầu gặp gỡ của hai gia đình tại một nơi… công cộng như nhà hàng, quán ăn. Thông thường, nhiều gia đình chọn địa điểm gặp mặt ngay tại gia đình nhà gái. Điều này có thể dẫn đến những phiền phức như giữa buổi gặp gỡ thì nhà có khách, nhà chật khiến không gian gặp mặt không thoải mái… Do vậy, hai bạn nên bàn bạc cùng nhau và chọn vài địa điểm trước rồi hỏi ý kiến của ba mẹ hai bên.
Món quà buổi đầu
Nếu ngày xưa có “Miếng trầu là đầu câu chuyện”, một món quà nhỏ với thành ý của cả hai bên sẽ góp phần làm cho phần đầu được “xuôi” để dự báo cho phần sau được “lọt” dễ dàng. Hai bạn là người hiểu rõ các đấng sinh thành của mình nhất nên hãy chủ động chọn những món quà ý nghĩa và gửi gắm cho các bậc sui gia làm quà trong buổi ra mắt chính thức này.
2. Tạo cảm giác “người trong một nhà”
Đây là phần quan trọng nhất ở khâu chuẩn bị. Đừng đợi đến khi gia đình hai bên sắp gặp nhau rồi hai bạn mới bắt đầu kể về “gia đình bên ấy”. Hãy từng bước tạo một cảm giác thân thuộc từ nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm trước buổi gặp gỡ “thủ tục” này bằng cách vô tư và vô tình kể về sự yêu quý của gia đình chồng/vợ tương lai dành cho nàng dâu và chàng rể.
Ngoài ra, mỗi gia đình sẽ có những điều kiêng kỵ riêng. Do vậy, hãy khéo léo “bỏ nhỏ” cho cha mẹ mình biết trước để tránh xảy ra những hiểu lầm đáng tiếc trong buổi đầu hai bên kết tình thông gia này.
3. Thể hiện sự yêu thương với bạn đời tương lai và hiếu thuận với ba mẹ hai bên
Cha mẹ nào cũng muốn con mình được hạnh phúc. Do vậy, đây là cơ hội vàng để thể hiện cho ba mẹ thấy bạn đã có sự lựa chọn đúng đắn về người phối ngẫu của mình. Hãy đối xử nhẹ nhàng với nhau trong từng lời nói. Quan trọng hơn, hai bạn nên cho thấy dấu hiệu về “rể hiền, dâu thảo” bằng việc chăm sóc và quan tâm đồng đều đến cha mẹ hai bên. Chẳng hạn, chàng có thể gắp thức ăn cho ba mẹ vợ tương lai trước rồi đến ba mẹ mình, và cũng tương tự theo thứ tự ngược lại cho nàng.
4. Nâng niu phút giây gặp gỡ
Tạo không khí thoải mái
Như đã đề cập ở trên, khâu chọn địa điểm phù hợp từ trước sẽ góp phần tạo nên không khí thoải mái lúc này. Ngoài ra, “những đứa con chung” cũng nên chủ động giới thiệu ba mẹ hai bên một cách yêu thương và thân mật.
Nếu được, hãy pha một chút hài hước vào lời giới thiệu để xoá bỏ cảm giác người lạ và suy nghĩ “con gái sắp rời khỏi vòng tay của mình”.
Khuyến khích bàn việc hỉ sự
Còn gì vui bằng khi ông bà sui gia cùng rôm rả bàn chuyện sắp tới cho “sắp nhỏ”. Hãy khéo léo kích hoạt câu chuyện hỉ sự bằng sự lễ phép và kính trọng trong việc hỏi ý kiến cha mẹ hai bên như, “Tụi con định sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 12. Ba mẹ thấy sao?”. Dĩ nhiên, bạn không nên đường đột đề cập đến vấn đề này lần đầu ngay tại buổi gặp và dễ tạo cảm giác “Con đặt đâu cha mẹ ngồi đấy” mà trước đó nên bàn bạc với ba mẹ mình trước. Buổi họp mặt sui gia lúc đó chỉ nên mang ý nghĩa là sự trao đổi thêm và đồng thuận về ngày vui sắp tới.
(st)