Đăng bởi Marry Doe - 28/05/2012 | Lượt xem: 1451
Nhiều người nghĩ rằng đám cưới hiện đại là đám cưới “lai Tây”, là “công nghiệp hóa” và “fast food”. Nhiều bậc cha mẹ sợ con cái cắt giảm thủ tục khiến cho đám cưới mất hết chất Việt. Thực chất, đám cưới hiện đại là một đám cưới vẫn giữ những nét thuần phong mỹ tục của văn hóa nước mình, được chắt lọc bởi những thủ tục cần thiết, linh thiêng, trang trọng.
Quan niệm truyền thống – hiện đại
Trong tâm thức người Việt thì lễ cưới có giá trị cao hơn cả giấy chứng nhận đăng ký kết hôn. Lễ cưới là đỉnh điểm của cả quy trình tiến tới hôn nhân, là hình thức liên hoan, báo hỉ mừng cô dâu, chú rể, mừng hai gia đình và có ý nghĩa rất thiêng liêng. Ngày xưa, con người cá nhân hòa trong cộng đồng làng xã đến mức tối đa, mọi nghĩa vụ và quyền lợi cá nhân đều liên quan đến cộng đồng và bị cộng đồng chi phối, kể cả quyền hạnh phúc lứa đôi. Vì vậy “hôn nhân không phải là việc riêng của hai người mà là việc hai họ dựng vợ gả chồng cho con cái”. Hôn nhân của đôi trai gái còn là việc xác lập mối quan hệ giữa hai gia đình trước kia “không quen biết” nay trở thành thông gia. Vì vậy cần phải xem xét gia đình đó có môn đăng hộ đối với gia đình mình hay không. Các nghi lễ trong đám cưới phải đúng thủ tục, trình tự dù là thủ tục, trình tự nhỏ nhất. Đấy là suy nghĩ về một đám cưới truyền thống của cha ông ta, còn ngày nay, quan niệm về tầm quan trọng của một lễ cưới ngày nay thì vẫn giữ nguyên vẹn. Thế nhưng việc dựng vợ gả chồng không còn quá phụ thuộc vào cộng đồng. Nghĩa là đó là quyền quyết định của đôi trẻ, cho dù gia đình có ‘môn đăng hộ đối’ hay không. Việc này cũng cho phép cô dâu và chú rể được đặt tính cá nhân của mình vào một lễ cưới nhiều hơn. Đứng về phía pháp luật, chỉ cần đôi nam nữ có giấy đăng kí kết hôn là được pháp luật bảo vệ. Thế nhưng, quan niệm chung của tất cả các cặp đôi vẫn là kết hôn phải được sự đồng ý của hai bên gia đình và thông báo tới họ hàng và bạn bè. Các thủ tục, lễ nghi trong đám cưới có thể được giản lược, được bớt đi cho phù hợp với hoàn cảnh gia đình, thực tế công việc và đặc biệt là phù hợp với tính cách, quan niệm của đôi bạn trẻ.
Các thủ tục, lễ nghi trong đám cưới thường gây ra sự bất đồng giữa cha mẹ, con cái
Lúc nào thì cưới?” là câu hỏi thường dành cho những cặp nam nữ đang tìm hiểu, đang nồng nàn. Và thường nhận được những câu trả lời “Sắp rồi”, “còn lâu” hay thậm chí nhìn nhau chỉ cười không nói. Nhưng “cưới như thế nào?” thì chỉ là “chuyện nội bộ” và sẽ khó nhận được một câu trả lời rõ ràng và dứt khoát. Mỗi người trong cuộc sẽ có nhiều mong muốn riêng cho ngày đám cưới của mình. Người thì muốn “mang đậm tính truyền thống”, người thì muốn hiện đại, “đánh nhanh thắng nhanh” để bước vào “giai đoạn hai” của tình yêu. Nhưng khó khăn nhất vẫn phải làm sao để gia đình bố mẹ thống nhất và yên lòng. Quanh chuyện cưới xin giữa bố mẹ và con cái cũng có lắm chuyện vui buồn, thông cảm và giận dỗi. Có nhiều đám cưới rộn ràng và có những ngày vui mà ảm đạm. Thuyết phục sao để phụ huynh đồng ý?, Làm sao để phụ huynh hiểu?, Tổ chức cưới thế nào mà hai bên đại gia đình thấy vui vẻ thoải mái và thắt chặt mối quan hệ? Cưới hiện đại, không phải lúc nào cũng được gia đình hiểu và chấp nhận.
Kinh nghiệm người trong cuộc
Nga vẫn còn ngại ngần mỗi lần về thăm bố mẹ chồng. Đám cưới đã 3 năm mà vợ chồng Nga vẫn còn loay hoay chưa biết làm sao để mỗi khi về quê thấy tự nhiên và thoải mái. Mọi việc êm đẹp cho đến khi hai họ gặp nhau để bàn chuyện cưới, sự khác biệt trong quan niệm về cưới xin đã làm cuộc thương lượng trở nên gay gắt vô cùng. Nga vốn là một du học sinh tốt nghiệp từ nước ngoài về. Cô muốn tổ chức một đám cưới “đơn giản, dễ hiểu và dễ nhớ”. Thế nhưng gia đình chồng cô (Thanh) vốn có truyền thống gia giáo nên đám cưới con trai là một sự kiện lớn. Nhìn “kịch bản” mà bố anh ghi chép dày đặc những thủ tục từ ngày dạm ngõ cho đến mấy ngày cưới mà hai đứa hết hồn. Cứ hình dung phải làm “diễn viên chính” trong một loạt sự kiện Nga đã thấy mệt nhoài và sợ không làm nổi. Cô ra điều kiện “hoặc là cưới theo ý mình, hoặc là không cưới xin gì nữa”. Sau nhiều lần bàn luận, thương lượng nảy lửa, giận dỗi bố mẹ chồng tuyên bố “không tham dự đám cưới vì thà không thấy còn hơn”. Đám cưới vẫn diễn ra, nhưng cho đến bây giờ Nga vẫn ân hận vì đã không cố thuyết phục gia đình để đám cưới của mình vui hơn. Và quan trọng là sau “chiến thắng của mình” thì mối quan hệ giữa hai gia đình không còn tốt đẹp như xưa nữa.
Hãy chia sẻ mong muốn đám cưới vui, tràn ngập tiếng cười và hạnh phúc với cha mẹ.
Hằng và Tuấn thì lại được chia sẻ với mọi người “niềm vui chiến thắng” trong ngày cưới của mình. Gia đình hai bên đều có điều kiện về kinh tế, bố Tuấn lại là một người làm ăn giỏi, nhiều đối tác, bạn bè nên muốn có một đám cưới thật hoành tráng để vừa xứng đáng với tầm cỡ gia đình, vừa là dịp để mọi người trả lễ. Nhưng cả hai lại quyết tâm sẽ có một đám cưới “vui chưa từng thấy”, theo phong cách hiện đại, có đủ nghi thức cần thiết nhưng là “sân chơi” cho bạn bè thể hiện hết niềm vui của mình. Để hai gia đình yên tâm, chấp nhận Hằng và Tuấn phải giở đủ chiêu mềm mỏng và cương quyết mới được. Tuấn và Hằng viết “kịch bản”, đạo diễn và là diễn viên chính trong một đêm giao lưu với bạn bè và người thân. Tuấn phải chứng minh với gia đình khả năng tổ chức của mình. Hằng cũng chứng tỏ là một “trợ lý chính” của nhà tổ chức. Cuối cùng đám cưới diễn ra vừa thân mật vừa ấm áp, mọi thủ tục tiến hành gọn ghẽ và theo như nhận xét của bạn bè, gia đình hai bên thì “đám cưới vui hơn Tết”.
Nhiều người nghĩ rằng đám cưới hiện đại là đám cưới “lai Tây”, là “công nghiệp hóa” và “fast food”. Nhiều gia đình khi sợ bọn trẻ cắt giảm thủ tục khiến cho đám cưới mất hết chất Việt. Thực chất, đám cưới hiện đại là một đám cưới vẫn giữ những nét thuần phong mỹ tục của văn hóa nước mình, được chắt lọc bởi những thủ tục cần thiết, linh thiêng, trang trọng. Để cho bố mẹ và họ hàng hai bên đồng ý với việc tổ chức một đám cưới hiện đại, không quá nhiều thủ tục rườm rà, cần phải để cho mọi người biết thế nào đám cưới hiện đại. Đồng thời, cũng cần phải hiểu tâm lý của các bậc cha mẹ khi có con lập gia đình. Họ rất mong muốn có một đám cưới hoàn hảo và không bị ai chê trách. Hãy cố gắng để hai gia đình hiểu một đám cưới hiện đại sẽ được tổ chức cụ thể như thế nào. Hãy chia sẻ mong muốn đám cưới vui, tràn ngập tiếng cười và hạnh phúc. Không nên bác bỏ những thủ tục của dòng họ, của địa phương mà bao người đã thực hiện. Nhưng nên phân tích cho gia đình biết thủ tục quá nhiều sẽ bận rộn và dễ sơ sót.
Chuyên viên tâm lý Võ Thị Minh Huệ
Ảnh minh họa: Internet