Đăng bởi - 18/06/2018 | Lượt xem: 870
Xưa đúc kết, ma chê cưới trách. Xung quanh chuyện đám cưới bây giờ lắm nỗi “đau đầu”.
Ảnh minh họa - Huyền Trân
Nói về bên tổ chức đám cưới. Chắc chắn, lên được danh sách phải bớt đi, thêm vô rất nhiều lần. Cân nhắc, đắn đo nên mời ai. Lục trí nhớ họ đã mời mình lần nào chưa để mời đáp lễ. Không ai có thể nhớ hết nên chuyện quên là bình thường, vậy là nghe câu trách móc. Đau đầu nhất khâu này! Chưa kể dự định nhiêu khách đó vậy mà cuối cùng con số mời vượt quá. Nhìn quanh chỗ nào cũng ơn nghĩa. Đấy là chỉ đề cập đến đám cưới bình thường, không phải là những đám cưới tận dụng cơ hội làm ăn, để có cớ lại quà quà cáp, biếu xén, trả ơn.
Xong danh sách lại đến cách đi mời. Cách cho hơn của cho là đây. Ngày xưa, cha mẹ mời đám cưới con phải đi cả hai vợ chồng; trong vòng bà con hay bạn bè đáng kính càng phải mời một cách rất trân trọng. Bây giờ giản lược, có thể vợ/chồng độc lập tác chiến riêng nhưng phải đưa tận tay. Nhiều người khó tính, mời đưa qua người khác đã không đi dự đám cưới, còn trách cứ. Khâu đi mời cũng lắm vấn đề. Nắng nôi, chờ đợi, thậm chí phải tới lui mấy lần mới gặp được người mời.
Bây giờ cũng đơn giản đi rất nhiều, tuy nhiên, mời tận tay là điều bắt buộc. Có người dễ tính, chấp nhận chuyện mời điện thoại rồi nhờ người mang thiệp đến sau. Thậm chí, chụp hình tấm thiệp cưới, gửi qua tin nhắn facebook, đến gặp nhau ở tiệc cưới, đưa sau. Tất nhiên là chỗ quá thân tình, không chấp!
Việc ghi thiếp mời cũng là chuyện cân nhắc, tính toán. Lịch sự thì mời cả hai vợ chồng, nhưng phải biết chắc chắn cặp nào thì đi cả hai, cặp nào chỉ đi một người. Tính không chính xác, thừa hay thiếu chỗ ngồi đều ảnh hưởng đến túi tiền và cả ơn nghĩa.
Giờ đến phía được mời. Đôi khi những cái thiệp cưới làm đau đầu không ít với người nhận. Không thân thiết lắm mời làm chi cho khó xử. Đi thì lạc lõng, không đi phải có quà, mà quà là tiền. Một tháng 4 đám cưới coi như méo mặt luôn. Người đi làm có thu nhập không nói gì, người về hưu quả là khó khăn. Khổ nỗi, về hưu lại có những mối quan hệ bạn bè cũ thù tạc qua lại mời đám cưới con. Quý lắm họ mới mời, mai mốt đến phiên con mình. Tuy nhiên, cũng có người nhận thiệp mà… không vui, thậm chí khó chịu trong lòng, không muốn nói ra. Bây giờ ăn uống đã bắt đầu kiêng khem, một lon bia đủ cho huyết áp lên cao. Đi ăn tiệc mà không uống thì đi làm chi. Chưa kể răng cỏ không như ý muốn, thấy món ngon mà không ăn được vì đau răng, hay ăn vào sợ lạnh bụng, khó tiêu. Nhiêu đó đã thấy hãi đám tiệc rồi. Không đi không đặng mà đi lại thấy không thoải mái.
Còn nữa, vào bàn tiệc, bạn bè mười người mười cảnh. Người khoe con cái thành đạt mà không nghĩ đến người còn phải nuôi con học hành trầy trật hay con cái làm ăn thất bát, không được như người ta. Người khoe đi hết nước này đến nước kia mà không nghĩ đến người phải để dành từng đồng để… uống thuốc. Người khoe nhà cao cửa rộng, cuối đời hài lòng vì thành quả đạt được mà không nghĩ đến người phải sống nhờ con cái vì nhà cửa đã bán để trả nợ cho con... Hai, ba người lại hẹn nhau hai tháng nữa đi Châu Âu chơi hay hẹn cùng đi xin visa du lịch Mỹ mà không nghĩ đến bạn mình chưa từng đi đâu xa khỏi thành phố vài ngày… Vậy là xung đột… nội tâm. Gắp miếng thịt hay miếng rau không thấy hào hứng. Chưa kể đã không thích ăn món này mà người bên cạnh cứ gắp vào chén, bằng đũa của họ nữa mới ghê. Nhạc thì to, nói mà như hét vào mặt nhau. Nhiêu đó đã thấy… chán đám cưới!
Bởi vậy, ma chê cưới trách, từ xưa đã khẳng định vậy rồi, có mời đám cưới cũng nên cân nhắc sao cho vui vẻ hai bên. Ngày xưa, thiệp cưới bắt buộc có hai tấm báo hỉ và thiếp mời. Tránh gây khó chỉ cần báo hỉ. Chẳng ai trách mà có trách thì cũng tìm được lý do giãi bày. Nhận thiệp báo hỉ, thân tình thì gửi quà, không thân lắm thì cám ơn, chúc đôi trẻ trăm năm hạnh phúc. Hai bên đều vui. Cách xưa hay lắm chứ, mắc mớ gì bây giờ lại in báo hỉ và mời chung nhau để làm khó nhau?
Tóm lại, nguyên tắc của cuộc đời không phải mình vui mà người khác cũng (có tâm trạng) vui theo, cân nhắc, đắn đo, tính toán khi mời và khi dự đám cưới là vì thế!
Kim Duy