Thanh toán

Cô gái Việt kể về những 'tai nạn' nhớ đời khi làm dâu Tây

Đăng bởi Marry Doe - 14/04/2017   |   Lượt xem: 662

Ai lấy chồng Tây hay có ý định lấy chồng Tây thì đọc nha, mình thì thấy tò mò nên vào đọc, đọc xong cười hoài luôn.

Chị Hương Nhi là đầu bếp, hiện sinh sống tại đảo Guadeloupe, một trong những đảo thuộc địa của Pháp ở vịnh Caribe, châu Mỹ. Chị kết hôn với một người đàn ông Pháp cách đây hơn 5 năm, và cũng chuyển sang đây định cư từ đó. Dưới đây là chia sẻ của chị về những "tai nạn" ngày đầu mới làm dâu:

"Ngày đầu chân ướt chân ráo đến Pháp, luôn là những ngày đáng nhớ trong tôi. Đáng nhớ vì thay đổi cả thế giới sau 12 tiếng bay: Cái gì cũng mới lạ, đẹp đẽ. Có lẽ từ bé đến giờ tôi chưa từng thấy nhiều điều hay ho thú vị đến thế trong một ngày. Đáng nhớ vì đó là khoảng thời gian khó khăn, và đáng nhớ cũng vì có rất nhiều “tai nạn” xảy ra trong quãng thời gian đầu ấy, mà tôi thì cứ ngây ngô, ngô ngố mặc dù đã 27 tuổi đầu… Hôm nay tôi xin kể về vài "tai nạn" trong vô vàn "tai nạn" của tôi…

Lần đầu về gặp bố mẹ chồng

Ông bà thết đãi vợ chồng tôi bằng món Frois Gras (gan ngỗng), và Saumon Fumé (cá hồi hun khói) (vì trước khi tôi đến, ông bà đã gọi điện tham vấn chồng tôi xem tôi có dị ứng với thực phẩm nào không và tôi thích ăn gì, mà hai món này tôi ăn lần đầu ở nhà hàng, ngon, thích luôn…). Sau khi vượt 500 km, lại đi từ sớm nên hai vợ chồng cũng đói meo, tôi mừng vì ông bà đã chuẩn bị sẵn rồi, không như ở Việt Nam, con dâu dù đi xa mấy về cũng phải đâm đầu vào bếp chuẩn bị, hoặc nếu không chuẩn bị thì cũng chạy đây chạy đó cho họ hàng đỡ nói ra nói vào. Hai vợ chồng tôi ngồi sụp xuống, ăn, uống, nói chuyện rất nhiệt tình (chồng tôi nói nhiều, tôi thì ai hỏi gì nói đấy, mọi người cười thì tôi cũng cười kiểu “theo đóm ăn tàn” thôi chứ tiếng Pháp tôi lúc đó chưa kịp để theo đuổi cuộc trò chuyện của mọi người). 

Tôi nhận thấy bố mẹ chồng cũng xuề xòa, không kiểu cách như người ta, vì chúng tôi ngồi ăn luôn tại salon, không cần ngồi qua bàn ăn, và cũng chả cần bát đũa gì… Đến tàn tiệc thì mẹ chồng tôi hô: “À table!” (Mọi người vào bàn ăn!), tôi giật mình ngơ ngác nhìn chồng hỏi: “Ơ, lại ăn tiếp à?”, chồng tôi cười bảo: “Không, không ăn tiếp mà giờ mới bắt đầu!". Tôi ngây người ra, thì ra cái bữa tôi vừa ăn đó chỉ là Apéritif (bữa ăn uống trước khi vào bữa chính).

Nhưng mà tôi không còn bụng dạ nào ăn tiếp nữa, thế là cả bữa tôi ăn thêm có vài cọng sa lát mà trong lòng áy náy vô cùng. Chồng thì cứ nhai đi nhai lại chuyện này mỗi lần về nhà ông bà sau này, tôi lại trách chồng tôi không nói cho mình biết trước…

co-gai-viet-ke-ve-nhung-tai-nan-nho-doi-khi-lam-dau-tay

Chị Hương Nhi và con trai. Ảnh: NVCC.

Lần đầu bố mẹ chồng đến nhà

Chồng đi làm chưa về, tôi rất lúng túng khi tiếp khách một mình. Tôi vào bếp bê ngay giỏ hoa quả to đùng ra mời ông bà. Lúc đầu ông bà không ăn, nhưng tôi theo thói quen ở Việt Nam, như kiểu mặc cả, nài thêm vài câu nên cuối cùng họ cũng cầm ăn… Đến khi chồng tôi về, thấy cả nhà đang ăn hoa quả, chưa kịp để chồng tôi hỏi thì bố chồng tôi đã nói trước “À hoa quả này Hương mời ăn”.

Chồng tôi cười giải thích: “À ở Việt Nam có khách thì thường mang hoa quả ra mời, mà đến chơi nhà khác cũng thường mua hoa quả làm quà”. Sau đó anh quay sang tôi bảo: “Nhưng ở đây họ không mời khách hoa quả”. Thế là cả hai bên đều hiểu vấn đề hơn. Tôi thì ơn chồng đã làm tốt nhiệm vụ của một sứ giả…

Đến giờ ăn, tôi gọi chồng vào bếp hỏi:

- On sert le preservatif? (Chúng ta sử dụng/phục vụ bao cao su chứ?)

- Quoi? (Gì?)

- Preservatif? (Bao cao su)

Tôi bực mình nhưng gom hết chút kiên nhẫn cuối cùng giải thích:

- On sert le preservatif à tes parents avant de manger ou pas? (Mình sử dụng/phục vụ bao cao su cho bố mẹ anh trước khi ăn hay không?).

Tôi càng bực mình vì mặt chồng tôi vẫn ngây ra không hiểu, tôi giải thích: "Les petits choses à manger et boire avant de manger (Những đồ ăn uống trước khi bắt đầu bữa ăn).

Lúc này chồng tôi mới ngộ ra: “À, Aperitif, pas preservatif”.

Tôi cũng ngộ ra, càng xấu hổ khi biết "preservatif" là bao cao su. Ôi, chả biết chui vào đâu cho đỡ ngượng, mà đã thế chồng tôi còn ra trình lại bố mẹ anh ấy về sự nhầm lẫn chết người đó của tôi. Lại càng xấu hổ thêm! (Tại nó có cái đuôi tif, tif nên nhầm, sau này tôi cứ nói Apero cho nhanh và lành)".

Tại Trung tâm Thương mại

Mùa sale, tôi ở nhà cả tuần nên cứ vào các cửa hàng ngắm nghía, ưng cái gì thì chờ đến thứ bảy đi mua cùng chồng.

Lên thang máy, tôi bảo:

- Je veux acheter une salope? (Em muốn mua một cô gái làng chơi).

Chồng tôi giật mình, nhìn xung quanh, mọi người cũng bắt đầu đổ ánh nhìn về phía chúng tôi.

Tôi cố giải thích:

- Oui, je l’ai vu hier à Monoprix et le la veux! (Đúng, hôm qua em thấy nó ở Monoprix, và em muốn mua nó).

Chồng tôi không dám nhắc lại từ đó nên không gặng hỏi như mọi lần.

Lên trên tầng 2, tôi dắt thẳng chồng vào quầy quần áo, mừng vì cái quần short yếm cỡ vẫn còn đó. Tôi giơ ra bảo:

- Elle est là! Elle est encore là! (Nó đây, nó vẫn còn đây).

Chồng tôi thở phào:

- Salopette, pas salope.

Lúc đó tôi không quan tâm lắm vì sự nhầm lẫn vì chỉ nghĩ đến cái quần yếm vẫn còn, không bị người ta mua mất. Về sau chồng mới giải thích cho tôi biết từ "salope" trong tiếng Pháp là một từ tục tĩu dùng để sỉ nhục một cách rất nặng nề.

(sưu tầm)

Bình luận

Viết Đánh Giá
M
mình nghĩ muốn lấy chồng Tây nên học thêm ngôn ngữ của chồng và văn hóa sống
M
những chuyện cười ra nước mắt ấy nhỉ
L
Lấy chồng Tây ngoài việc học ngôn ngữ cũng phải tìm hiểu văn hóa, phong cách sống ở nơi đó nữa để tránh những hiểu lầm đáng tiếc.
N
Sự khác biệt về ngôn ngữ, nên đôi khi có những lầm lẫn tai hại và xấu hổ, Lấy chồng cùng ngôn ngữ đi cho lành hi