Đăng bởi Marry Doe - 16/12/2017 | Lượt xem: 939
Trong cuộc sống, chúng ta thỉnh thoảng vẫn thấy những người thích mượn chuyện bàn tán về nửa kia của mình để cảm thấy được quan tâm, chia sẻ. Nhưng điều đáng tiếc là, người ta thường thấy nhiều lời oán thán và chỉ trích hơn là lời khen ngợi và biết ơn…
Xin được kể hai câu chuyện nhỏ như sau:
Huy là chuyên viên lâu năm ở một bộ phận trong công ty, anh làm việc tích cực chăm chỉ, thể hiện rất ưu tú trong những dự án của công ty. Huy tràn đầy lòng tin với lần thi thăng chức này, anh nghĩ rằng với những nỗ lực bao năm qua của mình, nhất định anh sẽ được đề đạt. Thế nhưng Huy bị đánh rớt chỉ vì anh có sở thích bàn luận về việc gia đình cá nhân với đồng nghiệp, oán thán người vợ kết hôn đã lâu của mình.
Một vị trưởng phòng cho biết: “Chúng tôi không chỉ cần người có năng lực chuyên môn mà còn cần một người có đạo đức và phẩm hạnh. Ngày hôm nay anh ta oán thán vợ của mình thì liệu ngày mai có phê bình công ty hay không?”
Còn một người khác là Thùy Dung, cá tính hoạt bát hướng ngoại, chồng thì lại lịch sự hướng nội. Vốn dĩ đó là ưu điểm mà cô thích trước khi kết hôn, nhưng sau khi kết hôn thì lại thành ra khuyết điểm bị ghét bỏ. Có một lần công ty tụ họp, chồng của Dung cũng xuất hiện. Khi mọi người ăn no uống say, có một đồng nghiệp lỡ lời nói: “Tôi cảm thấy anh rất tốt mà, sao Dung cứ nói hôn nhân chán nản, cuộc sống khổ cực chứ?” Anh chồng nghe xong thì mặt biến sắc, tuy không bỏ đi ngay, nhưng giữa hai người đã xuất hiện mối bất hòa.
Hai câu chuyện trên đây dù có thật hay không, cũng đáng để chúng ta suy ngẫm. Con người từ lúc bập bẹ đến khi bắt đầu biết nói chuyện thì chỉ mất có vài năm, nhưng để biết cách không nói ra lời ác ý thì phải cần trí tuệ của cả một đời. Làm người như thế, hôn nhân cũng vậy, dưới đây xin được đưa ra bốn lời khuyên dành cho hôn nhân, hy vọng có thể chia sẻ tới độc giả.
1. Tốt hay xấu nằm ở trong suy nghĩ
(Ảnh minh họa)
Khi gặp mâu thuẫn tranh chấp với nửa kia, tốt nhất là hai người nên trò chuyện một cách có lý trí. Nếu bạn cần tìm ai đó để tâm sự, thì cũng nên chọn người mà mình có thể tin tưởng, gửi gắm. Quan trọng nhất chính là, nếu bạn thật sự nghĩ cho nửa kia, hy vọng đôi bên hòa hợp, thì phần thiện ý này sẽ giúp hai người vượt qua được mâu thuẫn. Ngược lại, nếu điều nghĩ đến chỉ là tức giận và oán thán, thì làm sao cuộc hôn nhân có thể như ý bạn được?
2. Hóa giải duyên nợ
Giữa vợ chồng với nhau, ngoài tình nghĩa thì còn có duyên nợ. Chính vì thế, khi phải đối diện với những bất công, oan ức, nếu có thể mở rộng lòng mình thì phần ác duyên ấy cũng có thể được hóa giải. Nếu không biết kiềm chế tính tình, cứ nhất quyết phải trách móc đối phương, không ngừng bất bình oán thán, thì nội tâm bạn sẽ như quả cầu lửa vậy, một khi đã bùng cháy thì khó mà có thể vãn hồi.
3. Hãy nhìn vào ưu điểm
Có nhiều cặp vợ chồng kết hôn đã lâu nên dường như quên mất nguyên nhân ban đầu họ đến với nhau, mà lại quen dùng kính lúp để soi mói cái sai của người khác. Dùng khuyết điểm của nửa kia để che dấu cho thiếu sót của bản thân mình chính là thói quen lừa dối bản thân mà không tự biết. Đúng sai về mặt hình thức nhiều khi là không quan trọng. Nếu bạn nhìn vào mặt tốt nhiều hơn, khen ngợi nhiều hơn, thì hôn nhân tự nhiên cũng hòa hợp và ấm áp.
4. Đừng xem nhẹ hôn nhân
Dù là văn hóa phương Đông hay phương Tây, hôn nhân đều mang một ý nghĩa thiêng liêng vô cùng
Trong cả văn hóa phương Đông lẫn phương Tây, hôn nhân đều rất được xem trọng. Ở phương Tây, khi vào nhà thờ làm lễ, người ta cầu xin Chúa trời chứng giám cho lứa đôi. Ở phương Đông, trong ba lần bái lạy nơi hôn lễ, thì bái đầu tiên chính là bái thiên địa, hàm ý xin trời đất chứng giám cho hôn nhân. Vậy nên hôn nhân còn mang ý nghĩa như một lời thề hẹn thiêng liêng, rằng cả hai sẽ luôn ở bên nhau, vượt qua gian nan không oán trách.
Đời người không như ý, cuộc sống vốn luôn có những lúc thăng trầm. Điều cần phải học được khi gặp khó khăn chính là đừng than vãn. Nếu trong lòng thật sự tức giận, thì chí ít cũng nên học cách nhẫn nhịn, tu khẩu. Tất nhiên, nếu nửa kia làm trái đạo nghĩa vợ chồng, vi phạm pháp luật, thì không nhất thiết là cứ phải nhẫn. Nhưng rất nhiều cuộc hôn nhân lại đổ vỡ vì những chuyện không đâu, những chuyện đáng nên nhẫn mà lại không được nhẫn.
Hãy nhớ, trong hôn nhân có một nét đẹp, gọi là tu khẩu.
Quang Minh (T/H)/Theo Trithucvn/GĐVN