Đăng bởi Marry Doe - 24/04/2013 | Lượt xem: 1471
Sau đám cưới hai bạn sẽ bắt đầu một cuộc sống mới, việc thống nhất nơi để xây dựng tổ ấm mới rất quan trọng, quyết định xem có sống chung với gia đình nhà chồng/vợ là một quyết định hệ trọng.
1. Túi tiền rủng rỉnh
Hai bạn đã có đủ tiền dành dụm để thuê hoặc mua nhà ở riêng hay chưa? Nếu mọi thứ chuẩn bị sẵn sàng, bạn có lý do để “từ chối” ở chung với gia đình chồng. Còn không, hãy chọn giải pháp ở lại nhà cha mẹ để dành dụm tiền cho tương lai.
2. Không gian riêng tư
Về phía gia đình, họ có sẵn lòng cho hai bạn ở chung hay không? Một số bậc cha mẹ vẫn muốn có một không gian riêng, và không thích sự xáo trộn từ “người mới”. Nếu có, ngôi nhà của gia đình có đủ một phòng riêng cho hai bạn? Và căn phòng ấy có đủ điều kiện để sinh hoạt hay không? Nếu những điều kiện này không thỏa, bạn nên cân nhắc khả năng ở chung.
3. Nhập gia tùy tục
Bạn và người ấy có xuất thân từ hai gia đình có lối sống, cách giáo dục, truyền thống khác nhau. Vì thế, giữa bạn và gia đình chồng/vợ mình có một khoảng cách nào đó. Bạn không thể hòa nhập và gần gũi với họ được dù đã biết “nhập gia tùy tục”. Họ cũng không thể thay đổi lối sống của họ vì bạn. Nếu được, ở riêng có lẽ sẽ tốt cho cả hai bên.
4. Trách nhiệm cao cả
Người Việt vẫn còn khá coi trọng chuyện lễ nghi. Thông thường, con trưởng sẽ phải nhận nhiệm vụ chăm sóc cha mẹ, tổ chức giỗ, lễ… Tuy nhiên, nếu bạn/chồng bạn là con thứ trong nhà, việc ra riêng sẽ dễ dàng hơn.
5. Chó chui gầm chạn?
Dân gian có câu “chó chui gầm chạn” để ám chỉ những người con trai phải đi ở rể nhà vợ. Ngày nay, quan điểm này không còn quá nặng nề. Thế nhưng, với một số người đàn ông mà “lòng tự trọng cao như núi” thì bạn cần chắc rằng hai bên đã thỏa thuận và chuẩn bị tinh thần cho việc sống chung này.
Khoa Lam
Ảnh: playtogetherstaytogether.com