Đám cưới thời xưa và nay có sự thay đổi về công nghệ, quan điểm trong tình yêu và cả nỗi lo kinh tế.
PGS. TS Huỳnh Văn Sơn - Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam - đã chia sẻ với PV sự khác nhau giữa đám cưới xưa - nay, giá trị nhân văn của tục lệ truyền thống và thông điệp ý nghĩa về tình yêu dành cho các bạn trẻ.
PGS. TS Huỳnh Văn Sơn - Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam.
"Mong chờ cuộc hôn nhân trở thành một điều đầy khao khát… Thế nhưng, không ít bạn trẻ sợ hãi vì muốn cưới với đầy đủ điều kiện kinh tế nức mắt, nức lòng. Cũng nhiều người cứ lần lựa mãi thành ra không cưới.
Cưới xưa, cưới nay được phân tích trong chừng mực không nhằm phê phán, mà quan trọng đem đến một thông điệp mới về hạnh phúc của con người, đặc biệt là giới trẻ" - PGS. TS Huỳnh Văn Sơn cho hay.
Đám cưới xưa
Cả ngõ rộn vang với tiếng hí hới của chị Ba, anh Tư, cô Năm... Đám cưới nhà anh Tư Xị hay đám cưới nhà con Vĩnh Nghi sắp đến rồi đấy. Bỏ qua những phân tích về lễ lộc ở những gia đình quá đòi hỏi, những sự rườm rà hay vinh danh tối thượng của ông Hương, bà Cả… Đám cưới xưa vui cả làng, là cái lễ, cái hội mang đậm sắc quê hương, tình người, giản dị mà đẹp lạ thường.
Ngày cưới, những năm 80-90 của thế kỷ trước, chén dĩa, bàn ghế vẫn còn được đi mượn của nhà nào đó khá giả trong xóm để đãi cả làng. Còn nếu không thì đi tập trung năm ba nhà cũng đủ chén dĩa để đãi… ba bốn đợt khách đông.
Cả xóm chọn ra, tin cậy vào một nhóm đi chợ - nấu bếp, làm món đã đằng cho cả đám cưới. Lúi húi gọi nhau để đi đốn cây đủng đỉnh ở bờ sông, lá dừa lợp, thắt hoa, kết công, kết phượng. Cây chuối được lột ra để bao mấy cây cột cho sáng mắt, sáng lòng. Vậy là cái rạp cưới đã xong, cái bụng có thể no để tụ cưới.
Nghi thức làm lễ ở đám cưới xưa. Ảnh: Vietbao.
Cô dâu - chú rể và cả hai đàng mới đáng quý làm sao. Cô dâu có mỗi chiếc áo dài duy nhất mặc cả tiệc, mà thương lắm khi có những gia đình khó khăn đành đi thuê áo dài để mặc cưới. Có nhiều khi không dám thuê, mượn đỡ áo dài của người chị đi trước để mặc. Nhưng cũng kiêng kỵ nhiều lắm nên nhiều đám dứt khoát phải có chiếc áo dài cưới dâu.
Chú rể và cô dâu cứ đơn giản đến lạ thường. Người nào ở xóm biết trang điểm thì đến làm thật sang bằng phấn bông lúa hay có khi cả thạch cao để trắng. Có cô dâu sáng vẫn còn ở dưới bếp để phụ việc, dù đêm chịu lạy gai tiên đã khóc sưng cả mắt.
Lễ lộc không cần phân tích thêm ở đây nhưng cái giản đơn thương lắm cho đám cưới xưa. Chú rể vượt cả chặng đường đi bộ để rước dâu. Nhiều khi đi cả đoạn đường sình lầy hay bụi đỏ đến mức chuyển áo trắng thành vàng. Trang phục của chú rể cũng mượn đỡ đây kia hay thuê mướn chẳng vừa nên nhìn cứ dễ thương đến tội.
Khung cảnh rước dâu trong đám cưới xưa. Ảnh: Tin247.
Tuyệt nhất là đám cưới bằng ghe đi trên sông. Không giống như thuyền hoa tuyệt vời trong bài hát mà chú rể lắm lúc cũng cùng chèo cho vui đến rước dâu về sớm. 3h đã chuẩn bị lục đục dưới sông để sáng 6h có thể về đúng giờ linh. Nhiều khi phải chèo đò từ 1h sáng…
Hình ảnh ngày nay còn lại của những đám cưới ngày xưa nói lên nhiều lắm. Đó là sự khó khăn của điều kiện kinh tế… nhưng vẫn chịu đầu tư lắm đấy. Một buồng cau kiểng quý lắm thay, một chiếc áo choàng hay mấn của cô dâu là tuyệt lắm khiến cả xóm mắt tròn mắt dẹt. Còn cả một đám cưới chụp được vài tấm trắng đen đã là nhớ đời. Tất cả đọng lại trên mắt, trong môi và sâu thẳm trong tâm trí của người trẻ về đám cưới xưa nhiều cái tình đến thế.
Đám cưới nay
Ngày nay, không ít bạn trẻ sợ việc làm dâu, phải sống chung với gia đình nhiều thế hệ, chia sẻ tình yêu thương theo kiểu đồng đường, không muốn mất khoảng trời tự do giữa hai người... nên sợ cưới.
Không dừng lại ở đó, nhiều cặp đôi còn bị áp lực và sự căng thẳng quá mức về chuẩn bị vốn cưới nên cũng chẳng đặng đừng. Đặt một tiệc cưới với số tiền không nhỏ, chuẩn bị cho cha mẹ hai họ xuất hiện cũng phải tươm tất với trang phục truyền thống, di chuyển từ quê lên thành phố, chuyện ăn ở như thế nào... Thế là nỗi sợ cưới ùa về.
Cũng cảm thông cho những cặp đôi quá khó khăn. Song với một số cặp đôi cũng kha khá nhưng vẫn không muốn cưới vì đợi đủ. Có đất đợi nhà, có nhà đợi xe, có xe cũ đợi xe mới và sau vài năm yêu nhau… cô dâu lại là người khác.
Đám cưới ngày nay tổ chức trang trọng và vấn đề kinh phí cũng được nhiều cặp đôi quan tâm. Ảnh: Kieuviet.
Song song với những sợ hãi là đỏi hỏi có nhà riêng sau khi cưới, nhất thiết phải mua được hai chiếc xe đẹp, có một mức lương bao nhiêu triệu hay một vị trí “sup - quản lý” trở lên mới làm đám cưới.
Còn đó là hàng loạt những sự đầu tư quá sức. Lắm lúc sự mâu thuẫn không đáng có lại bắt nguồn từ đòi hỏi quá phức tạp của đám cưới. Việc thống nhất ngày chụp ảnh hay người trang điểm đã làm cho tình yêu chênh vênh, hai người cảm thấy không thực sự hợp nhau. Rồi nhà hàng bên này gần anh, sao không gần em. Rồi món ăn này không hợp bên em, bên anh làm cho cả hai nhìn nhau bằng cái nhìn phán xét.
Chưa kể việc chỉ cần thấy anh ấy không dám chụp ảnh kiểu Hàn Quốc chu môi dễ làm cho cô dâu bảo anh chẳng hết lòng. Hay chiếc váy hở của em dễ làm cho anh mất lòng, khi mẹ mất dạ rằng em không kín đáo.
Đau lòng thay cho vài cặp đôi đã dồn hết tiền để làm ở nhà hàng sang trọng với sự đình đám cho cả thành phố biết tay… kết quả là ngay trong đêm tân hôn cãi nhau về số tiền phải bù lỗ. Đó là chưa kể việc tranh cãi suốt đêm nên đêm động phòng trở thành đêm dọn phòng khi mọi thứ quăng tứ tung. Thay vì tuần trăng mặt ngọt ngào, nhiều cặp đôi vì làm quá trong đám cưới nay biến thành sự vỡ mật cho cả hai người.
Nỗi đau cưới nay không phải được khoét sâu nhưng chính vì sự thiếu cân nhắc, kiểm soát và dung hòa đã làm cho có nhiều vụ dở cười dở khóc…
Người ta có thể cưới nhau khi đi thuê nhà để ở, có thể đưa đón nhau bằng một chiếc xe honda cà tàng sau cưới, có thể có đám cưới tập thể cùng với những cặp đôi khác trong niềm hoan hỉ của hai tâm hồn và thể xác, hạnh phúc vẫn tràn đầy.
Người trẻ có thể nhìn cưới xưa để xét những gì hợp với mình hay vừa với mình để làm. Chiếc xích lô của cha đón mẹ vẫn làm nên gia đình vàng hạnh phúc. Đám cưới xe lôi ở nhiều tỉnh thành vẫn cho ra những gia đình toàn vẹn đưa con đến giảng đường đại học nhờ vào sự dung hòa.
Mấy lá trầu vàng và quầy cau non không đúng ngày tháng vẫn làm cho ông bà ăn đời ở kiếp. Cái giản đơn đã thay bằng cái chấp nhận và điều chỉnh để dung hòa là thế. Không thể cảm tính khi bảo các cặp ông bà hay cha mẹ xưa hay nay hạnh phúc nhiều hơn trên bình diện số lượng và chất lượng, nhưng đó là những nét đẹp đến nao lòng và sâu thẳm tận trái tim.
Xem hình cưới của ông bà, cha mẹ ngày xưa của nhiều bạn trẻ ngày nay thật xúc động xiết bao. Không cần phải quay kim đồng hồ để lùi lại quá khứ. Nhưng trân trọng quá khứ để nhớ lại những gì sống đẹp của một thời khó khăn, đầy tấm lòng của ông bà cha mẹ cũng thật đáng.
Đó không chỉ là sự trân trọng quá khứ mà còn là sự biết ơn, nhìn nhận để bước tiếp trong một tiến trình phát triển. Thực sự với tiến trình phát triển của một con người, một tấm lòng, một nhân cách đáng trân trọng xiết bao. Lời cảm ơn từ những việc giản đơn từ phát hiện của các bạn trẻ cũng là nét đẹp tuyệt vời cần được phát huy nhiều hơn nữa.
Theo PGS.TS Huỳnh Văn Sơn / Zing