Thanh toán

“Cưới” mà không “xin”

Đăng bởi Marry Doe - 15/03/2012   |   Lượt xem: 761

Quyền lợi nhiều nhưng nghĩa vụ cũng không kém phần nặng nề cho những người bước vào cuộc sống gia đình. Nếu không chuẩn bị sẵn sàng cho vai trò mới thì mọi rủi ro có thể ập tới. Tìm cho mình một hạnh phúc thật khó, giữ làm sao cho mình luôn cảm thấy hạnh phúc còn khó hơn rất nhiều. 

Trăm mối tơ vò

Cưới như thế nào để đám cưới trở thành một kỷ niệm đẹp?. Cưới ở đâu để thuận tiện và vừa tầm với mình?. Một đám cưới hoành tráng để gia đình mở mặt mở mày với thiên hạ và mình cũng ngẩng cao đầu với bạn bè? Hay chỉ làm đơn giản nhưng ấm cúng và “liệu cơm gắp mắm”?. Có chừng đó thôi cũng đủ để cho hai người đang “đoàn kết” trở thành xích mích. Chị Loan ( Q3) chia sẻ: “Tuy nhà em không giàu có, nhưng em nghĩ thu vén thì bọn em cũng có thể đủ tiền để tổ chức ở Nhà hàng Sinh Đôi. Nhưng anh Tuấn không chịu. Anh ấy đã qua một lần đò nên anh ấy bảo: “Đơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ. Cưới hoành tráng quá nay mai không ở được với nhau lại ngại gặp mọi người”.  Làm sao mà em chịu được, em lấy chồng đàng hoàng, anh ấy đang độc thân mà em cũng chưa lấy chồng lần nào. Sao em không được làm cô dâu ấn tượng cơ chứ!” Thế rồi Tuấn và Loan không còn vui vẻ khi nói đến đám cưới. Thậm chí, Tuấn bảo: “Ý anh là vậy, còn em muốn làm gì thì làm”, khiến cho Loan cảm thấy khó chịu, có quyền quyết định nhưng người ta miễn cưỡng mình đâu có vui vẻ thoải mái gì.

“Sao em thấy oải quá chị ơi, không cưới thì không được, cưới xong không biết sẽ sao đây?”. Nói rồi Hạnh đặt bảng báo giá của nhà hàng đám cưới xuống bàn, mắt thẫn thờ mệt mỏi. Yêu nhau 3 năm, quyết định sẽ cưới nhưng khi bắt tay vào chuẩn bị mới thấy “trăm mối tơ vò”. “Vậy mà khi mới yêu, em cứ muốn cưới ngay đó chị!”, Hạnh cố giãi bày. Có nhiều người hân hoan, hăm hở với ngày lên xe hoa của mình, nhiều người có tâm trạng hụt hẫng và chán nản trước ngày cưới.

Hạnh từ quê Đồng Tháp lên thành phố làm việc và yêu Huấn. Yêu nhau 3 năm, nay quyết định cưới nhưng lại thấy băn khoăn. Huấn con một trong một gia đình tương đối khá giả. Huấn khăng khăng: “Từ nhỏ tới giờ anh sống cùng mẹ quen rồi, lấy nhau mình vẫn ở với mẹ”. Hạnh đã từng có cảm giác rất khó chịu khi chuyện gì anh cũng hỏi mẹ, mẹ quyết hộ anh. Kể cả chuyện cưới xin, tổ chức ở đâu, mời ai, sau khi cưới xong cả nhà đi chơi “tuần trăng mật” cũng do mẹ anh quyết. Mẹ Huấn là một người phụ nữ gốc Bắc, chu tất và rất cầu toàn. Cứ hình dung cưới xong sẽ về ở với mẹ anh, học tất cả những nghi lễ từ nhỏ tới to, Hạnh thấy sợ cuộc sống chung, sợ làm vợ, sợ làm dâu, sợ đủ thứ. Với Huấn, tất cả mọi chuyện “nhẹ như lông hồng” vì đã có mẹ. Chỉ có Hạnh là loay hoay với “tương lai sau khi cưới không mấy sáng sủa” của mình. Gần ngày cưới mà Hạnh thấy tâm trí mình vẫn còn ở đâu đâu. Không còn có cảm giác đón chờ, háo hức để làm vợ người mình yêu nữa.

Thanh ( Q. Bình Thạnh) đang còn hăm hở chuẩn bị làm chú rể thì bỗng thấy hụt hẫng và bồn chồn. Người yêu Thanh đang lên kế hoạch, sắp xếp “kinh phí” cho ngày cưới trong tháng 6 này. Sau khi lên dự toán, ước tính dự trù tiền mừng thấy hình như dư dư một chút, Thanh  muốn cưới xong hai vợ chồng đi Singapor một tuần. Nhưng Thúy bảo: “Đi chơi tốn kém, vàng đang xuống, mua vàng cất cho chắc. Nếu để vàng trong nhà nguy hiểm thì gửi tiết kiệm, lãi mẹ đẻ lãi con, góp gió thành bão. Từ nay hàng tháng anh cứ mang lương về cho em giữ. Để tiền trong túi đàn ông thì “không cánh mà bay”, nguy hiểm”. Nghe giọng cương quyết của Thúy, Thanh như chùng xuống. Vậy là từ đây, sẽ không còn cảnh “tiền mình mình tiêu” tự do thoải mái nữa. Cứ hình dung hằng ngày phải “ngửa tay xin tiền vợ” mà thấy cuộc sống ngột ngạt. Mới mấy hôm trước mình còn chế giễu mấy ông trong công ty, nay chính mình cũng sắp chui cổ vào tròng. Vậy là Thanh thấy “hết hứng” khi nghĩ đến cưới.

Đoàn ( Giáo viên quận Tân Bình) đang cùng người yêu đi siêu thị, nhìn thấy quầy đồ sơ sinh nên “buột miệng”: “Cưới xong, mình mần luôn một thằng cu cho chắc!”. Ai ngờ Uyên giãy nảy : “Anh lấy em về để yêu thương hay để làm “máy đẻ”?. Em còn bao nhiêu việc phải làm chứ ôm con mọn mà chết đói à. Em chẳng dại, em thì thức đêm thức hôm với con, luộm thuộm và xấu xí. Anh rảnh rang lại lỉnh đi với cô khác.” Vậy là hai đứa giận nhau, không còn hào hứng với cưới xin nữa.

Cân bằng tâm lý, đồng lòng sẽ vượt qua

Mỗi người sẽ có một dự định, một kế hoạch và có những tâm trạng khác nhau khi ngày cưới tới gần. Càng gần với ngày trọng đại thì càng dễ phát sinh nhiều mâu thuẫn. Phần vì nhiều việc phải lo, phần vì hồi hộp cho cuộc sống mới, thậm chí đôi lúc còn đắn đo không biết đúng hay sai khi quyết định nên cả hai đều căng thẳng. Mâu thuẫn với người yêu vì không được thực hiện mọi kế hoạch như mình mong muốn. Khó khăn để đàm phán với những người trong gia đình vì “chín người mười ý” nên dễ “đẽo cày giữa đường”.  Băn khoăn nhất vẫn là mình mâu thuẫn với chính mình. Vừa muốn có một gia đình cho yên bề gia thất nhưng lại sợ mất tự do, quyền tự quyết.

Khi đã quyết định chấm dứt giai đoạn độc thân và bước vào cuộc sống gia đình, mỗi người sẽ phải chấp nhận sống cho mình và sống cho “nửa của mình” còn lại. Cho dù sẽ có rất nhiều bất đồng khi bước vào cuộc sống chung nhưng đồng lòng thì mọi việc sẽ ổn thỏa. Thử thách đầu tiên cho mỗi người là thời gian chuẩn bị cho ngày lễ cưới của mình. Ai cũng có những lo toan, những băn khoăn, trăn trở và thậm chí quyết tâm giữ khư khư ý kiến của mình. Ai cũng lâng lâng, hồi hộp, háo hức khi được làm cô dâu chú rể. Đám cưới sẽ là kỷ niệm đẹp không bao giờ quên trong cuộc hôn nhân bình yên của mình. Chỉ cần biết đàm phán, biết lắng nghe, thông cảm và biết nhường nhau là có thể yên tâm dắt tay nhau vào ngôi nhà mới và hạnh phúc.

Chuyên viên tâm lý Võ Thị Minh Huệ

Bình luận

Viết Đánh Giá

Chưa có bình luận nào