Đăng bởi Marry Doe - 14/11/2017 | Lượt xem: 1048
Trong đời sống tinh thần của người Việt, lễ cưới là một việc hệ trọng trong cuộc đời mỗi người. Nghi lễ đám cưới mang đậm phong vị dân tộc, được tổ chức khác nhau tùy theo từng vùng, miền, là phong tục tập quán đặc trưng nhất của dân tộc. Ngày nay, tuy có nhiểu thay đổi theo đà phát triển hiện đại của xã hội nhưng những lễ nghi truyền thống vẫn đóng vai trò chủ đạo trong đám cưới của người Kinh.
Trong hôn nhân, người Việt thường dùng từ “giá thú” để chỉ việc kết hôn, gọi tắt là đám cưới. Đầu thế kỷ XX, trên giấy tờ chứng minh hai người kết hôn thường dùng từ Giá thú. Còn ngày nay, Việt Nam dùng từ Giấy chứng nhận kết hôn. Người Việt quan niệm cưới xin là một trong ba việc lớn của đời người: “tậu trâu, cưới vợ, làm nhà”. Cũng theo quan niệm xưa, người ta lấy tuổi người con gái để chọn năm cưới. Năm tuổi là những năm thuộc Kim lâu: 1, 3, 6, 8 thì không được cưới. Hôn nhân của người Việt xưa ở miền Bắc có sáu lễ chính, đó là Lễ nạp thái (kén chọn); Lễ vấn danh, Lễ nạp cát, Lễ thỉnh kỳ, Lễ nạp tệ, Lễ thân nghinh (tức lễ rước dâu hay lễ cưới). Tuy nhiên, ngày nay, các nghi lễ đã có phần giản tiện đi rất nhiều, chỉ gồm ba lễ: lễ dạm ngõ, lễ ăn hỏi và lễ cưới. Lễ dạm ngõ (chạm ngõ) là buổi gặp gỡ giữa hai gia đình nhằm chính thức hóa quan hệ hôn nhân của hai gia đình. Nhà trai đến nhà gái đặt vấn đề chính thức cho đôi nam nữ được tìm hiểu nhau một cách kỹ càng hơn trước khi đi đến quyết định hôn nhân. Chị Vũ Thị Thanh Tâm, chuyên viên nghiên cứu sưu tầm văn hóa Việt Nam, Bảo tàng dân tộc học Việt Nam, cho biết: “Thông qua lễ này, hai gia đình được biết cụ thể về gia cảnh, gia phong của nhau hơn. Từ đó dẫn đến việc quyết định tiến hành tổ chức hôn lễ cho đôi trai gái hay không. Lễ vật của lễ chạm ngõ đơn giản, chỉ có trầu cau. Hiện nay, ngoài trầu cau thì tùy từng gia đình, có gia đình mang thêm giỏ hoa quả hoặc rượu, chè, bánh kẹo… với số lượng nhỏ. Từ chạm ngõ đến ăn hỏi không có thời hạn nhất định. Có khi là 3 tháng, có khi là cả năm”.
Đồ lễ dạm ngõ, ăn hỏi và đám cưới của người Việt thường có chữ 'Hỷ' đỏ để thể hiện sự hạnh phúc
Sau lễ dạm ngõ là lễ ăn hỏi. Các sính lễ của lễ ăn hỏi phải được chu biện theo yêu cầu của nhà gái, thông thường gồm có: trầu cau, rượu, chè, hạt mứt sen, bánh… tùy theo từng địa phương.
Đoàn nhà trai thường là bố mẹ và đại diện họ hàng mang sính lễ sang nhà gái. Người ta đặt lễ vật vào trong các quả do các chàng trai chưa vợ bê, để khi đến nhà gái, các cô gái chưa chồng sẽ đón lễ. Trong buổi lễ ăn hỏi, hai nhà nói chuyện về việc định ngày giờ rước dâu và những việc cần phải làm trong đám cưới sao cho hài hòa. “Trong lễ ăn hỏi, các lễ vật được thắp hương tại bàn thờ nhà gái. Sau đó, một phần lễ vật sẽ được nhà gái lại quả cho nhà trai Số lễ còn lại, nhà gái chia nhỏ thành từng phần, thường gồm một lá trầu, một quả cau, một gói chè nhỏ, vài hạt mứt, một chiếc bánh… tùy theo lễ của nhà trai, rồi mang phần đó cùng thiếp báo hỉ đến mời cưới họ hàng, bạn hữu của nhà gái. Còn nhà trai cũng báo hỉ nhưng không cần lễ vật này mà chỉ cần có thiếp là đủ.
Đoàn nhà trai trong lễ ăn hỏi ở một vùng quê
Sau lễ ăn hỏi là lễ cưới, gồm có các bước như lễ xin dâu và lễ rước dâu. Trước giờ đón dâu, nhà trai sẽ cử người người đem trầu, rượu đến xin dâu, báo đoàn đón dâu sắp đến rồi sau đó là lễ rước dâu. Trong lễ rước dâu, dẫn đầu đoàn thường là người lớn tuổi, có uy tín trong gia đình nhà trai. Khi tới nhà gái, cô dâu và chú rể thắp hương trước bàn thờ, trình với tổ tiên. Sau đó hai người cùng bưng trầu ra mời họ hàng. Khi về đến nhà chồng, cô dâu, chú rể cũng sẽ thắp hương tại bàn thờ gia tiên. Một nghi lễ luôn được coi trọng trong phòng tân hôn của cô dâu chú rể là nghi lễ trải giường chiếu. Với mong muốn đôi vợ chồng mới cưới sống hạnh phúc đến đầu bạc răng long, đông con nhiều cháu, người ta thường nhờ người trải chiếu trong phòng cưới. Người trải giường chiếu thường là người làm mối hoặc bà mẹ chồng, hoặc một người cao tuổi khác… Những người này đông con nhiều cháu, phúc hậu, hiền từ. Tục này hiện vẫn được coi trọng, nhất là ở nông thôn.
Lễ cưới ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long về cơ bản cũng như ở nvùng Đồng bằng Bắc bộ nhưng nghi lễ rườm rà hơn, trình tự của nghi lễ diễn ra mất nhiều thời gian hơn. Đoàn đi đón dâu như đám cưới ngoài Bắc sẽ có những người già như ông, bà của chú rể, bố mẹ nhưng ở trong vùng đồng bằng sông Cửu Long bắt buộc phải có ông đại diện cho dòng họ gọi là trưởng tộc dẫn đầu và sau đó là đến ông mai. Ngoài chú rể có phù rể, những người bê đồ lễ. Sau đó mới đến ông, bà, bố mẹ rồi họ hàng. Khi đi, mọi người cũng đi theo trình tự. Đoàn đi xin dâu đi trước và bao giờ cũng phải đi chẵn vì kiêng số lẻ. Người ta quan niệm đi theo số chẵn như thế là có đôi, có lứa. Chị Võ Mai Phương, chuyên viên nghiên cứu văn hóa Việt Nam, Bảo tàng dân tộc học Việt Nam, cho biết: “Quy trình đón dâu ở vùng đồng bằng sông Cửu Long giống với đám cưới người Việt ở Bắc Bộ. Cô dâu chú rể cũng phải thắp hương, xin phép ông bà tổ tiên, chú rể cũng phải xin phép để đưa cô dâu về nhà trai. Khi về bên nhà trai, cô dâu chú rể cũng phải làm những nghi thức lạy tổ tiên. Tuy nhiên, ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, có một quy tắc là khi ngồi trên xuồng hay đang đi dọc đường thì bao giờ chú rể cũng phải nắm tay cô dâu và phải nắm suốt một chặng đường như thế, không được bỏ ra. Người ta kiêng việc bỏ ra và có những vật cản như có người đi tới và rẽ đôi cô dâu chú rể ra 2 bên. Trong hoàn cảnh nào thì cô dâu chú rể luôn phải nắm tay nhau, nắm tay nhau về đến nhà trai. Khi về đến nhà trai, cô dâu chú rể cũng ra chào, mời rượu. Các nghi thức đấy cũng giống như người Việt ở ngoài Bắc”.
Cô dâu, chú rể mời rượu, bày tỏ lòng biết ơn các bậc sinh thành
Lễ lại mặt ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long thường diễn ra sau 3 ngày sau đám cưới giống miền Bắc nhưng trong vùng đồng bằng sông Cửu Long thì không gọi là lễ lại mặt mà gọi là lễ phản bái. Một lễ vật bắt buộc mang sang nhà gái không phải là gà như ở ngoài Bắc mà là một đôi vịt tượng trưng cho đôi chim nhạn không lìa xa nhau. Một điểm khác biệt nữa giữa đám cưới giữa hai miền là lễ vật đưa sang nhà gái. Theo chị Võ Mai Phương: “Ở miền Bắc, việc có trầu cau rất quan trọng. Ở trong miền Nam, trầu cau cũng có trong lễ hỏi, lễ cưới nhưng nó không như ở trong ngoài Bắc thì lễ vật là cả một buồng cau rất đẹp thì ở trong Nam có khi chỉ là một chùm cau nhỏ. Trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, lễ vật trong đám cưới bắt buộc phải có đôi nến trang trí rất đẹp còn những lễ vật khác như rượu, chè, thuốc cũng giống như ngoài Bắc”.
Hôn lễ ngày nay của người Kinh tuy đơn giản hơn ngày xưa nhưng vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống. Tùy từng địa phương, hoàn cảnh gia đình mà đám cưới được tổ chức theo những cách thức khác nhau. Tuy nhiên, đây vẫn luôn là khoảnh khắc quan trọng, đáng nhớ nhất trong cuộc đời mỗi con người./.
Theo vovworld