Cô dâu là người làm trong lĩnh vực cưới và đã có nhiều năm kinh nghiệm. Để chuẩn bị cho ngày trọng đại của mình, cô nàng đã tốn không ít chất xám cũng như thời gian và công sức chuẩn bị cho một đám cưới đặc biệt nhất. Hôn lễ chỉ có 50 khách tham dự nhưng không kém phần ấm cúng mà còn tràn ngập nước mắt cũng như cảm xúc của tất cả mọi người.
Đám cưới luôn là dịp để người ta thể hiện dấu ấn cá nhân của riêng mình. Bởi đa số mọi người cả đời chỉ có duy nhất một lần bước vào lễ đường đánh dấu bước ngoặt to lớn trong cuộc đời của họ. Vì thế, ai mà chẳng muốn nó được chỉn chu, đẹp đẽ và gây ấn tượng sâu sắc nhất.
Mới đây, bộ ảnh chụp trong đám cưới tại Đà Lạt của một cô dâu người Sài Gòn đã khiến dân tình xôn xao chú ý trên mạng xã hội.
Lễ thành hôn tổ chức chẳng phải tổ chức ở nhà hay khách sạn như chúng ta vẫn thường thấy. Ở đây, cô dâu Thanh Xuân đã chọn một khu rừng thông ở Đà Lạt để tổ chức hôn lễ cho mình.
Bộ ảnh với 57 bức ghi lại từng diễn biến của đám cưới đã khiến nhiều người phải xuýt xoa, khen ngợi. Mọi thứ thật đặc biệt, được chuẩn bị tỉ mỉ, chỉn chu từ những chi tiết nhỏ nhất.
Hôn lễ của cô dâu "nhà nghề"
Cặp đôi dâu rể trong câu chuyện trên chính là Xuân và Hiếu. Công việc của Xuân là lên kế hoạch và tổ chức các đám cưới. Dù đã từng chứng kiến và "nhúng tay" vào hàng loạt hôn lễ trước đó nhưng với Xuân, làm thế nào để ngày trọng đại của mình được đặc biệt nhất cũng là cả một vấn đề không dễ chút nào.
Xuân kể: "Khi bắt đầu tìm hiểu về ngành cưới và chứng kiến nhiều đám cưới diễn ra, mình đã luôn mơ ước được làm đám cưới trong một khu rừng, chỉ có gia đình và bạn bè thân thiết tham dự. Qua nhiều ngày tìm kiếm, cuối cùng bọn mình chọn Đà Lạt để tổ chức - cũng là nơi anh Hiếu cầu hôn mình. Tính cả cô dâu chú rể thì chỉ có 50 người tham dự, đó đều là người trong gia đình và bạn bè thân thiết".
Để chuẩn bị mọi thứ thật hoàn hảo cho hôn lễ này, vợ chồng Xuân đã mất tận 8 tháng trời.. Cô chọn loại hình Destination Wedding (đám cưới kết hợp du lịch nghỉ dưỡng) nên trước tiên phải chọn được địa điểm thích hợp. Sau đó cặp đôi mới lên ý tưởng về lễ cưới, in ấn thiệp mời và các hoạt động quan trọng khác như sắp xếp đặt vé máy bay, khách sạn cho tất cả khách mời tham dự.
Sự ủng hộ của gia đình và bạn bè
Cũng vì là chuyên môn của mình mà Xuân biết rõ công việc nào nên chuẩn bị trước, nhà cung cấp nào sẽ phù hợp và cách khiến mọi người tới dự thấy thoải mái, vui vẻ nhất. Thế nhưng cô dâu cũng thú nhận rằng vì sự cầu toàn của mình mà không ít lúc gặp phải căng thẳng và stress.
"May mắn lớn nhất của mình chính là có anh Hiếu và bạn bè ở bên cạnh đồng hành, ủng hộ và giúp đỡ nhiệt tình nên mọi thứ diễn ra thật trơn tru và hoàn hảo", Xuân chia sẻ.
Trong văn hóa Việt Nam, đám cưới là dịp để mời khách. Không chỉ khách khứa của con cái mà còn của ba mẹ nữa. Khi Xuân và Hiếu muốn được tổ chức lễ thành hôn ấm cúng với chỉ 50 người tham gia. Chắc hẳn rất nhiều người cũng tò mò về thái độ của "phụ huynh" hai bên.
Xuân thoải mái kể: "May mắn bố mẹ của tụi mình đều khá thoải mái và đồng ý luôn khi hai vợ chồng đề xuất việc tổ chức đám cưới ở Đà Lạt. Dĩ nhiên là sau đám cưới ấy thì bọn mình cũng có một lễ cưới khác mời đầy đủ họ hàng, làng xóm. Tuy vậy, vì đám cưới ở Đà Lạt được tổ chức trước nên tất cả cảm xúc đều được giữ nguyên".
Hôn lễ không ảnh cưới và thật nhiều nước mắt
Có một điều đặc biệt trong đám cưới của Hiếu và Xuân đó chính là họ không hề chụp ảnh cưới trước.
Cô dâu trẻ lý giải rằng bởi khi yêu hai vợ chồng đã cùng đi du lịch nhiều nơi nên đã có rất nhiều hình ảnh đẹp để lưu giữ. Họ cũng đã chọn lựa và in thành một cuốn album để ghi lại các kỷ niệm. Tuy nhiên, vì muốn khiến cho khoảnh khắc chú rể lần đầu thấy cô dâu mặc váy cưới thật sự xúc động và chân thực nhất, họ đã quyết định không chụp ảnh cưới trước.
Xuân kể: "Dù đã làm đám cưới cho nhiều người nhưng khi chính mình khoác lên bộ váy cô dâu thì mọi cảm xúc thật sự xúc động và vỡ òa. Khi mình từ xa bước vào anh Hiếu đã rơm rớm nước mắt, mình thì hồi hộp lắm. Khi ấy mình thấy anh Hiếu đẹp trai hơn bội phần vì hình ảnh đó khác hẳn anh chàng IT ở bên mình bấy lâu".
Trong đám cưới hôm đó không phải mỗi chú rể Hiếu khóc mà bố của Xuân, bản thân Xuân lẫn những người bạn của cô cũng nhiều lần rưng rưng nước mắt vì xúc động.
Những khoảnh khắc cảm động trong đám cưới
"
Mình nhớ nhất cảm giác khoác tay bố bước vào rừng thông. Tất cả mọi người đều đổ dồn ánh mắt về hai bố con. Trên nền nhạc live do một người bạn hát bài hát yêu thích của tụi mình, tim mình đập rộn ràng hơn bao giờ hết. Cuối cùng mơ ước làm đám cưới ở một cánh rừng cùng với người mình thương cũng đã thành hiện thực.
Ngày hôm đó bọn mình có rất nhiều khoảnh khắc khóc cười cùng nhau mà mình không kể hết: khách mời khóc khi mình bước vào, khi tụi mình đọc những lời yêu thương dành cho nhau, lúc bạn bè mình lên chia sẻ về cô dâu chú rể trong lúc ăn tiệc...", Xuân tâm sự.
Mỗi một cô gái đều có ước mong về ngày cưới của chính mình. Và với Xuân, cô đã thỏa ước nguyện cùng chàng trai mình yêu thương tổ chức một buổi lễ thành hôn trong rừng thông với khung cảnh đẹp như phim. Đó là hôn lễ đặc biệt nhất và cũng nhiều cảm xúc nhất cho chính cô dâu chú rể, họ hàng hai bên gia đình và cả bạn bè thân thiết nhất của hai người.
Sau đám cưới, bố mẹ Xuân đã hiểu hơn về ngành nghề con gái theo đuổi. Những người khách cảm thấy lễ thành hôn như thế này thực sự thú vị và ý nghĩa. Đặc biệt hơn cả, có hai người bạn của Xuân từ nước Nhật xa xôi cũng cố gắng bay về tham dự lễ cưới. Họ cũng bật khóc lúc cô dâu chú rể đọc vow (lời thề nguyện) trong hôn lễ. Tất cả những tình cảm đó khiến Xuân trân trọng và xúc động vô cùng.
Theo Phụ nữ Việt Nam
Xem thêm: Video: Đám cưới ‘đặc biệt’ giữa mùa dịch, khách phải xếp hàng chờ đo thân nhiệt