Đăng bởi Marry Doe - 03/05/2012 | Lượt xem: 1115
Trao quà, trao của hồi môn, thủ tục cưới xin là những lễ nghi, hình thức thường thấy trong lễ cưới. Nhưng nếu vì một số lý do tế nhị, đặc biệt nào đó thì cũng có thể giản lược, hoặc bỏ. Bài viết như một lời tâm tình sau đây của chuyên viên tâm lý Võ Thị Minh Huệ có thể sẽ giúp ích được cho các cô dâu, chú rể đang phân vân giữa giữ hay bỏ những nghi lễ, thủ tục cưới xin.
3 năm chưa trả hết nợ
Đám cưới là một sự kiện trọng đại trong cuộc đời mỗi người. Cô dâu lộng lẫy và kiêu sa trong bộ váy cưới trắng tinh khiết, chú rể nghiêm trang và mạnh mẽ trong bộ vest như hứa
hẹn với mọi người về vai trò mới của mình. Nhiều người đã nhớ lại ngày cưới như một kỷ niệm đẹp, một sự trọn vẹn, hài lòng. Nhưng cũng có nhiều người vì những sự cố đáng tiếc mà mãi buồn buồn, day dứt. Có thể chọn cho mình một đám cưới “giống như bao đám cưới của mọi người”, cũng có thể chọn cho mình một đám cưới thật ấn tượng, thật cầu kỳ, lạ lẫm hay đơn giản và mộc mạc. Cho dù chọn cách tổ chức đám cưới theo hình thức như thế nào, thì cô dâu chú rể vẫn cần nhớ là làm sao để cho mình cảm thấy tràn trề hạnh phúc trong và sau ngày cưới.
Chị Thân (Bình Dương) không thể nào quên được sự cố trong ngày cưới của mình. Vì sợ bị chê “không môn đăng hộ đối” nên chị không cho anh Tiến biết rõ hoàn cảnh của gia đình. Mẹ chị cũng sợ rằng người ta biết mình nghèo, không muốn hổ thẹn với thông gia và
không muốn hổ thẹn với cả họ hàng, cô dì chú bác, anh chị em của mình, nên cứ nằng nặc là trong ngày cưới sẽ tự tay tặng một dây chuyền vàng để làm của hồi môn cho chị. Trong khi hai họ đang hân hoan cụng ly chúc mừng hạnh phúc của đôi uyên ương, thì mẹ cuống quýt đi tìm người chị họ của mẹ. Khi cô MC giới thiệu tới phần mẹ trao cho con gái món quà nhân ngày con gái về nhà chồng. Mẹ hốt hoảng vì người chị họ có việc đột xuất nên không tới kịp. Mẹ đứng đó, nước mắt tuôn dàn dụa. Lúc này chị mới biết rằng mẹ chị định mượn chiếc dây chuyền của chị họ để làm “thủ tục” trao cho con gái. Mẹ không muốn con gái bị tủi thân, vừa để mát mặt trong ngày cưới của con gái mình. Nhưng tình thế đã đảo ngược hoàn toàn, lúc này mẹ khóc và chị cũng khóc. Chị vẫn nhớ như in thái độ sững sờ của nhà trai, của chú rể, của hai họ và bạn bè trong giây phút lúng túng đó. Tim chị nhói đau vì thương mẹ, vì trách mẹ, vì tủi hổ cho cái nghèo của nhà mình. Cho đến bây giờ, mỗi lần trong nhà nhắc đến những điều liên quan đến sự giàu nghèo, đến đám cưới, đến của hồi môn, thậm chí nhắc đến giá vàng cũng khiến cho chị Thân chạnh lòng, khó chịu. Chị vẫn cố né tránh khi hai vợ chồng nhắc về ngày cưới, đến ảnh cưới chị cũng chẳng muốn treo trong nhà.
Nếu gia đình bạn còn khó khăn thì tại sao lại phải câu nệ chuyện trao của hồi môn?
Anh Hưng (nhân viên hành chính quận Tân Bình) vẫn còn “đeo” một món nợ đã 3 năm. Hai vợ chồng anh do “một chốn ba nơi” nên ngày cưới hết về quê vợ ở tận Cà Mau, về quê anh tận Bắc Giang, rồi lại vào TP.HCM làm đám cưới cùng bạn bè và đồng nghiệp. Vì nhà anh cách nhà vợ hàng ngàn cây số nên anh muốn “đơn giản hóa” mọi thủ tục, muốn ăn hỏi và cưới luôn một lần cho đỡ tốn kém tiền đi lại. nhưng bố anh không chịu. Bố anh sợ người ta đánh giá thấp điều kiện kinh tế nhà mình. Rồi còn sợ con trai trưởng lấy vợ mà không tổ chức chu đáo, người ta chê trách. Thế là cả gia đình, chú bác, tổng cộng đến gần 20 người từ Bắc Giang “vượt muôn trùng” bằng máy bay, thuê xe hơi đi xuống nhà thông gia để làm lễ hỏi vợ cho con trai. Chỉ riêng tiền vé máy bay xe cộ đi về cho “đại diện nhà trai” đã ngót nghét mấy chục triệu đồng. Một tháng sau lại kéo nhau vào lần thứ 2 để ăn cưới. Cưới xong mấy năm mà hai vợ chồng còn chưa quên được cảm giác “chạy show” như con thoi của hai gia đình, chưa trả được món nợ do tư tưởng tổ chức đám cưới rình rang, đủ lễ nghi để “đẹp mặt” gia đình.
Khéo gói ghém cho đám cưới ấm cúng
Ai cũng mong có một đám cưới vẹn tròn, ai cũng sợ có sơ suất và người tham dự không hài lòng, đánh giá. Để đám cưới là một ngày vui, là một kỷ niệm đẹp, gia đình và đôi uyên
ương cần chuẩn bị thật cẩn thận và chu đáo cho sự kiện trọng đại này. Không cần phải cầu toàn và hoành tráng, chỉ cần biết “liệu cơm gắp mắm”, khéo gói ghém là sẽ có một đám cưới ấm cúng và ấn tượng. Có nhiều thủ tục đám cưới theo truyền thống thật đẹp và thật ý nghĩa. Nhưng cũng có những vùng miền thủ tục cưới xin hơi rườm rà. Có nhiều nơi phải làm đủ ba bò chín trâu, có nơi tập tục thách cưới như thách đố mọi người. Có nhiều nơi ăn uống linh đình ba ngày ba đêm khiến cho sức khỏe của chủ gia và khách đếu “đuối”. Nhiều khi vì những thủ tục không cần thiết mà đám cưới lại trở thành không đủ.
Hạnh phúc là sự thấu hiểu, yêu thương thật lòng
Không cần phải cố quá sức chỉ để cho bằng mọi người. Không cần thực hiện một cách máy móc những thủ tục mà hoàn cảnh của mình không phù hợp. Đám cưới có thể tiến hành đơn giản nhưng ấm áp. Đám cưới có thể không tốn kém, không hoang phí mà mọi người vẫn cảm thấy hân hoan, nhẹ nhõm khi đến chúc mừng hạnh phúc của hai vợ chồng và gia đình. Đám cưới trọn vẹn là đám cưới vui, cô dâu chú rể và gia đình đều có cảm giác thoải mái và nhớ mãi trong lòng. Để ngày cưới như một kỷ niệm đẹp nhất của đời mình, chọn làm sao để mọi thủ tục hợp với hoàn cảnh của mình, vừa đầy vừa đủ.
Chuyên
gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ
Ảnh minh họa: Internet