Thanh toán

Đám cưới ngày nay "thương mại hóa" quá?

Đăng bởi Marry Doe - 08/11/2010   |   Lượt xem: 3829

Đám cưới ngày xưa là sự bẽn lẽn của cô dâu mới và những giọt mồ hôi đẫm lưng của chú rể vì hồi hộp, căng thẳng. Còn đám cưới bây giờ lạ lẫm và khác hơn trong trí nhớ của “người xưa” nhiều lắm.

Tính từ năm 1990 tới nay, đám của người Việt đã nhiều phần đổi khác. Từ trang phục đến cách tổ chức đều có sự phong phú và đa dạng hơn xưa. Có thể nói nhìn vào lịch sử của những tiệc cưới xưa và nay có thể thấy được sự thay đổi về kinh tế, văn hóa, xã hội qua từng thời kỳ. Đám cưới ngày xưa là sự bẽn lẽn của cô dâu mới và những giọt mồ hôi đẫm lưng của chú rể vì hồi hộp, căng thẳng. Còn đám cưới bây giờ lạ lẫm và khác hơn trong trí nhớ của “người xưa” nhiều lắm.
Đám cưới ngày nay "thương mại hóa" quá?
Từ một “comment” trên Facebook của Marry:
Đám cưới ngày xưa tuy đơn sơ nhưng ấm cúng, không rườm rà, mọi người đến chung vui chúc mừng cho tân lang-tân nương hạnh phúc là chính. Đám cưới ngày nay đẹp hơn, hòanh tráng hơn nhưng "công nghệ" quá nhiều, không còn giữ được tự nhiên, mọi người đi "ăn" cưới là chính.” – Xì Trum. 
Đám cưới ngày xưa vui và đầm ấm
Trong trí nhớ của người dân Việt Nam, thì đám cưới thời xưa tuy là vào giai đoạn thời chiến và bao cấp thế nhưng vẫn vui và đầm ấm. Ít người để ý, nhưng vẫn có thể dễ dàng nhận thấy rằng nếu đem so những bức ảnh cưới xưa và nay thì CD-CR trong những tấm hình cũ rất khó nhận ra nếu họ đứng chung với bạn bè. Thời ấy, CD-CR vẫn chưa biết “làm đẹp” như bây giờ. Họ chỉ đơn giản là lấy nhau, trang phục cưới có thể là một tấm áo dài trắng được cắt may đơn giản hoặc thậm chí là quân phục ở thời chiến. Cô dâu chú rể thường “có gì mặc nấy”, có người mặc quân phục, kèm thêm vài bông lay-ơn, loại hoa cưới thông dụng nhất bấy giờ.
CD-CR không tính toán lời lỗ. Phong bì có hay không cũng không quan trọng. Qùa mừng phần lớn là những vật dụng cần thiết cho một gia đình trẻ: nồi xoong, phích, chăn màn, chậu nhôm, vải vóc… Gia đình họ hàng thì gửi quà mừng, luôn luôn là trước ngày cưới. Tới bây giờ vẫn có những người giữ lại chiếc nồi nhôm, “quà tặng” ngày cưới khi ấy như một vật kỷ niệm đầy xúc động. Đám cưới ngày ấy đúng nghĩa của từ “chung vui”. Hàng xóm và cả làng đều “bận rộn”. Nhất là ở khâu cỗ cưới, gia đình tự làm nhưng tất cả bà con đều quây lại giúp đỡ.
"Ngày xưa cô bác họ hàng có mặt trước cả 3-4 ngày, nhà vui như hội nào là: mấy anh mấy chú chặt lá dừa dựng rạp, mấy cô dì tất bật mổ gà lợn nấu nướng, mấy đứa trẻ con chạy loanh quanh tranh nhau nhặt pháo. Chỉ làm đơn sơ tại nhà với bà con họ hàng thân thiết. Ai cũng vui vẻ có mặt phụ đám cưới. KiKi Quyen.
Đám cưới ngày xưa nặng tính truyền thống và phong tục là thế nhưng vẫn giữ được ý nghĩa sâu sắc của ngày cưới. Đó là CD-CR đã nên duyên vợ chồng, không gì có thể hạnh phúc hơn.
Đám cưới ngày nay "thương mại hóa" quá?
Đám cưới ngày nay đã hết “vui”?
Ngày nay đời sống và nhu cầu của con người rõ ràng đã cao hơn trước rất nhiều lần. Đám cưới do vậy cũng được nâng tầm hơn. Thế nhưng, ý nghĩa của đám cưới ngày nay đang dần dần bị thay thế.
Thứ nhất, ở tấm lòng. Người đi dự tiệc cưới mấy ai thực sự là chung vui cùng CD-CR? Lỗi ở người mời và cũng lỗi ở người dự. Ngừơi mời thấy ngại nên cứ mời cho đông, người dự thấy thiệp không đi không được. Tiền mừng cũng không còn ở đúng cái nghĩa đen của nó nữa. Nói một cách hết sức thực tế, việc này biến tiệc cưới thành một “công nghệ” đãi tiệc hơn là một bữa tiệc chung vui cùng CD-CR.
"Đám cưới ngày xưa: - Hàng xóm: thằng A với nhỏ B sắp cưới đấy, phải chuẩn bị cho nó đôi gà để làm quà cho chúng nó. Đám cưới ngày nay: - Hàng xóm: thằng A với nhỏ B sắp cưới rồi, lại có dịp ăn diện và ăn chùa đây, phong bì bỏ bao nhiêu chả đượ...c. Mà vợ nó là con nào nhỉ? - Cá Trứng Chíp-Mân.
Sự thực là, không ai so đo tính toán về việc “mời” và “dự” như mọi người vẫn đang tự cho là vậy. Người được mời nếu không đi được vẫn có thể nhắn một cái tin chúc phúc, một vài dòng email hồi đáp về lý do bận rộn của mình. Thậm chí, một tiệc cưới quá đông, CD-CR cũng không nhớ hết. Thậm chí, CD-CR còn cảm thấy “biết ơn” vì người dự đã hồi đáp lại cho mình. Trong tâm trạng lo lắng và bận rộn, còn có thể buồn vì một hoặc hai ngườibạn mình không tới được nhưng đã báo? Và CD-CR có thể bằng cách này hay cách khác “báo hỉ” tới cho mọi người. Đừng vì cách nghĩ của mình mà biến tiệc cưới thành sự e ngại của chính những vị khách dự tiệc.
"Phong bì, có 1 cái phong bì. Đám cưới bi giờ thực dụng quá. Không dám cưới vợ lun ToT." - Trần Nhân Nghĩa.
Thứ hai, ở lối nghĩ. CD-CR ngày bị áp lực nhiều quá. Áp lực của xã hội và áp lực của một nếp cưới đã ăn sâu vào lối sống hiện đại. CD-CR không còn được cưới cho riêng mình nữa mà phải cưới cho cả gia đình, họ hàng, bạn bè… cả những người không quen biết. CD-CR dù muốn dù không cũng phải làm vừa ý tất cả mọi người, nhất là khi gia đình của cô dâu, hoặc của chú rể rất trọng “sĩ diện”. Từ khâu tổ chức đến việc mặc gì ngày hôm ấy vẫn phải so đo tính toán xem đã vừa lòng người này hay người kia chưa.
Đám cưới ngày nay "thương mại hóa" quá?
Thực sự vẫn có những tiệc cưới “hiện đại” và “đẹp”
Đẹp ở đây là đẹp lẫn cách tổ chức lẫn ý nghĩa của tiệc cưới. Vẫn có những bữa tiệc sang trọng nhưng được CD-CR tinh tế thiết kế lại theo ý của mình sao cho vẫn phù hợp và đầm ấm. Sau đó, họ vẫn hạnh phúc bên nhau, làm việc và có một cuộc sống bình thường, chẳng tổn hại đến ai và chẳng mích lòng ai.
“Đám cưới tôi 3 năm trước chỉ vỏn vẹn 10 bàn, với 4 bàn là gia đình, còn lại là bạn bè. Đó là vợ chồng tôi muốn ngày vui thật sự ý nghĩa và ấm cúng với sự hiện diện của những người thật sự muốn chúc phúc cho chúng tôi. Và cũng vì tôi cũng không muốn gây tình huống khó xử cho những người bạn không quá thân thiết  nên không mời kiểu "trả lễ" hay "nể nang"...và đến bây giờ tôi vẫn thấy vô cùng thoả nguyện”. – langthang.
Dù sao thì vẫn có những vị khách tinh ý
“Thiếu một người không quen biết đâu có ảnh hưởng đến cuộc vui đâu? Thế nên tôi quyết định giữ nguyên tắc: nếu bạn thân thiết, hoặc quen biết nhiều thì mới đi, không thì không đi, có thể chúc mững hoặc gì đó trước/sau. Đầu tiên mọi người xung quanh cũng thấy lạ, nhưng rồi thấy hợp tình và hợp lý nên chả ai trách gì mình” – Kim Nguyễn.
Ở một vài công sở hiện đại, người ta chỉ biết anh A, chị B đã cưới, gặp nhau chào và chúc mừng đã vui. Không ai thắc mắc và cũng chẳng ai bận tâm mình có được mời không. Cũng chẳng buồn hay vui về điều đó.
Đám cưới ngày nay "thương mại hóa" quá?
Người Việt Nam mình có một nếp văn hóa rất đẹp là hiếu khách. Chính nếp sống cộng đồng này mà Việt Nam luôn giữ được vẻ đẹp chân tình, ấm áp và đôn hậu. Người Việt Nam rất trọng bạn bè và yêu quí người thân. Thế nhưng, đôi khi trọng quá lại gây ra những vấn đề rắc rối cho cả hai bên.
 Marry.vn

Bình luận

Viết Đánh Giá
V
các bạn vẫn còn may mắn hơn Vân rồi. Tiệc cưới ở Phan Rang chỉ có 2 bàn là bạn bè của Vân thôi, còn lại gần 40 bàn là bạn bè, đối tác của ba mẹ (gần 2/3 trong đó tớ chưa 1 lần gặp mặt). Ấy thế mà ba mẹ còn đe dọa cắt nốt 15 bàn báo hỉ ở Sài Gòn của tớ nữa kia.
Thực đơn, chương trình, nội dung, bla bla... tớ không được can thiệp thô bạo (thay đổi những điều vô lý vô duyên và thiếu thẩm mỹ) nếu không thì trong nhà sẽ cãi nhau và tớ sẽ bị gay gắt là "đồ lập dị". (Tớ chỉ muốn test kịch bản, Mc scrip trước ngày đãi tiệc, và yêu cầu thức ăn dọn riêng cho từng người chứ không để 1 đống giữa bàn thôi mà...Ngay cả đến thực đơn tiệc tớ cũng không được chọn)
M
Mình cũng bị rơi vào tình huống như Sabrina, 2 vc chỉ có 15 bàn, mà bàn ba mẹ thì 30 bàn, không phải đám cưới mình mà là đêm hấp hôn của ba mẹ 2` thật
N
Khó quá, chắc phải đến thời con chúng ta thì chính chúng ta mới có thể đồng ý cho con chúng ta thực hiện đám cưới giống như chúng ta từng muốn thực hiện hồi... trẻ! ^^
I
Đồng ý 2 tay 2 chân với Sabrina...Tại sao người Việt Nam mình không bỏ dần những suy nghĩ như vậy nhỉ?
S
Đám cưới 10 bàn - đám cưới trong mơ của mình. Nhưng Ba Mẹ nói: đám cưới không phải của riêng con mà của cả gia đình, là dịp gia đình cảm ơn người này người khác... Làm sao để thuyết phục gia đình có cái nhìn giống mình? làm sao để vui lòng thân sinh mà vẫn giữ đám cưới là của riêng mình?
S
hì hì...cảm ơn mschi...
Đề nghị Marry có thêm nút like comment thoai :)
M
khi nào có chức năng like comment, mình sẽ like comt trên của chị swanxuan đầu tiên ^^.
S
Mình thấy rốt cuộc thì quan trọng là TẤM LÒNG và CẢM XÚC trong ngày cưới đúng không. Thứ gì càng trở nên công nghệ thì lại càng thiếu đi cái hồn. Công nghệ tiệc cưới cũng là một trong những khái niệm đó.

Chỉ cần mình chọn những gì mình thích, thăng hoa nó lên bằng cách tận hưởng niềm vui thật sự trong nghi thức đó, tận hưởng và sẻ chia cùng những người mình thân yêu, thì không gì có thể so sánh được.

Rốt cuộc thì đám cưới vẫn là của mình, dù hiện đại hay truyền thống thì chỉ cần mình hết lòng vì ngày cưới, từng người khách sẽ cảm nhận được điều đó.

Mình nghĩ vậy!
P
@ oanhnguyen: mình nghĩ là trong một chừng mực nào đó có thể, nên thông báo với cả hai bên gia đình về số lượng khách mời ngay từ ban đầu. Số lượng khách mời cũng tùy thuộc vào địa điểm đã đặt cọc nên dù muốn dù không cả hai bên gia đình cũng phải bàn bạc và đi đến quyết định cuối cùng ngay từ lúc lên danh sách.

Theo quan điểm của mình, tâm sự và trao đổi để ông bà thông cảm một phần, một phần cũng nên giải quyết một cách khoa học nữa.

Về thiệp báo hỉ, nếu đã thông báo mà "không mời" thì cũng rất là ái ngại. Thế nên mình nghĩ chúng ta chỉ báo tới những ai là bạn bè cũ, thầy cô, đồng nghiệp cũ thôi. Với lại ngày nay phương tiện truyền thông cũng đã giúp sức rất nhiều rồi... hehe.

@ mschi: Tiệc cưới của bạn Chi chắc chắn sẽ đẹp. Chắc chắn bạn Pop Color sẽ tới chung vui >:D<.

M
Với cuộc sống ngày nay, thật khó để CD-CR dung hòa việc hợp ý mình và hợp ý cả 2 họ.
Đọc mà mình chợt nhớ lời kể của mẹ về đám cưới trước đây. Ngày đó, bố mẹ mình cũng chẳng dư dả gì tiền bạc, chỉ có thể tổ chức trong khuôn nhà ăn tập thể của cơ quan bố. Khách mời cũng chỉ là bạn bè, người thân, đồng nghiệp của 2 người. Nhỏ về túi tiền lẫn không gian nên mẹ nói có những người không thể mời đc, họ cứ trách mẹ mãi sao ko mời 1 tiếng. Mẹ nói muốn cũng chẳng được vì khả năng chỉ đến thế. Còn với những người tham gia thì họ rất nhiệt tình, phụ giúp từ đầu tiệc đến cuối tiệc, vui vẻ. Mỗi khi xem những bức hình cưới mình vẫn cảm nhận được không khí lúc ấy qua lời kể của mẹ. Quà thì thời đó mấy khi để ý đến trong phong bì có bao nhiêu tờ bạc, mình chỉ toàn nghe mẹ kể về những món quà nhận được thôi. Đến giờ, nhà mình vẫn còn giữ 1 số món quà cưới hồi đó :D.

Nhưng đôi khi, mình cũng thấy tiếc vì phải chi cả 2 có 1 đám cưới có thể dầy đủ hơn nữa những người bạn, họ hàng,... Mình không mơ về một đám cưới quá hoành tráng, nhưng phải thật ý nghĩa vì ngày cưới là 1 trong những ngày quan trọng nhất đời 1 người còn gì. "Đẹp ở đây là đẹp lẫn cách tổ chức lẫn ý nghĩa của tiệc cưới." đó là điều mình luôn nghĩ đến cho ngày cưới sau này, đọc xong nhận thấy mọi điều đều có thể xảy đến ^^. Cảm ơn bài viết của Pop Color nhé.