Thanh toán

Đám cưới ngày xưa

Đăng bởi Marry Doe - 04/09/2017   |   Lượt xem: 4470

Ngày xưa, ở thập kỷ 80, đám cưới thiếu thốn đủ đường, ăn bánh bích quy đường đen cứng đến nỗi phải uống thêm nước chè để nhai cho được. Ăn chiếc kẹo Hải Hà từ lúc đón dâu đến khi đám cưới tan vẫn còn thấy ngọt giọng, thế mà vui và sướng.

Điều ước tưởng như vô lý, bởi người ta vốn hay vươn tới tương lai tươi sáng hơn. Ấy vậy mà không biết từ bao giờ, mỗi khi tôi đi dự đám cưới thấy mọi người đều “Ước gì trở lại ngày xưa”.

Ngày xưa, ở thập kỷ 80, đám cưới thiếu thốn đủ đường, ăn bánh bích quy đường đen cứng đến nỗi phải uống thêm nước chè để nhai cho được. Ăn chiếc kẹo Hải Hà từ lúc đón dâu đến khi đám cưới tan vẫn còn thấy ngọt giọng, thế mà vui và sướng. Sướng bởi người đi dự và gia chủ đều được vui, được cười, được chia sẻ cùng cô dâu, chú rể. Ai có gì, mừng đấy, người thì cái xoong, cái chậu, đôi khăn. Chi đoàn thì mua cái phích, cái nồi. Người không có thì sang dự chia vui tinh thần. Ngồi nói chuyện, cười đùa thật rôm rả đến tận xế chiều chưa muốn về.

 Còn bây giờ, đám cưới đàng hoàng hơn, no đủ hơn, hoành tráng hơn. Cô dâu, chú rể bận rộn bên “Hộp trái tim” bằng giấy đỏ để đựng phong bì. Bên trên ghi rõ ràng Nhà trai – Nhà gái cho đỡ nhầm lẫn. Thậm chí có cả những kịch bản đám cưới khá ly kỳ, cổ tích theo kiểu 10 chàng lực sỹ mặc khố tay cầm đuốc như thuở hồng hoang; tay bê thức ăn ra mời khách trông tướng không thua kém Lý Đức vậy.

No đủ thế mà sao vẫn chẳng vui bằng ngày xưa, bởi nhiều lẽ. Có người đi ăn cưới mà chẳng biết mặt cô dâu, chú rể; rồi cái cảnh ngồi vào mâm đến cả tiếng đồng hồ mà chưa được đụng đũa vì chưa đủ 6 người. Ăn cỗ, nếu cụng ly được một lần với cô dâu, chú rể và gia đình là đã đủ lễ, còn không thì cứ tự tiện đứng lên ra về. Ai ăn trước, về trước; ai ăn sau về sau. Buồn hơn, bởi có những người không dám đi ăn cỗ cưới. Đơn giản bởi: “Bác ấy tổ chức cho con gái tại khách sạn” sang trọng, giá một mâm 6 người đặt đến 1 triệu năm trăm ngàn, không nhẽ mình đi mừng 100 ngàn. Tốt nhất là đến nhà bác ấy uống nước gửi phong bì trước cho bác ấy biết mà chuẩn bị tinh thần làm, đặt rút bớt cỗ đi”. Ấy là chưa kể đến những biến tướng trong đám cưới để trục lợi cá nhân, để thu món lời ở cấp dưới và từ những người mình đã có công giúp đỡ. Ngôn ngữ đó thường chẳng ngoa chút nào, khi dành những từ ngữ dân dã để nói chuyện đi dự đám cưới ngày nay: “Trả nợ miệng”, “chạy show đám cưới”, hay “Cơm bụi giá cao”…

Ngày nay, chuyện cưới hỏi không phải là chuyện nội bộ gia đình mà phạm vi ảnh hưởng và tác động đã lan rộng ra xã hội. Ai cũng có cái lẽ của mình, đời sống thì phát triển, nhu cầu con người càng được nâng lên, lo cho ngày vui cả cuộc đời của mình, của con cháu mình ai mà chẳng muốn bà con dân làng, xóm phố phải “phục”, phải khen… Nhưng tổ chức như thế nào cho phù hợp hoàn cảnh, tổ chức như thế nào để đám cưới vừa tràn ngập niềm vui không chỉ của cô dâu, chú rể mà cả làng, cả xóm và cả những người đến dự mới là điều đáng nói. Nên chăng… mỗi chúng ta cần phải có một cuộc cách mạng về tư tưởng và phải có sự tự giác thay đổi căn bản nếp suy nghĩ về cách thức tổ chức ngày vui trọng đại này.

Nguồn tailieu.vn

Bình luận

Viết Đánh Giá
Y
đám cưới ngày xưa đầy đủ chỉ có ở những nhà có điều kiện, chứ những gia đình khó khăn thì làm cái lễ nho nhỏ thôi
Y
đám cưới ngày xưa mộc mạc bình dị lắm
M
Những đám cưới xưa thật đẹp và nhiều ấn tượng. Đám cưới nay bị biến tướng nhiều quá rồi
M
Đám cưới ngày xưa phần nhiều là tình cảm.
L
đám cưới thiếu thốn đủ đường, ăn bánh bích quy đường mà vẫn cười nói vui vẻ thật quý