1.Bảo quản sính lễ cưới khi di chuyển trên đường
Sính lễ là phần quan trọng không thể thiếu trong trong mỗi đám cưới, nó thể hiện sự quý mến, tôn trọng trân trọng của nhà trai với nhà gái và cô dâu tương lai. Phần sính lễ này thường được nhà trai chuẩn bị rất công phu, chu đáo và được vận chuyển rất cẩn thận, tránh bị vỡ, đổ, hư hỏng… những điều thường được xem là tối kỵ trong các đám cưới.
Với những đám cưới xa, việc vận chuyển sinh lễ cưới đòi hỏi nhà trai phải cẩn thận hơn gấp nhiều lần. Anh Hoàng Anh (quận 10 - TP. HCM) kể sự cố hư mất cặp đèn cưới trong chuyến rước dâu ở tận Nam Định của mình: Cả nhà anh đáp máy bay ra Hà Nội rồi thuê xe về đến Nam Định thì trời đã tối. Sau khi ăn uống, nghỉ ngơi, đến lúc ngồi lại để sửa soạn lại sính lễ rước dâu cho ngày hôm sau thì mới phát hiện cặp đèn cưới mang theo bị nứt trong lúc vận chuyển. Lúc đó mọi người mới tá hỏa hỏi thăm khắp nơi để tìm mua cặp đèn mới, nhưng các tiệm bán hàng đã đóng cửa hết. Rất may người chủ khách sạn đã nhiệt tình gọi điện hỏi người quen để mua giúp cặp đèn. Cả nhà anh thở phào nhẹ nhõm sau một phen hú vía.
Trong điều kiện gia đình hai bên ở cách nhau quá xa, bạn có thể nhờ nhà gái đặt trước một phần sính lễ cưới, đặc biệt là những thứ vốn cồng kềnh, dễ bể vỡ
Kinh nghiệm cho bạn:
Trong điều kiện gia đình hai bên ở cách nhau quá xa, bạn có thể nhờ nhà gái đặt trước một phần sính lễ cưới, đặc biệt là những thứ vốn cồng kềnh, dễ bể vỡ khi đi xa như cặp đèn cưới, cặp rượu…; hoặc những thức cần phải tươi mới trong ngày cưới như trái cây, bánh su sê, khay trầu tem… Thường thì ở mỗi địa phương đều có dịch vụ chuẩn bị sính lễ cưới, họ sẽ giao những thứ cần thiết vào đúng ngày, giờ và địa điểm đã hẹn nên rất thuận tiện. Nhà trai chỉ cần thanh toán số tiền này sính lễ với bên cung cấp dịch vụ.
2.Lạc đường trong ngày cưới
Lạc đường là sự cố vẫn thường xảy ra trong các đám cưới, đặc biệt là khi CD – CR ở 2 tỉnh thành khác nhau. Anh Hùng (Thủ Đức, TP. HCM) đã từng vã mồ hôi vì trễ giờ làm lễ đám hỏi do đi lạc đường. Anh cùng gia đình đáp máy bay ra Đà Nẵng và thuê xe du lịch loại 30 chỗ đi tiếp ra Quảng Nam để làm lễ hỏi vợ. Khi còn là người yêu, anh mới chỉ về thăm gia đình bên vợ hai lần nên cũng chưa rành đường xá. Bác tài lại là người Đà Nẵng nên cũng không biết nhiều về đường đi ở Quảng Nam. Vào buổi sáng sang nhà gái, anh đã cẩn thận hỏi kỹ bên nhà vợ về đường đi, nhưng cả hai nhà lại không để ý đến việc có tuyến đường trong thành phố cấm loại xe trên 30 chỗ lưu thông. Vậy là để tránh bị công an phạt, bác tài phải cho xe chạy lòng vòng dẫn đến lạc đường, khiến nhà trai đến nhà gái trễ hơn 15 phút so với dự định. Mặc dù nhà gái thông cảm nhưng gia đình nhà trai vẫn rất áy náy về việc này.
Nên hỏi thật kỹ về đường đi từ khách sạn nơi gia đình bạn ở đến nhà gái. Có thể dùng bản đồ chỉ dẫn
Kinh nghiệm cho bạn:
Nên hỏi thật kỹ về đường đi từ khách sạn nơi gia đình bạn ở đến nhà gái. Có thể dùng bản đồ chỉ dẫn. Tốt nhất bạn nên đặt khách sạn ở ngay gần nhà của cô dâu, hoặc nhờ một người biết đường bên gia đình cô dâu đến đi chung với nhà trai để tránh lạc đường.
3.Để quên đồ đạc
Việc thiếu sót, quên đồ đạc trong lúc làm đám cưới là chuyện không phải hiếm. Nếu đám cưới ở gần, bạn có thể nhờ người chạy ngay về nhà để lấy những đồ đạc bỏ quên. Nhưng nếu là đám cưới ở xa thì việc quên đồ đạc sẽ gây ra cho bạn không ít phiền toái.
Mải lo mua sắm những thứ cần thiết để mang theo, thu xếp xe cộ và nhắc nhở mọi người trong gia đình, chú rể Hưng (Bình Chánh, TP. HCM) lại quên mất việc chuẩn bị đồ đạc cho mình thật chu đáo. Đến lúc ra đến quê vợ ở Nha Trang, anh mới phát hoảng vì lỡ quên mất bộ đồ vest mới may để rước dâu ở nhà. Không còn cách nào khác, anh đành ấm ức thuê gấp một bộ vest ở một tiệm trong thành phố mà không hài lòng chút nào kiểu dáng và chất liệu vải.
Thái Dũng (Bình Tân, TP.HCM) cũng một phen tá hỏa khi đến chuẩn bị vào rước dâu rồi mới phát hiện mình đã quên mang theo bó hoa cưới dùng để trao cho cô dâu. Trước đó, do công việc nhiều anh đã nhờ chị gái cầm hộ nhưng chị quên. May mắn là tính cô dâu cẩn thận nên trước đó đã chuẩn bị thêm một bó hoa để ở nhà mình, nên chú rể vẫn có hoa để trao cho cô dâu.
Nên kiểm tra những đồ dùng quan trọng như trang quần áo cưới, cravat, hoa cưới... trước khi đi rước dâu
Kinh nghiệm cho bạn:
Dù bận rộn với đám cưới thế nào đi nữa, bạn cũng nên dành một khoảng thời gian nhất định cho việc thu xếp các đồ dùng cần thiết, đặc biệt là những đồ dùng quan trọng như trang quần áo cưới, cravat... Để chắn chắn hơn, bạn cũng có thể nhờ người thân trong gia đình kiểm tra lại giúp mình trước khi lên đường.
4.Sự cố do khác biệt về thói quen, tập quán
Người dân ở mỗi địa phương sẽ có những thói quen, tập quán riêng, và điều này cũng có thể dẫn đến nhiều sự cố dở khóc dở cười cho đám cưới của bạn. Anh Minh (Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết mình vẫn còn run mỗi khi nhớ về lần đãi tiệc Vu Quy ở quê vợ. Lúc đó khách mời đã đến đông đủ hết nhưng nhà trai vẫn chưa xuất hiện vì mọi người nhầm giờ đãi tiệc.
Gia đình anh Minh sống ở TP. HCM từ lâu, đã quen với việc tiệc đám cưới thường mời vào lúc 6 giờ chiều và khách mời ít nhất cũng 7 giờ tối mới tới đông đủ. Vậy là khi nhà gái đã tiệc Vu Quy tại TP. Qui Nhơn, các thành viên nhà trai đều nghĩ rằng sẽ ra nhà hàng vào lúc 6h chiều để đón khách cùng nhà gái. Riêng chú rể sau khi làm lễ Vu Quy cũng ở lại cùng nhà gái để sửa soạn đãi tiệc cho bữa chiều, cũng để ý về việc khách ở miền Trung thường có thói quen đi đám cưới đúng giờ, và tiệc cưới ở đây mời vào lúc 5h chiều. Vậy là mới chỉ 4h30 khách mời đã ùn ùn kéo tới. Khi đó anh mới hoảng hốt báo tin cho nhà trai – lúc này ba mẹ anh đang còn ngồi nghỉ ngơi và các chị gái cũng chưa kịp trang điểm. Phải cố gắng lắm gia đình anh mới tới được nhà hàng vào lúc 5h30. Một số khách khó tính chờ lâu quá đã bỏ về khiến anh và gia đình bên gái cứ như đứng trên đống lửa. Rất may là sau đó tiệc cưới vẫn diễn ra suôn sẻ, nhưng cả hai nhà đều bị một phen hú vía.
Kinh nghiệm cho bạn:
Với đám cưới xa, đặc biệt là các đám cưới mà CD – CR sống ở hai vùng miền khác nhau, hai gia đình nên có một buổi gặp gỡ để thông báo thật kỹ về những thủ tục, cách thức làm lễ cưới, đãi tiệc cưới… của mỗi bên để hạn chế tối đa những sự cố có thể xảy ra.
An Nhiên