Cô đơn là cảm giác mà bất cứ ai đều có lúc phải trải qua. Thế nhưng, một người lúc nào cũng ở trong trạng thái cô đơn thì khác. Đó chính là hệ lụy của việc sống cô đơn trong suốt một thời gian dài mà đôi khi chính bản thân người đó cũng chẳng nhận ra.
Thay vì bước ra thế giới bên ngoài, họ thích giấu mình trong vỏ bọc. Ngày qua ngày, suy nghĩ, thái độ cũng như cách sống sẽ bị ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng. Nó thể hiện rõ qua 9 dấu hiệu dưới đây:
1. Không chủ động liên lạc cùng bè bạn
Ngại làm phiền, cho rằng họ quá bận rộn và chẳng có thời gian hay đơn giản là sợ liên lạc rồi lại im ỉm, chẳng biết bắt đầu từ đâu, nói những gì làm mối quan hệ ngày càng xa cách.
2. Rất lười
Không chỉ thiếu thốn tình cảm không thôi, đây còn là dấu hiệu dễ nhận thấy ở người “có tuổi”. Nếu không phải là việc đặc biệt quan trọng thì họ sẽ chẳng đi đâu, cả ngày ru rú trong nhà. Đến nỗi, họ có thể nhịn một bữa chỉ vì không muốn phải bật dậy đi mua thức ăn hay nấu nướng. Rất nhanh sẽ biến thành những ông/bà già khó tính.
3. Thích giả khờ
Có những việc, những vấn đề dù nắm rõ trong lòng bàn tay nhưng người ta vẫn chọn im lặng, chẳng buồn giải thích làm gì. Nguyên nhân có thể là vì họ cho rằng mối quan hệ đó không cần thiết, nói hay không thì cũng thế mà thôi.
4. Cực kỳ nhạy cảm
Chỉ một hành động nhỏ hay một lời nói bông đùa của ai đó cũng đủ sức khiến họ suy nghĩ suốt cả ngày trời. Nhiều khi họ còn cố làm tổn thương bản thân bằng cách vẽ ra vô vàn viễn cảnh.
5. Hai tính cách trái ngược
Lúc ở nhà có đau buồn, rũ rượi đến đâu nhưng ra đường sẽ lập tức biến thành con người khác. Họ sẽ nở nụ cười thật tươi, cố tỏ ra là mình vẫn ổn. Sở dĩ họ phải sống “hai mặt” thế kia vì cho rằng chẳng ai trên đời có thể chia sẻ với mình.
6. Thể hiện cảm xúc thái quá
Một dấu hiệu khác của người thiếu thốn tình cảm là hay thể hiện cảm xúc quá đà hoặc làm quan trọng hóa mọi thứ lên. Chuyện bé thì xé ra to, đôi khi cũng chẳng biết vì nguyên nhân gì mà lại đau buồn, nóng giận.
7. Không thích ai là thể hiện ra mặt
Sẵn sàng bật chế độ “bơ” với người không quan tâm cũng như tỏ thái độ ra mặt với người mà mình ghét. Đơn giản là họ không muốn phí thời gian nên chẳng việc gì phải ép bản thân câu nệ hay nhân nhượng.
8. Làm theo nguyên tắc, ghét thay đổi
Thay vì ứng biến linh hoạt, họ tự đặt ra những nguyên tắc ngầm và buộc bản thân phải tuân theo. Kể cả khi nhận ra nó không tốt, chẳng giúp ích được gì nhưng vẫn làm y như thế, cũng chẳng muốn bất kỳ ai hay vì ai thay đổi.
9. Phản ứng chậm
Nhiều lúc ngồi giữa đám bạn, người ta hí hửng nói cười nhưng bản thân lại đơ ra, chẳng biết họ nói gì và nói đến đâu rồi. Cũng vì không bắt được nhịp như thế nên chẳng thể tránh được cảm giác cô đơn, lạc lõng.
Nếu nhận thấy những điều trên quá trùng hợp với bản thân thì bạn cần nghiêm túc thay đổi ngay lập tức. Không nhất thiết phải tìm một ai đó để yêu mà hãy bắt đầu từ việc cân bằng lại cảm xúc cũng như những mối quan hệ xung quanh. Đừng cho rằng chẳng ai lắng nghe, cũng chẳng ai quan tâm rồi biến cuộc đời mình thành một bức tranh vô vị. Chịu mở lòng, cho bản thân cơ hội, bạn sẽ nhận ra thế giới này tươi đẹp đến nhường nào.