Thanh toán

Để là cuộc hôn nhân hảo hợp - Bài 2

Đăng bởi Marry Doe - 28/06/2012   |   Lượt xem: 1291

Hôn nhân là chuyện trọng đại ở đời. Quy luật bất biến của vũ trụ đòi hỏi con người lớn lên phải thành gia thất (trừ những trường hợp khả dĩ). Đối với các bạn trẻ, hôn nhân là bước ngoặc đánh dấu mốc quan trọng trong đời.

Việt Nam tuy là quốc gia nhỏ, song lại có không gian phân bố dài từ Bắc chí Nam gần 2000 km. Tuy người Việt Nam có cùng một hệ tư tưởng truyền thống, cùng một tâm thức dân tộc song do những điều kiện tự nhiên như phong thổ địa lý cũng như hoàn cảnh lịch sử - xã hội khác biệt nhau đã tạo nên những dị biệt trong văn hóa, trong đó có phong tục. Người Bắc Bộ có xu hướng gìn giữ những nghi thức, quan niệm truyền thống và thường rất chỉnh chu trong hôn nhân. Chính vì thế, quan niệm “lấy vợ xem tông, lấy chồng xem giống”, hay “môn đăng hộ đối” vẫn khắt khe. Trong khi đó, tại Nam Bộ quá trình các lưu dân Bắc Bộ và vùng Ngũ Quảng vào khai khẩn vùng đất này 300 năm về trước đã tạo cơ sở định hình một phong cách văn hóa mang xu hướng đơn giản hóa các nghi thức truyền thống. Thêm vào đó, quá trình tiếp xúc với văn minh phương Tây sớm hơn và với cường độ mạnh hơn ở Nam Bộ đã khiến cư dân vùng đất này coi trọng sự tiện nghi, coi trọng tiêu chính nhanh – gọn – lẹ, kể cả trong phong tục hôn nhân.

Trao lễ vật trong cưới hỏi người Nam Bộ. Ảnh: HiếnMTD

Trong lễ vật hôn nhân, người Bắc Bộ thường quy định số chủng loại và số lượng lễ vật cụ thể, ngoài rượu, trầu cau, mâm đèn còn có một mâm xôi gà, một mâm bánh cốm xanh hoặc bánh su sê (100 cái), một mâm trà và bánh khảo (bánh in), mâm trái cây thuộc các màu vàng, đỏ, xanh (màu tốt theo ngũ hành).. Khi đi rước dâu bằng xe, trầu cau không được đặt sẵn vào quả và mang lên xe, mà thường phải có người mang đi bằng xe máy, khi đến nhà gái mới sắp vào mâm quả. Tập tục này xuất phát từ niềm tin mong muốn tình cảm vợ chồng sau này không bị “dằn xóc” như mâm trầu cau nếu mang lên xe. Thêm vào đó, mẹ chồng thường không đi đón dâu, mà ở nhà để chuẩn bị trao truyền thống nội trợ cho con dâu mới. Những người đi đón dâu phải đúng cặp vợ chồng (đối với người đã lập gia đình), gia đạo phải thuận hòa, hạnh phúc để tạo phúc lành cho đôi uyên ương.

Mâm quả miền Bắc. Ảnh: Nupakachi

Trong khi đó ở Nam Bộ chỉ quy định số mâm (thường là 6 mâm, có nơi là 8, 10), trong đó không thể thiếu trà-rượu, mâm đèn, còn lại là bánh và trái cây. Một số vùng thì chuộng bánh thèo lèo, một số nơi khác là bánh cốm (bỏng), thế nhưng thường không câu nệ cụ thể là bánh gì, miễn sao là số chẵn. Các loại trái cây thường là loại có sẵn ở địa phương như quýt vàng, nhãn, thanh long… miễn tên gọi gợi lên niềm may mắn. Cả bố mẹ chồng đều đi đón dâu, thành phần đi đón dâu cũng không câu nệ miễn sao số lượng chẵn là được. Như thế ta có thể thấy, dù là cư dân Bắc Bộ hay Nam Bộ thì đều hướng đến sự hài hòa hai bên thân gia, sự hòa hợp – hạnh phúc lứa đôi và sinh sôi nảy nở, chỉ có điều hình thức thể hiện có thể sẽ khác nhau theo đặc trưng từng vùng. Sự khác biệt ấy về hình thức chỉ là yếu tố ngoại tại, sự giống nhau về ước vọng hòa hợp, hạnh phúc và sinh sôi nảy nở luôn tồn tại dù ở đâu trên bản đồ hình chữ S này.

Mâm quả trong đám cưới miền Nam. TDHai

Trong trường hợp hôn nhân giữa đôi tình nhân đến từ hai đầu đất nước, sự hài hòa phải bắt đầu từ hai phía. Sẽ không có công thức chung nào cụ thể mà chỉ cần hai bên thân gia hiểu và thông cảm cho nhau, rằng đằng sau những nghi thức đa dạng ấy là sự đồng nhất về tư tưởng. Xưa nhà gái thách cưới quần là áo lụa, vàng thoi bạc nén, nay tục ấy không còn, cả hai bên cùng vun vén cho gia đình hạnh phúc, ấy là cùng suy nghĩ về tương lai của các con. Do vậy hai bên thân gia phải gạt bỏ những khác biệt, cùng hướng về sự hài hòa để ban phúc lành cho đôi lứa. Dù Bắc hay Nam, dù nông thôn hay thành thị, chúng ta phải biết gạt bỏ những tham vọng đơn phương hay cá nhân. Một số gia đình nhà trai (đa phần là mẹ chồng) thực hiện những hành vi lạ lẫm, chẳng hạn treo lủng lẳng chiếc quần cũ nát của con trai mình bên trong phòng tân hôn để bắt con dâu phải chui qua, ngụ ý con dâu luôn phải phục tùng chồng. Bên nhà gái cũng không kém phần mưu chước. Ngày rước dâu, bà cô, bà dì thậm chí là mẹ đẻ cô dâu ghé vào tai để dặn dò con gái “khi rước dâu đến nhà chồng, con phải bước dài hơn chồng để đặt chân vào nhà trước, sau này sẽ nắm quyền hành!”, hoặc giả “đêm tân hôn phải móc áo cô dâu choàng lên áo chú rể để giành phần hơn”, “phải tìm cách ngồi lên chiếc gối của chồng”… Tất cả những hành vi ấy có đạt được mong muốn hay không ai cũng có thể trả lời, song cái đọng lại đằng sau nó là sự hiềm khích, sự tham vọng, sự đòi hỏi quyền lợi trước đối phương cần phải loại bỏ. Thương nhau là cùng hướng về nhau chứ không phải phấn đấu để mình hơn đối phương.

Đám cưới miền Tây. Ảnh: Chương Bùi

Ngoài sự hòa hợp các phong tục vùng miền còn có sự hài hòa phong tục giữa các tộc người với nhau, chẳng hạn các cuộc hôn nhân liên tộc như Việt-Tày, Việt-Thái, Việt-Hoa, Việt-Khmer.. Lấy ví dụ về một đám cưới giữa chú rể người Việt và cô dâu người Hoa tại Nam Bộ. Gia đình chú rể theo tục người Việt soạn 6 mâm lễ gồm trà-rượu, mâm đèn, bánh, trái cây, song theo phong tục người Hoa thường có thêm mâm thịt lợn, mâm thèo lèo, mâm bánh ú… thành 12 mâm cho đủ lễ. Sau khi thỏa thuận, gia đình nhà gái đã chuẩn bị thêm 6 mâm để khi ra mắt họ hàng nhà gái, lễ vẫn đủ. Hai bên thông gia vui vẻ, đề huề. Lại nữa, chú rể người Việt thật sự lúng túng khi phải tự tay băm nát bó cải xanh và vứt tung tóe trước cửa nhà bố mẹ vợ người Hoa trước khi rước dâu về. Khi hỏi thì được giải thích hành động ấy mang ý nghĩa cầu phát tài (ném tung tóe cải: phát thái, gần âm với phát tài). Ngoài ra còn có cách hiểu khác, rằng cảicãi gần âm, khi đi rước dâu đã “băm nát bó cải”, sau này “sẽ không cãi nhau nữa”. Âu cũng là những ước vọng tốt đẹp mà gia đình nhà gái lựa chọn. Sự thông hiểu nhau, thông cảm và suy nghĩ vì nhau sẽ làm nền tảng tốt đẹp cho một gia đình mới được hạnh phúc, hòa hợp.

Minh Khang

Bình luận

Viết Đánh Giá
S
cảm ơn bài viết
S
rất đẹp