Tìm thấy một người để thương giữa bao nhiêu người vội vã lướt qua cuộc đời mình đã là một hành trình gian nan và trắc trở.
Tuy vậy, lại còn gắn gắn bó bó, keo sơn không rời, để đến độ chín muồi cùng nắm tay nhau về chung một nhà, thì đó hẳn là một câu chuyện cổ tích giữa đời thực.
Bởi với chúng ta, tình yêu có thể đến bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu, và với bất cứ ai không báo trước.
Nhưng điều đó cũng không phải là chúng ta luôn có thể yêu đúng người, đúng thời điểm, để tính tới chuyện đường dài cùng nhau.
Cho nên, cặp đôi bạn thân của tôi vừa mới tổ chức một đám cưới ấm cúng, mừng ngày họ chính thức thuộc về nhau – là cái ngày mà tôi nghĩ rằng tình yêu ấy sẽ cứ mãi thăng hoa, để cho một kẻ khờ khạo ngoại đạo về tình yêu như tôi phải hằng ao ước.
Ấy vậy mà, gặp lại nhau không lâu sau tuần "trăng mật", cặp đôi phờ phạc, mếu máo và trán hằn những nếp nhăn vì lo nghĩ. Họ nói, trong ngôi nhà mới vẫn còn đó tình yêu thuở thiếu thời, vẫn còn vẹn nguyên những cảm xúc yêu đương, nhưng mà vẫn cảm thấy khác xa nhiều quá!
Rằng khi chúng ta cùng ai đó về chung một nhà, chấp nhận sự xuất hiện của một ai đó nữa, đồng nghĩa với việc chúng ta phải san sẻ một nửa cuộc đời mình với họ.
Nghĩa là tất cả sở thích, thói quen, nếp nghĩ và nếp sống, đều có thể bị trộn lẫn, hoặc làm cho lộn xộn.
Và chưa hết, điều quan trọng nhất vẫn là bài toán về tài chính và tiền tệ. Hãy hình dung đơn giản như thế này: ngày còn yêu đương hò hẹn, thì chàng tiêu tiền chàng, nàng tiêu tiền nàng.
Ví như đi cùng nhau, chàng ga lăng thì mời nàng một bữa tối xa hoa đắt đỏ, nàng biết nghĩ thì sẽ mời lại chàng một chầu café dưới ánh đèn.
Nhưng vẫn cứ là độc lập, ai kiếm bao nhiêu sẽ tiêu bấy nhiêu, không đòi hỏi, không san sẻ, không gánh nặng.
Còn khi bước vào cuộc hôn nhân, đồng nghĩa với việc cả hai đang cùng nhau đi những bước chân rất khác, ở một cánh cửa cũng hoàn toàn khác xa!
Chúng ta buộc lòng phải đề ra một tay hòm chìa khóa để giữ chắc từng đồng tiền vào và hạn chế tối đa đồng tiền ra. Mà thường thì việc làm đó phù hợp hơn với phụ nữ, nên đàn ông vẫn là những kẻ rỗng ví khi bắt đầu lập gia đình.
Cậu bạn tôi nói, trong người cậu ấy không lúc nào quá năm trăm ngàn đồng. Phải, là năm trăm ngàn đồng. Cái số tiền mà khi xa xưa còn độc thân, chẳng gã trai nào nghĩ trong ví mình chỉ có ngần ấy.
Nào tiền xăng xe, tiền bia bọt, tiền thuốc lá, tiền điện thoại, tiền mời nàng đi xem phim, ăn bữa tối, tiền vân vân và mây mây…
Tất cả những anh chàng độc thân mà tôi quen đều có không dưới năm trăm ngàn để dằn ví. Vì ai cũng nghĩ mình cần nhiều hơn thế, càng nhiều lại càng ít!
Vậy mà đã có một con ngựa hoang sẵn sàng chui tròng vào cổ, chỉ với năm trăm ngàn trong ví cũng vẫn lấy làm hài lòng.
Bởi: "Thời gian đầu thấy bí bách và túng thiếu kinh khủng, nhưng chính ra nhờ có vợ giữ tiền lại học được thói quen tiết kiệm."
Vợ vẫn luôn là người nhắc nhở chúng ta nộp tiền đúng kỳ lương. Vì trong căn nhà bây giờ có ít nhất hai thành viên, cũng đồng nghĩa với việc mọi chi phí sinh hoạt đều tăng lên ít nhất gấp hai lần.
Và tiền điện nước, tiền cơm gạo, tiền sinh hoạt chung,… không thể cứ mãi mong manh và phật phờ trong ví của một người đàn ông được.
Lúc tôi hỏi vì bị vợ giữ tiền, lại không có quỹ đen, liệu có còn mật ngọt, liệu có còn thương nhau và nồng nàn mê đắm như cái hồi mới yêu? Hồi ấy, dù sao cũng có tiền đủ để mua một bó hoa làm lành khi nàng hờn dỗi.
Dù sao cũng có tiền đủ để mua một món quà vào ngày kỷ niệm hai đứa quen nhau. Bây giờ thì đào ở đâu ra? Mà phụ nữ, không có chút hoa chút quà thì họ lại thấy cuộc đời mình thiếu thốn…
Cậu bạn tôi à lên khoan khoái, bảo là:
"Đúng rồi, sau hôn nhân sẽ chẳng còn mật ngọt được nữa đâu. Trừ khi anh tiền anh, em tiền em, thì mới có tấm có món để dỗ dành nàng. Còn đưa tiền cho nàng giữ hết thì coi như mình là thằng tay trắng.
Chỉ có điều, chính vì thế mà không được phép giận hờn cãi vã nhau, vì biết trước chẳng có gì để chuộc lỗi làm lành, nên thôi thì chung sống hòa thuận, nghĩ tới chuyện đường dài, chuyện nhà cửa, chuyện con cái, tự khắc lại nguôi ngoai…"
Nghĩa là, sau khi kết hôn, con người ta phải đối mặt với rất nhiều thứ. Và thực tế nhất chính là sự biến đổi của tình yêu, và cả sự chi phối của đồng tiền.
Bởi vậy, con người ta lại buộc phải có trách nhiệm với nhau, trách nhiệm với sự lựa chọn gật đầu đồng ý của mình, trách nhiệm nuôi ấm bản thân và lắng lo cho cả đối phương nữa.
Những thứ ấy, nếu chỉ là tình yêu đơn thuần của một thời thanh xuân sôi nổi, e rằng chẳng bao giờ bạn có thể học được, chẳng bao giờ có thể thấm thía.
Và câu chuyện kết hôn, chắc chắn rằng còn nhiều lắm những cung bậc cảm xúc mà người ta phải trở nên trầm tĩnh hơn để sống, để lắng nghe, để cảm thông và học cách nhường nhịn, làm lành.
Nhưng dẫu sao, đó cũng vẫn là một cánh cửa khác – cánh cửa mở ra một cuộc hành trình mới nghiêm túc và trưởng thành, nơi mà không một ai trong chúng ta có thể nào đùa bỡn!
theo Trí thức trẻ