Thanh toán

Đừng làm "tổn thương" tuần trăng mật

Đăng bởi Marry Doe - 02/05/2015   |   Lượt xem: 1450

Không cần phải phân tích rõ ra “trăng” là gì, ”mật” là gì, nhiều người cũng hiểu đó là khoảng thời gian mang tính tận hưởng và riêng tư. Vậy mà nhiều người đã tổ chức trăng mật giống như cuộc họp gia đình hay một hội nghị “Diên Hồng”

Tìm lại định nghĩa gốc của "Tuần trăng mật" Tuần trăng mật, một khái niệm được xem là du nhập từ phương Tây, nhưng thực chất đã tồn tại từ rất lâu, dù cho ở nông thôn hay thành thị, châu Âu hay châu Á. Mỗi thời, mỗi hoàn cảnh, mức độ phức tạp và yêu cầu của người trong cuộc có thể khác nhau, nhưng ý nghĩa của tuần trăng mật vẫn rất xúc tích và ngắn gọn: trăng mật là khoảng thời gian sau ngày cưới mà hai vợ chồng tận hưởng để bước vào một giai đoạn mới trong cuộc đời. Nói đến tuần trăng mật là nói đến sự ngọt ngào, nồng nàn và viên mãn. Còn gì đẹp hơn là khoảng thời gian đầu cuộc sống chung của lứa đôi, vừa đầy đam mê, vừa có chút lạ lẫm.

couple-drinking-tea

Ngày trước, khi cuộc sống còn nhiều khó khăn thì sau đêm động phòng, các cặp vợ chồng thường đơn giản là dành cho mình một vài ngày cận kề bên nhau, đi lòng vòng phố xá, tay trong tay đến những thắng cảnh quen thuộc của địa phương để tô đậm tình yêu đôi lứa. Ngày nay, khi đời sống càng phát triển thì nhu cầu ngày càng đa dạng, cầu kỳ hơn, người ta cũng có nhiều cơ hội hơn để tận hưởng hơn và khám phá những nơi chốn mới với nhiều cách thức và phương tiện di chuyển khác nhau.

happy-couple-work-together

Tuy nhiên, với không ít những người Việt thì văn hóa hưởng tuần trăng mật vẫn còn hạn chế. Lý do về kinh tế khiến nhiều người có muốn cũng đành gác lại. Bên cạnh đó cũng là do một suy nghĩ, cách sống chưa được “chịu chơi” cho lắm.

Chính đáng nhưng xa xỉ

Có nhiều cặp vợ chồng hoàn toàn đủ điều kiện để tận hưởng một tuần trăng mật ngọt ngào. Nhưng suy đi tính lại, họ lại đành thôi. Cái “thôi” ở đây cũng do nhiều nguyên nhân. Họ không dám nghỉ làm quá nhiều vì sợ ảnh hưởng đến công viêc, thu nhập. Cũng có thể do suy nghĩ muốn tiêu khoản tiền sau cưới làm sao cho “thiết thực nhất”. Người chưa có nhà thì sẽ để dành và không thể “ăn chơi hoang phí, để dành mai mốt...”. Người có nhà rồi thì muốn sắm thêm giường ngủ xịn, bộ bàn tinh tươm, tân trang lại phòng khách hiện đại, xây thêm cái lầu xinh xinh… Họ cho rằng trăng mật là một nhu cầu chính đáng nhưng khá xa xỉ. Mà trong khi cuộc sống còn nhiều thứ cần chi tiêu thì không nên xa xỉ quá.

Và sau khi tự liệt kê ra hàng loạt những điều “muốn ít” và “muốn nhiều” ấy, họ tự an ủi là sẽ gác lại tuần trăng mật để khi nào “có điều kiện” sẽ thực hiện cho “hoành tráng”. Nhưng biết đến bao giờ và như thế nào mới là có điều kiện? Khi đã có cái này lại muốn có cái kia. Khi đã có tiền bạc thì thiếu thời gian. Khi có thời gian lại nảy sinh những lý do khác. Và có thể thực hiện đi chăng nữa thì làm sao “trăng mật tuổi già” có được cảm giác đặc biệt như “cái thuở ban đầu” ấy. Có những thứ khi đã đi qua bạn không thể lại quay lại được. Nếu đã trải qua tình yêu chắc chắn bạn thấm thía cái gọi là “thời điểm”, việc hôm nay đừng để mai làm, cả tình yêu, hôn nhân và tuần trăng mật cũng vậy.

Đừng làm “tổn thương” tuần trăng mật Nếu đã muốn trải nghiệm tuần trăng mật, thì bạn nên tôn trọng khái niệm này. Đừng làm “tổn thương” khoảng thời gian hiếm hoi, quý giá và có ý nghĩa đôi khi là sống còn cho cuộc sống hôn nhân nhiều trách nhiệm, lo toan sau này.

Không cần phải phân tích rõ ra “trăng” là gì, ”mật” là gì, nhiều người cũng hiểu đó là khoảng thời gian mang tính tận hưởng và riêng tư. Vậy mà nhiều người đã tổ chức trăng mật giống như cuộc họp gia đình hay một hội nghị “Diên Hồng”. Họ kết hợp hai trong một (hay thậm chí là nhiều trong một): chuyến nghỉ ngơi của hai vợ chồng với chuyến nghỉ dưỡng của bố mẹ, cuộc họp mặt anh em với lý do “lâu rồi cả nhà không có dịp”, hoặc “để gắn kết các thành viên trong gia đình”. Lúc này tuần trăng mật trở thành một cuộc tập dượt làm dâu nặng nề và khó nhọc cho cô vợ trẻ.

Không ôm đồm đến thế, nhưng có người kết hợp “hai trong một” mục đích trăng mật với việc thăm viếng họ hàng, bè bạn. Bây giờ lý do chính đáng được nêu ra là “ra mắt những người thân vì ở xa chưa có điều kiện về dự đám cưới”. Thêm vào đó là tư tưởng “nếu như nghỉ tuần trăng mật ở nơi có nhiều người thân quen sẽ không phải bỡ ngỡ về nơi chốn, có gì họ giúp đỡ”. Lúc này tuần lễ yêu đương nồng nàn trở thành một chuỗi những cuộc gặp gỡ ít thú vị và nhàm chán.

Happy-Couples

Hiện đại hơn, có không ít cặp vợ chồng mới cưới kết hợp chuyến đi công tác với tuần trăng mật. Xen lẫn giữa những ngày cùng nhau nâng niu hạnh phúc uyên ương là những cuộc họp căng thẳng và một vài tiệc tùng với quan khách, đồng nghiệp. Chưa kể một vài buổi tối trước đó, khoảng thời gian mà đáng lý ra phải dành cho việc thư giãn và êm đềm bên nhau, thì một trong hai người lại phải mở máy vi tính, kiểm tra hộp thư, xem lại báo cáo, bài thuyết trình để chuẩn bị cho cuộc họp sáng hôm sau. Nếu cuộc họp không đạt kết quả như mong muốn, bạn sẽ trở về khu nghỉ dưỡng thần tiên của mình với gương mặt âu sầu, đăm chiêu và đôi khi là tâm trạng cáu gắt.

Tất cả những điều này chính là “kẻ thù” không đội trời chung của tuần trăng mật. Hãy tạm gát qua những cuộc họp, những buổi gặp mặt chỉ bàn về công việc này, công việc vẫn còn đó khi bạn về, công ty không có bạn thì vẫn không thể nào phá sản được, nhưng gia đình nhỏ mà bạn vừa toàn tâm toàn sức xây đắp nên, không có bạn sẽ không thể nào có được hạnh phúc trọn vẹn, và chỉ cần một vết xước, có thể làm ảnh hưởng tất cả mọi thứ sau này.

Vậy là trong khi nhiều nơi, người ta ra sức tổ chức các “tuần trăng mật thứ hai”, thứ ba,... thứ n để hâm nóng tình yêu, thì chúng ta lại dùng “tuần trăng mật thứ hai” sau nhiều năm chung sống để thay cho “tuần trăng mật thứ nhât”. Trong khi những gia đình đã có con nhưng vẫn muốn gửi con để vợ chồng đi nghỉ riêng cùng nhau thì nhiều người lại rủ thêm người khác đi nghỉ với vợ chồng son nhà mình cho rôm rả. Không cần nói thì những kiểu hưởng tuần trăng mật thế này đã đánh mất ý nghĩa vốn có của nó, làm tổn thương một khái niệm không nói làm gì, tuần lễ nặng nề ấy trôi qua có thể để lại cả những tổn thương về mặt tinh thần cho cả bạn và người bạn yêu thương.

dung-lam-ton-thuong-tuan-trang-mat

Tuần trăng mật chỉ có một lần trong đời. Có thể vợ chồng trong suốt cuộc đời có vô vàn những tuần đi nghỉ cùng nhau. Nhưng những cảm xúc tinh khôi, trọn vẹn sau ngày cưới thì chỉ có trong tuần trăng đầu tiên mới có được. Cho nên, hãy biết cách nâng niu và trân trọng khoảng thời gian quý giá này. Hãy dành cho nó một sự đầu tư đúng tầm cả về tinh thần và vật chất. Để sau đó bạn sẽ bước vào một cuộc sống mới với hương lửa nồng nàn của tình yêu

Marry.vn

Bình luận

Viết Đánh Giá

Chưa có bình luận nào