Đăng bởi Marry Doe - 22/09/2017 | Lượt xem: 2010
Mâu thuẫn nào rồi cũng sẽ có cách giải quyết ổn thỏa nếu các thành viên thật lòng muốn tìm ra một giải pháp êm thấm và thỏa mãn đôi bên.
Hãy giữ bình tĩnh
Khi mâu thuẫn đã xảy ra, người trong cuộc sẽ luôn cảm thấy lý lẽ của mình là đúng đắn. Nếu đó là mâu thuẫn giữa mẹ chồng và nàng dâu thì cảm giác của mẹ chồng sẽ là bực bội vì “Con dâu chẳng biết kính trọng người trên”; còn nàng dâu sẽ đi đến kết luận “Mẹ chồng thật vô lý và áp đặt người dưới”. Dù bạn ở trong vị thế nào, hãy luôn ghi lòng tạc dạ về phản ứng đầu tiên của bản thân là phải thật bình tĩnh nhằm tránh xảy ra những hối hận sau này khi cơn nóng giận ngút trời đã làm cho bạn “tung hê tất thảy” hay “muốn ra sao thì ra”.
Giữ bình tĩnh bản thân là bước đầu tiên để giữ bình yên gia đình.
Đánh giá mâu thuẫn
Thông thường, ít ai chịu khó bình tâm mà đánh giá mức độ thật sự của những mâu thuẫn gia đình. Hãy tự hỏi “Mâu thuẫn này có đáng để làm to chuyện?” hoặc “Liệu mình có để bụng chuyện cũ và phản ứng thái quá hay không?” Việc đánh giá thấu đáo các mâu thuẫn gia đình có khi còn giúp bạn “ngộ” ra những thiếu sót hoặc cảm nhận riêng tư của bản thân đã dẫn đến những mâu thuẫn không đáng có.
Thận trọng và cân nhắc đánh giá mâu thuẫn để tránh “Chuyện bé xé ra to”.
Lắng nghe bằng cả 2 tai
Đôi tai là nơi tiếp nhận những lời giải thích hoặc lý lẽ của người khác. Nếu bạn không chân thành lắng nghe đối phương bằng cả hai tai thì khả năng bạn sẽ tiếp tục ấm ức hoặc bực tức là rất cao. Khi chịu khó lắng nghe người khác, bạn sẽ hiểu được những khía cạnh khác của cùng một vấn đề từ góc nhìn của người đối diện. Khi đã nắm được lý do vì sao đôi bên có mâu thuẫn thì từ đó các giải pháp dung hoà hoặc giải quyết triệt để mâu thuẫn mới có cơ hội được góp mặt.
Lúc có xích mích, cần lắm sự hoạt động của đôi tai và sự ngơi nghỉ của đôi tay.
Có nên xin lỗi?
Hai loại ngôn từ mà con người không muốn “phát ngôn” nhất chính là lời khen thật lòng và lời xin lỗi. Tuy nhiên, một người làm lỗi và biết xin lỗi sẽ còn được đánh giá cao hơn cả người không bao giờ mắc lỗi. Nếu người có lỗi là bạn, hãy dẹp qua hết những tự ái cá nhân hoặc sĩ diện bản thân mà gửi lời xin lỗi đến đối tượng. Ông Bà ta đã nói “Đánh kẻ chạy đi, chẳng ai đánh người chạy lại”. Do đó, một lời xin lỗi đúng lúc đúng việc sẽ là phương thuốc xoa dịu và giải quyết mâu thuẫn hiệu quả.
Sao ta không thử khi chỉ một lời xin lỗi là mâu thuẫn có thể được đánh phăng!
Học cách quên
Một trong những phép ngừa mâu thuẫn hữu hiệu là bạn phải học cách quên đi những lỗi lầm cũng như xích mích trước đây với các thành viên khác. Thật vậy, việc cứ ôm khư khư những tức tối vì một mâu thuẫn nào đó trong quá khứ sẽ chỉ làm khổ bạn mà thôi. Trong cuộc sống bộn bề lo toan và đầy trăn trở, bạn sẽ nhẹ nhõm hơn nếu biết cách thả trôi đi những mối dây mâu thuẫn trong quá khứ để hướng đến một ngày mai vui tươi hơn.
Hãy giải phóng các nơ-ron não quý giá khỏi những lỗi lầm quá khứ của người khác, bạn nhé!
"Tránh voi chẳng hổ mặt nào"
Nếu đã thử mọi cách ở trên mà đối tượng vẫn “ngoan cố” không hiểu và tiêp tục gây sự với bạn, cách tốt nhất là bạn nên bỏ qua và xác định trong lòng rằng càng ít đụng chạm hoặc tiếp xúc với thành viên ấy càng tốt. Đừng e ngại khi bị gọi là “hèn” hoặc những tính từ tương tự. Xét cho cùng, chúng ta chỉ nên quan tâm đến những gì làm mình vui và bỏ qua những gì làm ta khó chịu, phải không bạn?
Mâu thuẫn nào rồi cũng sẽ có cách giải quyết ổn thoả nếu các thành viên thật lòng muốn tìm ra một giải pháp êm thấm và thoả mãn đôi bên. Chúc cho bạn cùng các thành viên trong gia đình sẽ ngày càng giảm thiểu mâu thuẫn và gia tăng hậu thuẫn hạnh phúc cho nhau.
st